Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

circumferential resection margin CRM

Br J Surg. 2011 Apr;98(4):573-81. doi: 10.1002/bjs.7372. Epub 2011 Jan 25.

Effect of the circumferential resection margin on survival following rectal cancer surgery.

Source

Department of Surgery, North Tyneside General Hospital, North Shields, UK. s.b.kelly@ncl.ac.uk

Abstract

BACKGROUND:

The aim was to determine the effect of the circumferential resection margin (CRM) on overall survival following surgical excision of rectal cancer.

METHODS:

The effect of CRM on survival was examined by case mix-adjusted analysis of patients undergoing potentially curative excision of a rectal cancer between 1998 and 2002.

RESULTS:

Of 1896 patients, 1561 (82.3 per cent) had recorded data on the CRM. In 232 patients (14.9 per cent) tumour was found 1 mm or less from the CRM. In 370 patients (23.7 per cent) it was over 1 mm but no more than 5 mm from the CRM, and in 288 (18.4 per cent) it was over 5 mm but no more than 10 mm from the CRM. The remaining 671 patients (43.0 per cent) had a CRM exceeding 10 mm. Overall 5-year survival rates for these groups were 43.2, 51.7, 66.6 and 66.0 per cent respectively. Compared with patients with a CRM exceeding 10 mm, the adjusted risk of death was significantly increased for patients with a CRM of 1 mm or less (hazard ratio (HR) 1.61, P < 0.001) and those with a margin greater than 1 mm but no larger than 5 mm (HR 1.35, P = 0.005). There was no added risk for patients with tumour more than 5 mm but 10 mm or less from the CRM (HR 1.02, P = 0.873). The adverse effect of a CRM greater than 1 mm but no larger than 5 mm was found particularly in mid-rectal cancers.

CONCLUSION:

A predicted CRM of 5 mm or less on preoperative staging should be considered for neoadjuvant treatment.
Copyright © 2011 British Journal of Surgery Society Ltd. Published by John Wiley & Sons, Ltd.

WEB HAY:
http://www.medscape.org/viewarticle/567583

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Chợ chiều cuối chạp
TTCT - Nhà lúc ấy chỉ đủ ăn nên mẹ thường đi chợ chạp vào lúc muộn chiều. Vả lại ở quê cũng không cần mua sắm gì nhiều ngày tết. Chỉ cần đầy đặn mâm ngũ quả nơi bàn thờ gia tiên.
Mà người miệt đồng có đâu tiền nhiều mỗi cái mỗi mua. Gà vịt thì dự trù từ trước. Ngay con cá đồng cũng tính bụng sẽ có được từ vài đêm câu cắm. Củ quả thì đổi nhau với láng giềng là tươm tất được món mứt món dưa.

Mẹ đi chợ chạp cốt có được đôi dưa ở bàn thờ. Bến chợ đông cứng xuồng ghe. Loay hoay cũng chui được dưới gầm cầu Cái Sơn. Chợ năm nay bày hàng ở bến sông. Bến sông nay đã có bờ kè, không còn lo đất lở nữa. Lúc trước, chợ chạp dọn ở đường giữa. Nay đường là đường công viên, chỉ bày hàng hoa. Nơi đó rộng đủ chỗ cho làng hoa Sa Đéc.
Bộ mặt chợ muộn buồn làm sao. Người hết hàng sớm lăng xăng gom dọn. Nhưng cũng có người tiu nghỉu, đăm chiêu. Tiêu điều nhất là ở hàng hoa. Hoa thì người trồng tính đủ ngày đủ tháng nên mang về thì nặng, bỏ thì thương. Nhìn họ buồn xo.
Chiều chợ chạp muộn vậy mà còn một người bán mai cắt nhánh. Ông không quá đăm chiêu nhưng mai của ông buồn hay sao mà dợm rũ lá. Chợt nhớ góc vuông vườn nhỏ của ông Tư ở xóm. Lúc đầu ông Tư định trồng để làm rào, rồi bất chợt chúng thành mai cảnh. Mùa mai, góc vườn ông sáng vàng rực. Một năm nọ, ông cũng cắt nhánh hoa bán bớt. Nhưng cảm xúc lạc lõng của người bán mai giữa chợ chiều ba mươi làm ông chạnh lòng. Hoa ông mộc quá, mộc đến nao lòng, thanh cao và không là hoa vương giả, quá lẻ loi trong rừng hoa giữa chợ. Liệu người đàn ông kia có cùng tâm sự với ông không?
Chừng như không ai có được lựa chọn một góc đời theo ý mình. Như những gì còn lại ở chiều chợ chạp này, hẳn không ai muốn có một lỡ dở bán mua. Nên cứ có chút chạnh lòng ở một chợ chiều cuối chạp.
NGUYỄN QUANG HÒA (Đồng Tháp)
Tết của ôsin
Chị và tôi cùng chuyến tàu giáp tết. Tàu chợ, toa cuối, từng thùng hàng cao quá đầu người. Tôi sinh viên đi vé chui, giằng co được cái ghế nhựa ngồi gà gật. Chị nói ra thành phố làm ôsin, xin mãi chủ nhà mới cấp phép ba hôm, như thời chiến.
Chị vạch điện thoại, hai sim hai sóng, nói một sim của bà chủ, một của ông chủ. Bà chủ gọi nhắc cơm nước, giặt giũ, lau nhà, đón con, ngăn cấm người lạ. Ông chủ gọi nhắc về muộn, mở cổng, để ý con xe...
Làm hai tháng, bà chủ phong “một sao”, nghĩa là được cầm tiền tự lo liệu theo kế hoạch. Ba tháng ông chủ phong thẳng “bốn sao một vạch”, được phép làm mồi nhậu tiếp đãi khách quý.
Chị lại xòe tay khoe vòng lắc ngọc bích kể chiến công phát hiện ông chủ tăng ca golf, giảm giờ ở nhà với vợ. Từ đó bà chủ huấn luyện cách phát hiện mùi nước hoa, màu cà vạt, thắt lưng, nhãn hiệu giày... lạ hay quen.
Chị cười ngặt nói ôsin phải làm nhà hòa giải, giữ hạnh phúc cho người ta. Nhưng đời tréo ngoe buồn lắm. Chị về quê mà có nhà đâu. Thằng chả nhà chị cặp bồ rồi rước nó về ở ngon ơ.
NAM PHÚ

Mùi của hạnh phúc

Mùi của hạnh phúc
TTCT - 1. Mỗi người có mỗi mùi tết khác nhau. Mùi ở đây không chỉ cảm nhận lộ liễu qua khứu giác mà đó là mùi tổng hợp được từ tất cả các giác quan nhìn, nghe, sự nếm trải, cảm nhận trong cuộc đời.
Có người là mùi của nỗi buồn, sự dằn vặt, nỗi cô đơn; có người là mùi của nôn nao; có người là mùi của hạnh phúc, thậm chí có cả mùi của lòng thù hận tùy theo hoàn cảnh, sự việc, thời gian... Mùi tết thức dậy, cồn cào trong mỗi con người, đôi khi chỉ là rổ kiệu, miếng măng khô, lát mứt... Kỷ niệm tràn về, cảm xúc có khi không thắng lại được.


Ngày còn nhỏ, với tôi, mùi tết luôn là mùi gừng, mùi của ấm áp và có cả điều bí mật của sự tĩnh lặng. Quãng giữa tháng chạp mẹ tôi bắt đầu khệ nệ hết thau to đến thau nhỏ, hết xâm đến luộc rồi xả... và cuối cùng là công đoạn sên nước đường; hết gừng rồi đến bí, khoai lang, cà chua...
Tôi chẳng bao giờ biết được những ngày của tháng cuối cùng trong năm đó, đêm đêm ngồi một mình trăn trở những miếng mứt mẹ tôi đã nghĩ gì? Hết mứt rồi đến bánh. Đậu xanh, bánh thuẫn, bánh in... Phải gửi gắm vào đó biết bao tình thương yêu mẹ tôi mới có thể làm từng ấy công việc, trong yên lặng, chẳng phàn nàn điều gì. Hai mươi tháng chạp mẹ tôi lại trút măng ra ngâm nước.
Những miếng măng đầy đặn, đụt ngắn, cỡ lóng tay và mặt lưng phải không được có mắt. Măng phải đạt yêu cầu sao cho hầm đi hầm lại vẫn mềm, giòn, không rã. Mẹ tôi nói hầm măng là cả một quá trình đong đếm lòng kiên nhẫn và chịu khó. Luộc, xả, rồi luộc rồi xả... Trước khi luộc phải rửa sạch từng miếng măng.
Cái quy trình không có sách vở nào dạy cho biết đến bao lâu thì được mà chỉ hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm. Có thể đó là kinh nghiệm từ năm cũ hay từ nhiều năm trước, cũng không loại trừ kinh nghiệm từ thời bà tôi để lại. Tôi cũng không thể nào biết được mẹ tôi đã nghĩ gì trong những đêm khuya con cái đang học bài hay đã đi ngủ, chỉ mình bà ngồi yên lặng một mình dưới ánh đèn nhỏ tược từng miếng măng.
Ba tôi vốn là một người thích đãi đằng. Với tạng người gầy, tầm thước, ông không ăn được bao nhiêu nhưng cứ thích mẹ tôi làm nhiều thứ, phần để ông ơn nghĩa, phần để ông mời mọc bạn bè. Và như thế, mẹ tôi còn làm nhiều thứ như giò lụa, giò thủ, nem chua... tùy theo yêu cầu đặt ra của ông chồng có tính hào phóng.
Những thức ăn mùa tết thu hẹp dần mà có lẽ do tuổi tác càng nhiều khiến mẹ ngày càng ít làm và sau này ba tôi cũng bớt dần các khoản đãi đằng, cho tới ngày ông qua đời thì mẹ tôi chấm dứt hẳn những xoong to, nồi bé, chảo mứt, tràng bánh...
Thỉnh thoảng nhớ tết xưa, mẹ tôi hay chặc lưỡi, cả chục ký đường, cả chục cân thịt, ngày đi chợ mấy bận vẫn không nhớ để mua cho hết các thứ. Bây giờ mẹ có muốn cũng không làm nổi nữa con ơi!
2. Mùi tết đối với tôi còn là mùi khói, mùi lá mục, mùi đất, mùi sương sớm, mùi cao nguyên... Hơn hai mươi năm làm vợ, tôi chỉ làm dâu có mấy ngày tết. Mà đâu có phải làm dâu!
Khi chúng tôi về đến nhà chồng luôn là ngày cuối cùng của năm. Những cái bánh chưng đã ráo nước, những chùm nem, nồi măng, thịt kho... sắp sẵn trên bàn hay trong bếp chờ tết. Chưa kịp dòm ngó cho quen bếp của mẹ chồng có những gì thì sáng hôm sau đã là mùng một. Buổi sáng sớm khi chúng tôi còn nằm trong chăn dày thì mẹ chồng đã trở dậy lục đục sau nhà. Luôn là mùi khói lẻn vào tận mùng đánh thức tôi.
Tôi thích ngồi trên cái đòn nhỏ cạnh bà và khều lửa trong cái bếp kiềng ba chân để nghe tiếng nổ lách tách. Chúng tôi nói với nhau những chuyện tưởng như không có năm dài xa cách, như mới vừa đây thôi, cũng chuyện làng xóm trên, xóm dưới, chuyện mấy đứa nhỏ học hành...
Và khi mấy anh em trong nhà đủ mặt ở gian bếp thì mẹ chồng hay em dâu hay em chồng lại chuẩn bị cho một ngày đầu năm với các thứ mà mẹ chồng tôi đã lo tươm tất đâu đó bắt đầu từ giữa tháng chạp. Và tôi cũng chẳng bao giờ biết được trong những ngày tháng cuối cùng của năm đó, ngồi lau từng miếng lá chuối, thái từng miếng thịt, gói từng cái bánh, cũng một mình, lặng lẽ, mẹ chồng tôi đã nghĩ gì!
3. Mẹ chồng tôi giờ cũng đã cao tuổi lắm rồi nhưng bà vẫn còn mạnh khỏe để cho những đứa con trở về có một cái tết ấm áp, không những thế còn có cái cho chúng mang đi. Năm rồi, tôi không về tết quê chồng. Nhìn những cái bánh chưng của mẹ chồng gởi xuống tôi muốn rớt nước mắt.
Còn đâu những cái bánh đầy đặn, vuông vức, vạm vỡ, vững chãi ngày tôi mới về làm dâu? Những cái bánh bây giờ nhỏ đến thương. Tôi hiểu, sức khỏe bà đã giảm sút đi nhiều lắm, gói mấy cái bánh chưng cho con cái có mùi tết với người ta là cố gắng quá mức rồi. Những đứa con của mẹ chồng tôi có người cũng đã gần sáu mươi. Liệu bà có trăm tuổi để có thể gói mãi cho chúng tôi những cái bánh chưng đầy tình thương yêu đó? Chẳng ai thoát khỏi quy luật của đời người!
Lặng lẽ làm công việc của người mẹ lo cho con cái có được mùi tết ấm áp, tôi lại nghĩ đến mẹ tôi và mẹ chồng tôi. Thời gian chẳng chừa một ai. Tôi muốn nói lời cảm ơn cuộc sống khi mình vẫn còn cảm nhận được mùi tết là mùi của hạnh phúc!

Mỗi con đường góp một chút hương xuân

Mỗi con đường góp một chút hương xuân
TTCT - Đường phố cuối năm dường như vội vã hơn, những con hẻm chật cứng, vỉa hè như nêm thêm người. Tất cả như đang chạy đua với thời khắc của những ngày cuối năm.
Tôi ở Huế hơn bốn năm, con đường đi qua trường tôi vào cuối năm thường tràn ngập hoa. Những chậu hoa treo lủng lẳng trên chiếc xe ba gác, cứ thế đẩy đi từ đầu đường đến cuối đường, từ con đường này qua con đường nọ như chở một niềm vui mới chờ một khách hàng đến đón nhận. Tôi để ý đến ông già bán hoa cảnh, năm nào cũng thế, đến những ngày giáp tết là thấy ông. Hoa vẫn thế, tươi, thơm như vài năm trước. Riêng ông thì già đi trông thấy.
Ông già chủ xóm trọ về hưu từ hồi nào. Quanh năm quanh đi quẩn lại chỉ chăm sóc mớ cây cảnh và vài ba con chó. Những ngày cuối năm ông quét lại cái hàng rào bằng vôi trắng toát. “Sao không để mấy anh chị, bác quét làm gì?” - tôi hỏi. Ông bảo: “Mỗi năm chỉ quét một lần vào dịp tết. Tôi thích nhất là cắt, tỉa hàng chè tàu và quét vôi tường rào. Nhưng việc cắt tỉa thì làm thường xuyên. Riêng cái vụ quét vôi sơn tường này thì mỗi năm chỉ có một. Không ai thay thế được, quét vôi - làm mới như một ý niệm về mùa xuân - thay mới. Làm việc này có cảm giác như mình mặc cái áo mới vậy chú ạ”.
Thằng bạn ở làng hoa giấy Thanh Tiên. Cứ đến cuối năm nó đạp xe chở hoa giấy lên phố. Dù hoa thật khoe sắc ở mọi nẻo đường nhưng hoa giấy vẫn có chỗ đứng. Nó bảo hoa giấy dành cho người nghèo vì hoa thật đắt tiền. Những buổi sáng sương giăng mờ, con đường từ phố cổ Bao Vinh chợt hiện lên sặc sỡ bởi những chiếc xe chở hoa giấy. Từ con đường này hoa sẽ “len lỏi” vào từng nóc nhà, từng mái ấm rồi được đặt trang trọng lên bàn thờ tổ tiên như góp chút hơi ấm, chút sắc xuân làm nên một cái tết cổ truyền.
Không sao quên những đứa trẻ ở tận vùng cao tụm năm tụm ba ngồi nép bên đường chờ bán những nhành phong lan, những mụt măng non hay những bông bắp chuối đỏ tươi. Hoa thì hái trên rừng, bắp chuối cũng hái trên rừng. Người hỏi thì nhiều mà người mua thì ít. Chúng bảo mua cho cháu để có tiền đi sắm cái áo tết. Nhìn áo quần nhếch nhác lại thấy mủi lòng. Thôi thì mua. Mua để góp một niềm vui vào niềm vui chung của đất trời. Cái bắp chuối màu đỏ thắm thì tặng ông già chủ trọ. Ông bảo đẹp thế này ăn phí lắm, đem đặt vào cái chậu chưng cho đẹp.
Không biết ông già năm nay còn sơn tường rào bằng vôi, hoa giấy có còn thịnh hành, những bông chuối rừng của bọn trẻ giờ còn bán? Hoa vẫn thắm, cỏ vẫn xanh nhưng người thì xa xăm.
YÊN MÃ SƠN (Quảng Trị)
Xuân phương Nam
Chị điện nói tết về muộn vì công ty đắt hàng. Chị là công nhân may, làm ca, 20 tuổi, ở Sài Gòn được dăm tháng, tháng nào cũng gửi tiền về, mẹ dúi sang tôi bảo tiền mồ hôi nước mắt chị mày đấy, cố mà học. Con bé đảm đang nhất nhà, trai làng giẫm nát ngõ đấy! Mà ở quê thì nghèo, rồi cả đàn em lít nhít nữa, nó mới đất khách quê người.
Mẹ tôi luôn nói thế. Cha nhăn mặt nói đẻ con mà để con khổ thì cha mẹ mang tội. Tôi chẳng nói gì, chỉ cồn cào nhớ chị. Cứ nhìn tờ lịch cho đến 30. 30 là muộn còn gì. Nhưng đến chiều 30, cả nhà ngồi chờ cơm mà chị vẫn chưa về. Giao thừa tôi co ro đầu ngõ ngóng tiếng tàu đêm vọng lại từ ga xép, không có chị cầm tay đi một vòng quanh sân trong khoảnh khắc năm mới.
Sáng mồng 1, lúc nắng bắt đầu tinh khôi trút qua kẽ lá, chị balô tay xách nách mang dạ thưa mấy người hàng xóm. Cả nhà túa ra, vui như tết! Chị khoác cho tôi áo mới, chỉ nhãn nói công ty chị này, tôi thấy cả mùa xuân phương Nam xa lắc xa lơ ngàn dặm.
NAM PHÚ
Chợ nhà nghèo
Chợ 30 tết lúc nào cũng đông người, vậy mà má tôi năm nào cũng đi vào buổi chợ ấy, để rồi khi về đến nhà mệt mỏi nằm thở dài, mấy giờ sau mới lo công việc được. Có lần tôi hỏi thì má nói: “Vì đó là “chợ nhà nghèo” mà con!”. Lúc ấy tôi còn nhỏ, nghe má nói vậy thì hay vậy, không hỏi thêm làm gì, miễn sao có quần áo mới để mặc khoe với bạn bè là đủ rồi.
Còn nhớ 29 tết năm ấy má vừa qua cơn bệnh nặng, trong nhà không tiền nên chưa mua sắm thứ gì gọi là để ăn tết, chỉ vỏn vẹn có hai con cá lóc mà ba đã cố gắng tát cái mương bắt được ngày hôm trước, để dành 30 tết làm cơm canh cúng ông bà tổ tiên, và một ít chuối khô lúc má nằm bệnh viện ba đã lụm cụm ép phơi khô rồi gói xín cất vào thùng đan để dành tết.
Xế chiều, má cứ đi ra đi vô mãi, có lẽ trông anh chị tôi về. Rồi má kêu to lên: “Ông ơi! Tụi nó về tới!...”. Ba và tôi chạy ra mừng quýnh. Má thăm hỏi đủ điều... Tôi thì lo nựng mấy đứa cháu. Bất chợt má quay sang bảo tôi: “Đưa cháu nội cho tao, tao nhớ nó lắm!”. Tôi đưa thằng nhỏ cho má. Má vừa hôn vừa nói đả đớt với nó không kịp thở. Ba thì lo dụ đứa cháu ngoại đi uống cà phê. Nó không chịu. Rủ ra bờ sông xem tàu lớn nó cũng nằng nặc không đi. Nó nói: “Ông ngoại già quá, râu không, thấy mà ghê!”.
Không khí trong nhà ấm áp. Anh chị lấy tiền để làm quà xuân cho ba má. Tối đêm đó ba châm bình trà, lấy ra mấy lát chuối khô, ngồi uống nước với mấy đứa cháu. Trong buồng, má soạn tiền đếm, rồi chia ra từng nhóm. Có lẽ má đang tính sáng 30 mua thịt bao nhiêu, mua cá bao nhiêu...
Định vợ, gả chồng cho anh em tôi xong, ba má cũng lần lượt ra đi không bao giờ trở lại. Sau này, cứ mỗi lần tết đến, nghe hàng xóm rủ nhau đi “chợ nhà nghèo”, tôi bùi ngùi nhớ về khung trời kỷ niệm của tuổi thơ. Hỏi mấy người lớn tuổi mới biết đó là chợ 30 tết, buổi chợ cuối cùng của một năm. Ai nghèo thế nào cũng phải vay mượn làm sao cho ra tiền để mua sắm chút đỉnh về, trước cúng ông bà, sau cho con cháu ăn qua loa ba ngày tết. Vì vậy ở quê tôi người ta gọi là “chợ nhà nghèo”.
NGUYỄN HỮU THÀNH (Tiền Giang)
Việc cuối cùng của ngày cuối năm
Đã bảy năm sống ở Sài Gòn, mình vẫn yêu vô cùng chiều cuối năm của nhóm bạn.
Đó là những ngày cuối năm mà cả nhóm nhất quyết phải làm cho xong việc cuối cùng ấy rồi mới ai nấy về quê.
Mình đi chợ bông, lựa mấy chậu vạn thọ vàng chói, kỳ kèo trả giá rôm rả. Bạn đi Chợ Lớn mua lạp xưởng, củ kiệu. Bạn khác đi chợ đầu mối Hóc Môn mua thịt ba rọi hay thịt đùi... Rồi tụi mình còn mua nhang thơm, mua dưa hấu. Mua xong rồi đem về nhà lúi húi chia phần, gói ghém cho thật đẹp mắt, thật ngon lành...
Ngày cuối năm, việc cuối cùng là cả nhóm đi đến các xóm nghèo của Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ để chia những phần quà nhỏ bé cho các cụ già neo đơn, không có con cái gì hết.
Có ông cụ nằm liệt một chỗ, có bà cụ ngồi xe lăn, cũng có ông bà móm mém hàm răng rụng hết cười đón cả đám...
Có những ngày cuối năm chúng mình nhận lại món quà là củ khoai lang luộc, trái bắp nướng của các ông bà cụ, có những ngày cuối năm chúng mình rơi nước mắt tiễn một bà cụ, ông cụ nào đó về với thiên đường...
Đã thành thông lệ, cuối năm, hễ việc đi biếu quà cho người già chưa làm là chẳng đứa nào chịu về… Cũng ước mong đón tết cùng với các cụ già. Nhưng đứa nào cũng có gia đình, vợ bìu con ríu, chồng nhắc nhở, họ hàng đợi nên thôi...
Chỉ có thể làm chút việc lành, việc thiện để dọn mình đón năm mới thanh sạch…
HỒNG HẠNH (Hóc Môn, TP.HCM)

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Đời nhiều khi cũng ngộ !

16/08/2009 13:01  
Đời nhiều khi cũng ngộ !
Nhớ hồi nào khốn khó, cả năm trời chỉ mấy ngày tết mới được ăn uống no say, ước có thịt cá mỗi ngày cho bữa cơm thật xa vời ; bây giờ, những bữa thịnh soạn làm người ta phát ngấy, lại thèm cơm rau, thèm tương cà của thuở hàn vi; nhớ hồi nào, chiếc xe đạp cũ là cả một tài sản lớn lao, xe máy là giấc mơ ( dream) như không thể nào chạm tới, vậy mà bây giờ, lại thích đi xe đạp, thích được “quay đều, quay đều những vòng xe…” với tóc bay trong gió, chán ào ào trong tiếng động cơ, trong nặng nề, chật chội của mũ bảo hiểm!
Thích thì làm ! Trưa chạy đi mua một chiếc xe đạp, Asama màu trắng ! Tối về chạy nhong nhong, phát hiện ra đêm rất lạ !
Những con đường xung quanh nhà mình thật đẹp, mỗi đoạn có một mùi hương riêng,  trừ  đoạn tập trung mấy quán bia đậm mùi thịt nướng khó ưa, còn lại là hương Nguyệt Quế, hương hoa Lài…và hương gì không rõ, chắc là hương đêm !
Phát hiện ra trẻ con bây giờ yêu sớm, rất tự nhiên, rất tự do !
Phát hiện ra nhiều người thích ngồi quán cà phê tán gẫu, mặc cho thời gian trôi trong tĩnh mịch !
Phát hiện ra làm người điên không sướng chút nào, ngày hát nghêu ngao cũng thú vị nhưng đêm thì co ro trên vỉa hè, hình như còn biết sợ gió khuya lạnh lùng và bóng tối !
Phát hiện ra dân xứ mình đa phần thích xem phim Hồng Kông và Trung Quốc; nhà nào cũng rặt “ Bao Thanh Thiên” !
 Phát hiện ra mình đã già, khi con bé hàng xóm không nhận ra mình ở chốt đèn giao thông , và nói với mẹ “ không nhìn ra cô, vì trông nhí nhảnh !” ( ôi trời ! xe đạp !)
Phát hiện ra trên bầu trời, sao chi chít, đông đủ lắm, chật chội lắm, vậy mà  không đếm hết những ngôi sao cô đơn !
Phát hiện ra một mình trên đường thênh thang gió lộng mà lòng chẳng thấy lẻ loi !
Đời nhiều khi cũng ngộ !

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

trực ngày tết

Buổi sáng đi làm, nghe hơi gió thổi vào da lành lạnh, thế là đã cuối năm rồi. Với những người bác sĩ như tôi, Tết chẳng bao giờ được xem là thời gian vui chơi trọn vẹn. Thế nào cũng phải có một ca trực rơi vào một ngày nào đó trong Tết. May mắn thì mùng 2 mùng 3, coi như bỏ một vài buổi đi chơi, còn không may thì rớt ngay trúng 30 mùng 1, tức là phải đón năm mới trong bệnh viện.

Thì cái nghiệp trăm năm đã thế rồi mà... Có ai hẹn ngày hẹn giờ để mà đi bệnh như đi phỏng vấn xin việc làm hay hẹn lấy hồ sơ công chứng đâu?
Chắc không có một bác sĩ nào trên thế giới này có thể trả lời được câu hỏi: "Anh đã trải qua bao nhiêu ca trực đêm trong suốt một đời nghề của mình?" Có lẽ không trả lời được vì nhiều quá, dày đặc quá, thường xuyên đến mức không nhớ nổi.
Những công việc trong ca trực thì cũng không khác nhau: xách giỏ bỏ vào phòng, vừa thay quần áo vừa cầu nguyện sao cho đêm trực yên ổn một tí, suy nghĩ một chút về những ca bệnh nặng được báo cáo trong buổi giao ban sáng...
Dù thế, những ca trực Tết bao giờ cũng có một không khí khác. Ngày 30 và mùng 1, ở các khoa nội trú thường không khí vắng vẻ hơn, yên ắng hơn và sạch sẽ hơn do bệnh nhân ít hơn. Ngày giáp Tết, bệnh nhân còn nằm trong khoa cũng tha thiết yêu cầu được xuất viện về nhà đón giao thừa. Bác sĩ cũng thông cảm được chuyện đó, nên bệnh nào có thể về nhà uống thuốc tiếp là cho về.
Người nào được về thì vui như tết, nói cười hỉ hả, làm bác sĩ cũng thấy vui lây mặc dù nhiều lần cũng thấy lo ngay ngáy, cứ phải dặn đi dặn lại về chuyện uống thuốc ra sao, theo dõi triệu chứng như thế nào, lúc nào thì trở lại bệnh viện ngay...
Những người còn nặng bị từ chối dứt khoát không cho về thì buồn thiu, tần ngần nhìn người khác chuẩn bị ghói ghém đồ đạc đi về, rồi tặc lưỡi nói với nhau "Thôi bọn mình ở lại chắc ăn hơn, lỡ có biến chuyển gì còn kịp trở tay!"
Ca trực ngày Tết thường nhiều màu sắc và âm thanh hơn, do vài bông hoa giấy đỏ dán trên cửa kính phòng cấp cứu, chậu mai nở vàng trước cổng bệnh viện, khay mứt nho nhỏ trên bàn giấy... Và cả những lời chúng đầu năm may mắn, phát tài, mạnh khỏe của đồng nghiệp, bệnh nhân trong môi trường đầy mùi thuốc sát trùng, bông băng và ống chích.
Chuẩn bị vài cái phong bì hay bánh kẹo cho những đứa trẻ nhỏ phải nằm lại trong khoa nhi ngày Tết, hoặc nhận những lời chúc Tết của người nhà bệnh nhân, tôi thấy con người gần nhau hơn một chút, thương nhau hơn một chút và cuộc sống đẹp hơn một chút.
Thế nhưng, cái không khí đó thật ra không nhiều, và nếu có thì chỉ thấy ở những khoa nội trú mà bệnh nhân có thể được hẹn để mổ, tái khám, làm xét nghiệm... và cũng chỉ trong ngày 30 hay mùng 1 Tết. Chứ ở phòng cấp cứu và các khoa liên quan đến chuyện ăn chơi của thiên hạ như chấn thương, chỉnh hình, tiêu hóa... thì không khí lúc nào cũng ồn ào, lộn xộn, tất bật khẩn trương như chợ Tết.
Không khí ăn chơi Tết nhất bị bỏ lại đâu đó ngoài cửa, không vào được đến nơi này, ngay cả khi những thân nhân đưa người bệnh vào bệnh viện có mặc quần áo đẹp hơn hay trang điểm đậm hơn thì vẫn thế. Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý xoay mòng mòng với những vết thương do ngã xe, đột quỵ, hen suyễn...
Trong mấy ca trực vào ngày Tết, âm thanh mà các nhân viên y tế sợ nhất có lẽ là tiếng còi xe cấp cứu. Ngày Tết người người có tâm lý ăn chơi vui vẻ thỏa thích, có bia, có rượu, đi đây, đi đó vì vậy nguy cơ cũng nhiều hơn hẳn, từ chuyện giao thông đến chuyện viêm tụy cấp sau một bữa ăn nhiều thịt rượu.
Không chỉ là chuyện tai nạn bất kỳ xuất ý, ngay cả những trường hợp bệnh mãn tính phải vào bệnh viện trong những ngày Tết cũng là những trường hợp nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn. Tâm lý kiêng kỵ vào viện trong mấy ngày đầu năm làm cho người ta tránh tối đa chuyện phải vào thăm bác sĩ ngày Tết. Vì vậy, chỉ những trường hợp bắt buộc vào cấp cứu mới chịu đưa vào bệnh viện, nên bệnh nhân nhiều hay ít thì những ca trực ngày Tết bao giờ cũng căng thẳng, áp lực hơn.
Tự nhiên, tôi ước gì mỗi người chú ý một chút đến sức khỏe mấy ngày xuân, để mấy phiên trực đầu năm của bệnh viện đừng quá đông đúc. Chẳng phải vì lười biếng đâu, mà nhìn những người phải nằm trong bệnh viện vào những ngày mà mọi người đang vui vẻ ngoài kia, với những lý do lãng xẹt như là ngộ độc rượu hay đụng xe vì chạy quá tốc độ, thấy xót lòng lắm.
Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Theo Sức khỏe và đời sống



Mùa Xuân và những ca trực Tết...

28-01-2011 16:05
Một mùa xuân ấp áp ngập tràn niềm vui và hạnh phúc đã về. Khắp phố phường trong thành phố, mọi người, mọi nhà đang vui Xuân đón Tết, thì tại Bệnh viện đa khoa Biên Hoà, không khí ngày Tết thật bình yên, những bóng áo trắng đang ngày đêm miệt mài cho công việc cứu người, chăm sóc những bệnh nhân chẳng may phải ăn Tết ở nơi này.
Tại Phòng cấp cứu tổng hợp trong những ngày đầu năm mới, mọi việc diễn ra khá khẩn trương, bệnh nhân đã ra viện về nhà ăn tết gần hết, vì thế trong khoa chỉ còn vài bệnh nhân ở xa hoặc còn nặng chưa thể ra viện được. Gặp gỡ chúng tôi trong ngày đầu năm mới, bác sĩ Đoàn Văn Quốc-Trưởng khoa cấp cứu nội- chuyên khoa 1 về nội thần kinh cho biết “Làm ngành y ngày Tết mặc dù có vất vả nhưng đây là một công việc rất có ý nghĩa vì có thể cứu người”. Quê ở huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam, từ khi theo gia đình vào miền Nam sinh sống, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TPHCM năm 1999, năm 2000 bác sĩ làm việc tại bệnh viện Long Khánh, 7 năm sau, về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Biên Hoà. Gần 10 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Quốc đã không ngừng học tập kinh nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp chữa bệnh hiệu quả, cứ thế mà đã mấy chục cái Tết trôi qua, chưa có lần nào bác sĩ có dịp về quê ăn Tết.
Tâm sự với chúng tôi về những ca trực tết, bác sĩ Quốc cho biết: Tôi đã quen với việc ăn Tết ở bệnh viện này rồi. Vào những ngày Tết, các ngành nghề khác được nghỉ nhưng ngành y thường bận rộn và vất vả hơn nhiều, mỗi tua trực cấp cứu chỉ có 4 người gồm 1 bác sĩ cùng với 2 điều dưỡng và 1 hộ lý trong khi lưu lượng bệnh nhân tăng gấp hai, ba lần ngày thường nên kíp trực phải làm việc luận phiên 24/24 giờ ở bệnh viện.Trong những ngày Tết những năm qua, trung bình bệnh viện tiếp nhận từ 40-50 bệnh nhân mỗi ngày, trong đó tai nạn giao thông tăng gấp đôi ngày thường, hơn 20% tai nạn sinh hoạt, gần 30% ngộ độc thức ăn.. Đối với những bệnh nhân không may phải ăn Tết tại bệnh viện, để động viên họ được vui đón Tết, trong đêm 30 tết và sáng mùng 1, Ban giám đốc bệnh viện tổ chức thăm hỏi và chúc tết bệnh nhân tại từng khoa phòng, buồng bệnh.
Với tuổi đời 38, hơn 10 năm gắn bó ngành y thì cũng chừng ấy bác sĩ Quốc đều có mặt trong những ca trực vào ngày tết.Tâm sự về những chuyện vui buồn trong ca trực Tết của mình, Bác sĩ Quốc cho biết: đó là một ca trực tết vào lúc 2 giờ chiều mùng 1 tết năm ngoái, bệnh nhân nam khoảng 26 tuổi được đưa vào bệnh viện trong trạng thái hôn mê, tím tái toàn thân, thở ngắt quản, sùi bọt mépSau khi khám phát hiện thấy đồng tử co nhỏ, trên mình bệnh nhân nhiều vết chích cộng với những kinh nghiệm trong ngành, xác định đây là trường hợp sử dụng heroin quá liều, ngay lập tức, êkip trực đã quyết định cấp cứu đặt nội khí quản, hút đàm nhớt, chích thuốc giải .
Sau thời gian theo dõi, trong  vòng 4 tiếng đồng hồ, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm. Hoàn thành công việc chuyên môn của mình, cả kíp trực đều cảm thấy phấn khởi vì đã mang lại niềm vui cho bệnh nhân và gia đình họ trong ngày đầu năm mới..”, Bác sĩ Đoàn Văn Quốc- Trưởng khoa cấp cứu nội của bệnh viện Đa khoa Biên Hoà bộc bạch “Khi làm nghề y  thì phải xác định đầu tiên công việc trực gác là nhiệm vụ của mình.Trong mấy ngày  tết ai cũng muốn sum họp gia đình, nhưng mình đã trong nghề rồi thì phải đảm trách ca trực tết và sau khi hoàn thành tốt ca trực của mình, lúc đó mới về sum họp cùng gia đình…”
“Trong căn phòng độ chừng vài chục mét vuông với bánh kẹo mứt Tết  được chuẩn bị đầy đủ, kíp trực của chúng tôi luôn cảm nhận sự ấm áp, vui vẻ của những ngày đầu năm mới”. Đó là lời tâm sự của điều dưỡng viên Trần Thị Anh Trang, quê ở Bà Rịa Vũng Tàu. Mặc dù công việc tại Phòng cấp cứu tổng hợp luôn bận rộn, nhưng với tinh thần yêu nghề, không ngại khó nhọc và luôn được sự thông cảm chia sẽ của chồng, thì mỗi cái Tết đều như nhau, chị cũng chuẩn bị vài thứ khá đơn giản cho gia đình nhưng luôn đảm bảo hương vị Tết. Ánh mắt thân thiện, đôi bàn tay ân cần chăm sóc từng bệnh nhân như san sẽ những lo lắng, nổi nhớ nhà của họ, chị còn giúp đỡ, an ủi những bệnh nhân ở xa, có hòan cảnh khó khăn hoặc không có người thân nương tựa..Tâm sự với chúng tôi về những ca trực tết, chị kể đó là trường hợp ngộ độc thức ăn kèm theo các bệnh lý như tiêu chảy, buồn nôn vào buổi chiều 30 Tết . Bệnh nhân nữ được đưa đến độ chừng 50 tuổi trong tình trạng ngất xỉu, da xanh, vả mồ hôi, huyết áp tuột và do có tiền sử là cao huyết áp nhiều năm nay, cho nên việc khám và điều trị như bù nước, tăng giảm tốc độ truyền dịch… phải được cân nhắc hơn. Sau thời gian cấp cứu và theo dõi, đến khi bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm thì cũng là lúc kim đồng hồ đang điểm sang thời khắc giao thừa.. Sáng mùng Một Tết thì chị mới trở về nhà cùng đón một năm mới với gia đình.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình trực tết, Bác sĩ Võ Tấn Tràng- Giám đốc bệnh viện Đa Khoa Biên Hoà cho biết: để phục vụ cho bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Ban giám đốc bệnh viện đã bố trí cấp cứu, lịch trực Tết khá chặt chẽ, mỗi ca trực từ 7 giờ sáng hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau với dàn ê kíp luân phiên trực từ 30 Tết đến mùng 5 Tết.
          Một mùa xuân đã về, bên cạnh chậu mai vàng rực rỡ khoe sắc đón ánh nắng mùa xuân, xen lẩn tiếng bíp bíp, âm thanh của máy đo điện tim cứ liên tục vang đều, bằng sự nhiệt huyết của mình, những chiếc áo trắng của Bệnh viện đa khoa Biên Hoà vẫn ngày đêm dốc sức với công việc cứu người, để hoàn thành tâm nguyện đóng góp thiết thực cho người dân và cho xã hội, xứng đáng với danh hiệu “lương y như từ mẫu”.
                                         Hồng Mỹ _ Đài BH