Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Mùa thu

Mùa thu ngọt trên chùm hoa sữa tinh khiết đầu mùa. Hoa sữa nhẹ nhàng, khắc khoải, dịu ngọt, đậm đà.

Huyền Phạm
Mùa thu vàng trong bức tranh thêu chữ thập hình hoa cúc ở cửa hàng giảm giá một chiều em ghé lại. Màu vàng hoa cúc không rực rỡ, không chói lóa, chỉ thêu còn xù xì, bố cục bức tranh vô lý nhưng chiều đó, có một cô bé tỉ mẩn thêu thùa để tặng ai đó mà cô thương yêu nhất. Màu vàng trong đáy mắt cô bé ấy là mùa thu rực rỡ thiên đường nhất.
Mua thu vàng dập dìu như màu áo dài của cô gái đi ngang phố. Mùa thu rạng rỡ như nụ cười tuổi 21 vụng dại, ngờ nghệch. Mùa thu đơn sơ như lời tỏ tình năm nào. Mùa thu nhẹ lắm, ngỡ chỉ thở nhẹ có thể thổi bay được. Mùa thu cũng dịu hiền lắm! Mùa thu vàng trong vệt nắng góc phố. Mùa thu buông mành nhẹ, chẳng nhen nhóm một lời hẹn trước, giống như một lời chia tay. Ngưu Lang - Chức Nữ còn có ngày hẹn gặp, lời chia tay có hẹn ai trước bao giờ? Dù trong lòng đã đa đoan nhưng chia tay là chia tay thôi, buồn như nắng tắt mỗi chiều chênh chao, buồn u, lặng lẽ.
Ảnh: Envis
Ảnh: Envis.
Mùa thu ngọt trên chùm hoa sữa tinh khiết đầu mùa. Hoa sữa nhẹ nhàng, khắc khoải, dịu ngọt, đậm đà. Hoa sữa cựa mình nồng nàn như đang bị bó hẹp trong cái bình mùa thu, giờ được dịp đổ mình vào không gian thu thăm thẳm, xa gần. Hoa sữa nở bung đầy ám ảnh. Hoa sữa nâng bước tình nhân mỗi chiều hò hẹn. Hoa sữa trắng, lạnh câm se sắt phố phường, thong thoải mình níu giữ chân người. Níu sao được khi lòng người đã dứt. Mây của trời thì để gió cuốn đi.
Mùa thu tháng tám trời mưa rả rích. Thời gian chậm lại, thở dài rền rã trong không gian đặc quánh và mây đen chạng vạng. Gió lạnh ồn ã ùa về nhẹ run trên đôi tay người. Tháng tám mỏng manh như nỗi buồn giăng kín mùa hè. Những cơn mưa đầu mùa thu kéo dài như nàng thiếu nữ đỏng đảnh, ngoan cố. Ta chợt thèm muốn, khao khát một vòng tay đã cũ. Khi nỗi cô độc bám riết, ta muốn là bản năng dù bản năng ấy làm ta đớn đau và rỉ máu. Làm sao để ta bước qua một mối tình nhẹ tênh như định mệnh, nhẹ như hè qua thu tới? Làm sao khỏa lấp được khoảng trống hoác sau nhiều ngày tháng vẫn hẫng hụt như vừa mới hôm qua?
Và cô bé năm nào giờ tư lự một mình giữa mùa thu. Bức tranh thêu hình hoa cúc hoen ố màu thời gian. Mùa thu chợt nhoẻn cười, nụ cười vừa thoáng khích lệ dịu dàng, vừa thoáng thăm thẳm xót xa. Cô bé chớp mắt, hai hàng mi rơi xuống lăn dài gò má như mùa thu đã đến tự thuở nào và chẳng bao giờ hẹn trước, như lời chia tay chẳng hò hẹn trước bao giờ...

Xúc cảm mùa thu

Thu ơi! Xin mãi điểm tô cho đời luôn sắc biếc, xin mãi là những giai điệu nồng nàn, thấm đẫm...

Cô gái đến từ hôm qua 89
Một mùa thu nữa lại đang về, bánh xe thời gian cứ quay đều giữa dòng đời bất tận. Kể từ khi có sự hiện hữu của trái đất trong vũ trụ bao la, mùa thu đã ra đi và trở lại biết bao lần... Mùa thu - mùa của lá vàng rơi xào xạc. Mùa của những cô gái e ấp nép vào một bờ vai vững chãi. Mùa của những đôi bàn tay tìm đến nhau, siết chặt và truyền cho nhau tất cả hơi ấm, tình yêu thương. Mùa của những nỗi nhớ, những hoài niệm khi xa cách...
thu-600920-1368300192_500x0.jpg
Thu về cũng là mùa tựu trường, thấp thoáng những tà áo trắng tung bay trên khắp nẻo đường. Là hình ảnh của chúng ta ngày xưa đó! Sắc thu mang đến cho con người sự rung cảm đáng yêu, đã khơi nhẹ vào hồn ta nhớ về một thuở xa xưa để rồi nghe lòng man mác những hoài niệm. Đời người có lúc nào đẹp bằng khoảng đời cắp sách và có tình nào đẹp bằng tình ngây thơ, trong sáng của cái thời "chớm lớn". Hãy cất giấu vào góc khuất trái tim đi nhé cho dù có một chút bùi ngùi, tiếc nhớ, chỉ một chút thôi cũng đủ ấm lòng.
Theo nhịp chảy của thời gian, chúng ta đã trải qua một chặng đường chông chênh trong cuộc sống và bây giờ không gian quá xa cách nhau nhưng kỷ niệm thì cứ mãi gần, cứ mãi đong đầy vì nó ở ngay trong hồn ai đó. Và giờ đây, có lẽ tâm hồn ta như già thêm một chút, cỗi cằn hơn một chút bởi bụi thời gian đã phủ lớp rêu mờ. Chỉ một chút se lạnh của gió heo may, một chiếc lá vàng rơi nhẹ cũng đủ cho lòng chúng ta chùng xuống, se sắt đón thu sang... Vậy mà khi phút giao mùa đã đến, vẫn bâng khuâng trong khoảng lặng cõi hồn ta.
Thu ơi! Xin cứ mãi điểm tô cho đời luôn sắc biếc, xin cứ mãi là những giai điệu nồng nàn, thấm đẫm cho thế gian này được nối dài thêm niềm vui và hạnh phúc để ta cứ ngỡ thu bây giờ là thu của những ngày xa xưa ấy...

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

MÙA NƯỚC LÊN

Mùa nước lên

Lại mùa nước lên, góc khắc khoải hoài niệm bến nước hồn sông. Tiếng bìm bịp, đâu như ở rặng trâm bầu, nghe sao dễ mềm lòng quá chừng, dù đó vẫn là tiếng kêu vẳng lại ở năm nào. Gợi nhớ mùa nước lên năm ấy, tự dưng nước đổ về nhiều quá, nước sũng đồng khi lúa mới trổ đòng đòng. Bất ngờ, đâu ai kịp xoay xở, mất lúa, thành đói ăn, nhớ mà sợ.
Giờ thì người miệt quê quen rồi, lũ về thì sống cùng lũ. Tâm tình con người đôi lúc cũng lưng chừng, giờ thì năm nào nước lên muộn hay nước thượng nguồn đổ về không nhiều, tự dưng người miệt quê nghe như hụt hẫng. Kỳ thiệt.
Nước lên, ngoài phù sa đem lại màu mỡ cho đất, con cá theo nguồn cũng quay về như từ quay quắt nỗi nhớ bến nước hồn sông. Người miệt đồng coi vậy mà giỏi thiệt, đâu chỉ có duy nhất con cá đồng làm họ lu bu. Ngoài con cá đồng bung đồng, cũng là mùa sinh sản của lươn. Chừng như người miệt quê bén nhạy với món ăn, nên cũng nhanh nhạy trong việc tìm bắt.
Lối bắt lươn bằng trúm không nhớ có tự khi nào, như từ cái nhanh ý, biết tập tính lươn là đói mồi. Tre vườn lại sẵn, làm trúm cũng dễ, sao không thử. Và khi nước dợm bung đồng, những ống trúm một thời ám khói ở góc bếp giờ như được đánh thức… đã hết thời ngủ Đông. Trúm của mùa cũ như thẫm đen thêm sau một thời ám khói. Trúm thường làm từ những đoản tre, dài quá thước một chút, nhưng không dài quá mà khó tìm nơi dìm trúm. Có được tre xiêm thì tốt, xài được nhiều mùa, ngặt nỗi ở quê tre xiêm lại dụng nhiều công, đặng giá bán. Chỉ những ai có trồng ở vườn nhà. Xài tre mở cũng được, ngặt nỗi không dao lóng. Chọn tre được rồi thì thông mắc. Hom cũng làm từ tre. Coi vậy mà cái hom tuy vụn vằn vậy đó lại là một góc trải nghiệm của người theo nghề lâu năm. Khéo hom thì khéo được lươn. Cái nết lươn như bao giờ cũng ưa chỗ um tùm. Người đặt trúm lâu năm thì biết tỏng. Chọn bờ ven rậm cỏ. Mương vườn nào có súng hoặc sen thì nhất rồi. Lung bàu lễnh loãng, bất đắc dĩ lắm người đặt trúm mới đặt.
Ảnh minh họa
Ngộ, mà ngẫm ra cũng không ngộ, vì đâu có gì có được từ cái rỗng không đâu. Như lẽ thường đời thường, có bánh ít đi thì có bánh quy lại. Trúm đặt phải có mồi. Mồi cũng giản đơn. Cơm nguội quết trộn cua giả thêm cám và ít ngủ vị, rồi vò cục. Đặt trúm phải biết cách, không biết thì hỏi. Không ai đặt ngập trúm, cấm cọc cho nghiêng trúm, đầu trúm để nổi một chút, vì ngập trúm lươn sẽ ngợp.
Như lẽ đời thường, cái gì cũng có cái giá của nó, dụ lươn, có gì bằng trộn mồi với bả “A ngùy”, cái thứ quỉ gì mùi hăng hăng, thum thủm khó chịu thấy mồ mà lươn lại ưa. Ngặt nỗi lươn ưa, rắn độc cũng ưa, ngẫm ra mọi lẽ đều có cái đoản của nó.
Ngoài trúm, người bắt lươn còn có nhiều cách để bắt nữa. Như câu lươn, câu cũng cần quen nghề, phải biết cách tìm hang, phải biết cách chọn lưỡi. Thụt hang thì khi có khi không. Dồn mô cũng được, gom cỏ rồi thả lều bều cập mé, ngặt lươn mô thường nhỏ, đôi lúc là lịch, họ nhà lươn nhưng tí tẹo hình vóc.
Con lươn với người miệt đồng coi quê mộc vậy nhưng đôi lúc lại là một góc nghĩa tình. Cầm trên tay con lươn tròn mẩy, thẫm vàng, đứa con biết nghĩa, chợt nhớ còn đó cha đang luống tuổi, lươn thịt mềm lại nhiều nạt, thôi thì um sả cho ổng, thêm cho ổng cốc rượu nếp than, chắc ổng sẽ vui. 
Ở quê lắm cỏ dại, lắm lúc bực mình vì quá um tùm, chỉ tại nhiều việc cái vụn vặt đôi khi bị bỏ lơ. Vậy mà cũng có loài dây hữu dụng, như dây lạc tiên, dân gian gọi dây nhãn lồng. Chắc gọi theo con nít, con nít thấy ngộ ở cái bọc bao như lưới trăng trắng ôm bọc ngoài trái, tụi nhỏ hay lặt ăn khi trái ngả vàng, cũng ngọt ngọt. Lạc tiên cuộn dây đem phơi khô rồi hãm như hãm trà, hoặc bỏ nồi nấu, dể cho giấc ngủ ở người già. Cũng loại dây dại đáng ghét, như dây giác, quên lửng cắt, dây mặc sức bò lan, nhất là lúc sa mưa. Ngặt nỗi, trái giác khi ngả màu thẫm tím lại có vị chua thanh. Lươn mà nấu chua với trái giác ngon kỳ cục. À mà, nhớ có lần mẹ cũng với trái giác mẹ kho ơ cá rô mề, tự dưng  bữa cơm chiều sớm lưng nồi. Không tin, thử ăn đi một lần để nhớ.
Người miệt quê, tuy quen với mộc mạc chân quê, nhưng bất ngờ gặp cái trớ trêu cũng chạnh lòng. Nhớ lần theo cậu về thành phố. Cậu dẫn đi ăn. Ngẫu nhiên, ngồi cạnh bàn khách, chắc gia đình người của thành phố, chưng hửng khi nghe gọi món “lươn dồi”. Tò mò một phần, thôi thúc một phần, buộc nhìn ngoái sang, thấy khúc lươn vàng ngậy nằm trịnh trọng ở lòng dĩa men trắng. Tự dưng ngậm ngùi.
Thắt lòng, thoáng thôi, lại thoáng vui khi món ăn miệt đồng không còn hẩm hiu thân phận với miệt đồng mà đã là món ngon với người thành phố. Chỉ có chút chạnh lòng, món ngon miệt đồng mà người miệt đồng lại chưa hề dám nghĩ làm món “dồi lươn” để ăn.
Thoáng buồn, lại thoáng vui, buồn là buồn cái éo le với người miệt đồng, vốn chắt chiu nên món ngon ở đồng người đồng không nghĩ làm ra để ăn. Vui là món ăn vốn quê mùa, giờ là đặc sản với người kẻ chợ.
Người miệt quê vốn hiền từ, vốn quen gần gũi hương đồng gió nội, chỉ một thoáng quê thôi cũng đủ để người miệt đồng khắc khoải với nỗi nhớ đồng. Như chỉ cần ngần ấy cũng đủ để người đồng không nỡ xa đồng, khi còn đó nỗi vương vấn bến nước hồn sông.
Nguyễn Quang Hòa

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

PHÁT HIỆN SỚM UNG THƯ ĐẠI TRÀNG

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Hùng Cường - trưởng đơn vị nội soi siêu âm của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - khi đến khám có đến 20% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, đã di căn không thể chữa trị. Số bệnh nhân còn lại bệnh đã phát triển, có thể mổ cắt đoạn ruột bị bệnh nhưng 40% trong số đó bị tái phát. Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là yếu tố tiên quyết để chữa khỏi căn bệnh này.
Có thể phòng ngừa, chữa trị được
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng là: béo phì, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, đường, rượu, thuốc lá, ăn ít chất xơ, lười vận động. Như vậy để phòng ngừa lâu dài ung thư đại trực tràng, cần xây dựng lối sống lành mạnh, năng tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước. Lối sống lành mạnh cần thực hiện trong nhiều năm mới có khả năng phòng được bệnh này. Mặt khác, 80% bệnh ung thư đại trực tràng có diễn tiến từ các pôlyp (các u lành tính), sau một thời gian 8-10 năm dưới tác động của nhiều yếu tố, các pôlyp trong trực tràng phát triển thành ung thư. Như vậy, phát hiện sớm các pôlyp để cắt sẽ loại bỏ được mầm mống ung thư. Bên cạnh đó, bệnh này cũng ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, tuổi tác (trên 50 tuổi).
Ung thư đại trực tràng thường có những triệu chứng cảnh báo như: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng Cường cho biết hầu hết bệnh nhân khi có những triệu chứng này thì bệnh đã muộn, diễn tiến vào giai đoạn nặng. Như vậy, để phát hiện ung thư đại trực tràng thì cách hiệu quả nhất là tầm soát căn bệnh này khi chưa có những dấu hiệu. Vậy những ai cần tầm soát? Đó là những người trên 50 tuổi, những người tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao (nhóm nguy cơ trung bình). Những người có tiền căn bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng, mặc dù được điều trị nhưng vẫn có khả năng phát triển pôlyp thứ hai, người có một người thân trực hệ bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng trước 60 tuổi hoặc có hai người thân trở lên bị mắc bệnh (nhóm nguy cơ cao).
Các phương pháp tầm soát
Bác sĩ Hùng Cường khuyến cáo những người rơi vào nhóm nguy cơ trung bình nên thực hiện các phương pháp tầm soát: tìm máu trong phân một năm/lần, soi đại tràng sigma năm năm/lần hoặc soi toàn bộ đại tràng 10 năm/lần. Trong đó, soi toàn bộ đại tràng là phương pháp tầm soát tốt nhất, có thể khảo sát hết toàn bộ đại tràng. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tầm soát bằng phương pháp soi toàn bộ đại tràng, bắt đầu tầm soát sớm hơn, thời gian tầm soát gần nhau hơn.
Căn cứ tình hình sức khỏe, độ tuổi, các dấu hiệu, mức độ nguy cơ, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp tầm soát phù hợp. Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng được áp dụng hiện nay có ưu và nhược điểm riêng. Cụ thể:
- Tìm máu trong phân: đây là phương pháp tiện lợi khi mẫu xét nghiệm được lấy tại nhà, nhưng chỉ có 2-5% các trường hợp có máu trong phân thật sự là bị ung thư đại trực tràng. Như vậy, khi tìm ra máu ở trong phân bệnh nhân sẽ rất lo lắng và phải làm bước tiếp theo là soi đại tràng.
- Soi đại tràng sigma sẽ phát hiện được khoảng 50% trường hợp ung thư đại trực tràng, phương pháp này không cần chuẩn bị kỹ, không cần tiền mê. Tuy nhiên, phương pháp này không khảo sát hết được toàn bộ khung đại tràng, có nguy cơ thủng ruột 2/10.000 trường hợp.
- Soi đại tràng: Đây là phương pháp tối ưu nhất hiện nay. Phương pháp này khảo sát được toàn bộ khung đại tràng, đánh giá được toàn bộ các nguy cơ nhưng vẫn có những hạn chế như: phải chuẩn bị ruột kỹ trước khi soi, thường phải tiền mê. Các biến chứng thường gặp là chảy máu phải nhập viện điều trị tỉ lệ 1/500 trường hợp, thủng ruột tỉ lệ 1/750 trường hợp và tử vong 1/8.000 trường hợp.
Ngoài những phương pháp trên còn có chụp CT bụng (soi đại tràng ảo) quay video ống tiêu hóa (bệnh nhân sẽ được nuốt viên thuốc có chức năng như một camera)... nhưng những phương pháp này chưa được chính thức xác nhận giá trị.

PHÁT HIỆN SỚM UNG THƯ ĐẠI TRÀNG

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Hùng Cường - trưởng đơn vị nội soi siêu âm của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - khi đến khám có đến 20% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, đã di căn không thể chữa trị. Số bệnh nhân còn lại bệnh đã phát triển, có thể mổ cắt đoạn ruột bị bệnh nhưng 40% trong số đó bị tái phát. Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là yếu tố tiên quyết để chữa khỏi căn bệnh này.
Có thể phòng ngừa, chữa trị được
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng là: béo phì, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, đường, rượu, thuốc lá, ăn ít chất xơ, lười vận động. Như vậy để phòng ngừa lâu dài ung thư đại trực tràng, cần xây dựng lối sống lành mạnh, năng tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước. Lối sống lành mạnh cần thực hiện trong nhiều năm mới có khả năng phòng được bệnh này. Mặt khác, 80% bệnh ung thư đại trực tràng có diễn tiến từ các pôlyp (các u lành tính), sau một thời gian 8-10 năm dưới tác động của nhiều yếu tố, các pôlyp trong trực tràng phát triển thành ung thư. Như vậy, phát hiện sớm các pôlyp để cắt sẽ loại bỏ được mầm mống ung thư. Bên cạnh đó, bệnh này cũng ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, tuổi tác (trên 50 tuổi).
Ung thư đại trực tràng thường có những triệu chứng cảnh báo như: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng Cường cho biết hầu hết bệnh nhân khi có những triệu chứng này thì bệnh đã muộn, diễn tiến vào giai đoạn nặng. Như vậy, để phát hiện ung thư đại trực tràng thì cách hiệu quả nhất là tầm soát căn bệnh này khi chưa có những dấu hiệu. Vậy những ai cần tầm soát? Đó là những người trên 50 tuổi, những người tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao (nhóm nguy cơ trung bình). Những người có tiền căn bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng, mặc dù được điều trị nhưng vẫn có khả năng phát triển pôlyp thứ hai, người có một người thân trực hệ bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng trước 60 tuổi hoặc có hai người thân trở lên bị mắc bệnh (nhóm nguy cơ cao).
Các phương pháp tầm soát
Bác sĩ Hùng Cường khuyến cáo những người rơi vào nhóm nguy cơ trung bình nên thực hiện các phương pháp tầm soát: tìm máu trong phân một năm/lần, soi đại tràng sigma năm năm/lần hoặc soi toàn bộ đại tràng 10 năm/lần. Trong đó, soi toàn bộ đại tràng là phương pháp tầm soát tốt nhất, có thể khảo sát hết toàn bộ đại tràng. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tầm soát bằng phương pháp soi toàn bộ đại tràng, bắt đầu tầm soát sớm hơn, thời gian tầm soát gần nhau hơn.
Căn cứ tình hình sức khỏe, độ tuổi, các dấu hiệu, mức độ nguy cơ, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp tầm soát phù hợp. Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng được áp dụng hiện nay có ưu và nhược điểm riêng. Cụ thể:
- Tìm máu trong phân: đây là phương pháp tiện lợi khi mẫu xét nghiệm được lấy tại nhà, nhưng chỉ có 2-5% các trường hợp có máu trong phân thật sự là bị ung thư đại trực tràng. Như vậy, khi tìm ra máu ở trong phân bệnh nhân sẽ rất lo lắng và phải làm bước tiếp theo là soi đại tràng.
- Soi đại tràng sigma sẽ phát hiện được khoảng 50% trường hợp ung thư đại trực tràng, phương pháp này không cần chuẩn bị kỹ, không cần tiền mê. Tuy nhiên, phương pháp này không khảo sát hết được toàn bộ khung đại tràng, có nguy cơ thủng ruột 2/10.000 trường hợp.
- Soi đại tràng: Đây là phương pháp tối ưu nhất hiện nay. Phương pháp này khảo sát được toàn bộ khung đại tràng, đánh giá được toàn bộ các nguy cơ nhưng vẫn có những hạn chế như: phải chuẩn bị ruột kỹ trước khi soi, thường phải tiền mê. Các biến chứng thường gặp là chảy máu phải nhập viện điều trị tỉ lệ 1/500 trường hợp, thủng ruột tỉ lệ 1/750 trường hợp và tử vong 1/8.000 trường hợp.
Ngoài những phương pháp trên còn có chụp CT bụng (soi đại tràng ảo) quay video ống tiêu hóa (bệnh nhân sẽ được nuốt viên thuốc có chức năng như một camera)... nhưng những phương pháp này chưa được chính thức xác nhận giá trị.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Hà Nội mùa Thu - Hà Nội nhớ...

Hà Nội mùa Thu - Hà Nội nhớ...

Về Hà Nội mà nhặt lá vàng rơi trên con phố xưa, về ngắm những bóng giai nhân một thời trong tà áo màu thiên thanh dịu dàng trinh bạch. Về cùng tôi ngơ ngẩn bên hàng cây Lộc vừng mùa gió thắm, Hà Nội hồ gươm lao xao tiếng mưa thu, lao xao những kỷ niệm nồng nàn xưa cũ...
Hà Nội mùa Thu.
Tôi nhớ tiếng dương cầm nơi ô cửa sổ nhà ai đó, tôi nhớ những chiều ngơ ngẩn bên thảm cỏ quảng trường nhìn những cánh hoa rơi rơi đầy trên chiếc xe đạp cũ. Tôi nhớ những tháng ngày còn là cô sinh viên vô tư hồn nhiên chưa biết khóc vì những nỗi đau tình cờ.
Cố nhân xưa giờ đã nhạt bóng phương trời, nhạt lạnh môi cười. Những con đường vẫn tấp nập người đi mà lòng lại chênh chao hơn cả ngày bão tố. Mùa Thu! Ai góp nhặt cho khung trời một nỗi nhớ. Cái dịu dàng nồng đượm chất thơ, cái dịu dàng làm tôi không chịu nổi của mùa Thu...
Khi đi xa lòng vẫn hướng về Hà Nội, hướng về mùa Thu và những con đường có mùi hương hoa sữa nôn nao. Ai về Hà Nội nếm vị cốm làng Vòng dẻo dai đầy quyến nhớ, ai về Hà Nội lạc chân vào vườn hoa Ngọc Hà mà xôn xao bởi màu vàng của loài hoa chỉ hướng về mặt trời. Ai về Hà Nội cùng tôi đạp xe một vòng quanh Hồ Tây lộng gió, ngơ ngẩn ngắm lá vàng rơi...
Sáng mùa Thu. Có chút heo may se lạnh. Bờ vai gầy run nỗi nhớ lang thang. Bên góc quán nhỏ tôi ngồi nghe một bản nhạc tiếng Nga rất say nồng. Ly cafe tỏa màu khói. Chút đăng đắng ở bên ngoài, ngòn ngọt tận bên trong. Cái dư vị nhớ một thời không quên nổi.
Hà Nội mùa Thu...
Kỷ niệm cứ vắt vẻo trên từng vòm lá, trên từng phiến màu nâu trầm ô cửa. Những khuôn mặt người đi qua nhau, có chàng trai nào đó mang nụ cười an nhiên kỳ lạ, có cô gái nào đó mang đôi mắt trong veo nhìn thấy đáy. Vẫn còn đây những dư âm cổ kính trong tâm hồn, vẫn còn đây cái hồn thơ một đời tôi gìn giữ. Trong veo, trong veo như hơi Thu...
Thu dịu dàng, nồng nàn như tình yêu. Những rực rỡ yêu kiều của thuở hiến dâng cho trời đất màu vàng hoa nắng. Đi trong chiều Hà Nội, nghe lòng mình xôn xao những tháng năm nào xa lắm, có lẽ là từ khi tóc còn cài một nhánh linh lan... 
Ai góp gió cho ngày hiu quạnh nhớ. Những sự gắn kết nào mong manh thì sẽ dễ dàng đứt vỡ. Những nỗi nhớ là mong manh thì sẽ dễ dàng phai lửa. Còn ta, ta nhớ đến nao lòng. 

Về cùng tôi chạm tay vào chiều Thu Hà Nội, lang thang trên con đường Hoàng Diệu, nghe giọt mưa về trên lá cây. Cầm chiếc ô tròn xoe đi dạo phố, có một cô nhỏ học trò thường hay lang thang qua đó, nụ cười tinh nghịch như trăng sao. Hàng cây mùa này gió hát lao xao, những thanh âm như múa trên cây vĩ cầm thu. Điều diệu kỳ của tâm hồn là thơ, là nhạc, là những xúc cảm không tên. 
Yêu mùa Thu như yêu hình ảnh thiếu nữ Hà Nội xưa. Nét người còn tinh khôi lắm. Tà áo dài màu trắng đi trong nắng thu vàng làm xôn xao lòng thi nhân. Tôi đi trong lòng Hà Nội, tìm một mùi hương còn phảng phất đâu đây. Những năm dài tuổi trẻ khát khao và mơ ước. Những kỷ niệm đã đong đầy trong từng ngăn tim. Rặng liễu mềm phủ xuống bờ vai em ngà ngọc. Tôi nghe lòng mình rưng rưng một tình yêu cho nét đẹp phố phường...
Bạn, em và ai đó. Mùa Thu này về Hà Nội cùng tôi. Mùa Thu đã chín đỏ những yêu đương đơm nụ rồi kết trái vàng ươm. Sóng đã vỗ mặt hồ, đàn sâm cầm đã bay về đậu an yên trên nền nước xanh. Có đôi ba gánh hàng rong bán cốm đầu mùa. Có đôi ba người mang túi ra bờ hồ lượm sấu chín vàng rơi. Có đôi ba người yêu nhau nhìn nhau say đắm hồn người...
Những chiếc lá rơi để mai ngày tái sinh trên từng vòm xanh thắm. Một nỗi nhớ trao đi để mai này còn lại mãi trong nhau. Một tình yêu đi xa để hằn in từng kỷ niệm trắng trong vào đời nhau mãi mãi. Cho tôi nắm tay bạn dắt vào Thu.
Bởi vì mùa Thu tôi ở lại.

Khẽ chạm bước mùa Thu

Có những ngày nghe hơi lạnh rùng mình trên da thịt thoáng sần lên một chút gai ốc - "đổi trời ". Nửa đêm choàng thức dậy nghe mưa rơi lác đác trên mái ngói, gió thổi từng đợt nhỏ xao xác ngoài hàng hiên rồi lá hổn hển rơi rụng đầy hè phố. Xác lá chợt vàng lên trong những khoảng tối chập choạng, run rẩy hoài một thứ ánh sáng của lân tinh. Trong bóng tối đầy liêu trai lá ngả màu huyền hoặc, nghe thẹn thùng bước chân ai khẽ khàng trên những cọng lá khô. Trong tiếng gió ru, biết là mùa Thu đã về...
Tưởng chừng như từ đây mưa Thu sẽ ray rức không ngừng trên mái ngói, bỗng nhiên cơn nóng ở đâu về bất chợt như một nỗi nhớ nhung mùa Hè, nồng nàn hâm hấp những giọt mồ hôi thấm bết tóc ai! Ngỡ ngàng, lưỡng lự là những ngày đầu Thu của Huế, như một nỗi bấp bênh. Đang mưa bỗng nắng, đang buồn bỗng vui! Có chắc chắn chi một cơn gió heo may, để cứ đinh ninh mùa thu mãi hoài chìm trong màu tím. Có bền bỉ chi những cơn mưa đuổi nhau trên đầu sóng, để cứ mãi tin từ đây bốn bề hiu hắt lòng rộng không che!
       
Không biết từ bao giờ con người ta đã quy ước với nhau rằng sắc vàng là dành riêng cho mùa Thu. Mùa Thu là mùa lá vàng rơi nên màu vàng của lá đã trở thành màu của mùa Thu chăng?
Chỉ với hình ảnh những chiếc lá me vàng bay nhẹ trong gió để rải một thảm vàng trên từng con phố nhỏ cũng đã thấy mình đang ở giữa mùa Thu, đang chìm ngập trong sắc Thu. Cả thành phố như chìm trong màu vàng hoang đường. Có cảm giác màu vàng ấy thấm vào từng centimet không gian trên phố, đến những sắc rêu xanh non lơ thơ trên những bức tường thành cổ cũng vàng rười rượi. Cứ hình dung những hàng cây trên phố sau một đêm thức dậy bỗng tuyền một màu vàng, đã thấy lòng nao nao như thể là đang nhớ hoài màu áo của ai. Như thể sắc vàng ấy là cả một khung trời kỷ niệm, như những ngọn lửa nhỏ ấp iu không bao giờ chịu tắt trong lòng...
Mùa Thu. Khi con người ta khôn lớn, bỗng thấy cuộc đời này là một thảm cỏ non tơ tưởng như mình sinh ra là để hưởng thụ nó. Nhìn những chiếc lá vàng rơi tôi cảm giác tất cả đang bắt đầu với những xúc cảm mãnh liệt nhất trước cuộc sống. Một sự bắt đầu chăng? Tôi tự hỏi chính mình nếu như một ngày kia mình chính là chiếc lá, thì đến bao giờ mới về tận cội...?
 
... Rằng từ trong quỹ đạo rơi của từng chiếc lá có một niềm hoan hỉ của sự sinh thành. Bốn mùa gió dại tự do thổi qua ngàn cây lá, gió thổi miệt mài như một người làm việc cần mẫn nhặt từng chiếc lá rơi để nuối tiếc từng ngày đã qua. Gần như một chiếc lá sinh ra thường sống đến hai lần cuộc đời: Một lần khi lá ở trên cây hân hoan cùng mưa nắng, màu xanh non nõn dường như một chiếc áo dài. Và một lần sống nữa khi lá đã lìa cành, tự buông mình xuống thảm cỏ nhẹ như một hơi thở nồng nàn hương cỏ may. Màu lá lúc này đã thôi xanh, những đường gân vàng vọt chợt xòe ra như một bàn tay người đã chịu đựng bao gió bụi phong trần. Lá mất đi để bảo tồn cho cây dòng nhựa sống và rơi như một sứ mệnh đã hoàn thành. Nhưng, có lẽ điều cốt yếu là lá đã tự lìa cành để cho cây một mùa lá khác. Một sự tri túc mà chỉ có bà mẹ thiên nhiên giàu lòng vị tha mới có thể lý giải được.
Bao mùa Thu đã đi qua trên thành phố có ngàn nỗi nhớ này? Với tôi, đó là một câu hỏi chát chao nhất khi nghĩ về thời gian và sự tuần hoàn của cuộc sống. Mùa này thành phố vừa nắng lại vừa mưa. Nắng cũng chỉ thi thoảng ghé thăm rồi nhường không gian cho mây và gió. Buổi giao mùa cứ thế giăng mắc những mảng trời vô định, vần vũ những đám mây lang thang như một thứ thiên la địa võng bao phủ lấy tâm hồn, nhấn chìm con tim xuống một vùng vực thẳm mơ hồ nào đó mất hút nẻo đi về. Và lũ giác quan như những kẻ mù, sờ soạng trong không gian vô bờ của gió, của nắng, của mưa, của mây... Bỗng trở thành nhạy cảm đến mức tinh vi trong sự lắng nghe âm vang của tiếng mùa nơi từng rung động của lá, nơi từng giọt mưa thu ngã nhẹ vào nhau xếp thành nỗi nhớ, tí tách, xào xạc... nơi từng bước chuyển trong muôn ngàn nẻo vô thường của tiết trời đầu thu. Và cứ thế những ngày qua đi, không vội mà như có tiếng giục giã của thời gian đang nhuốm lần sắc nhớ...

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Ba hương vị khó quên trong 'Ký ức vụn'

Ba hương vị khó quên trong 'Ký ức vụn'

The cay, ngọt đắng hay mằn mặn là những 'gia vị cảm xúc' mà Nguyễn Quang Lập đưa vào trang viết.
Tên sách: Ký ức vụn
Tác giả: Nguyễn Quang Lập
NXB Văn học và công ty sách Phương Nam ấn hành
Nối tiếp thành công của Ký ức vụn tập một, Nguyễn Quang Lập tiếp tục "khuấy đảo giang hồ" với cuốn sách thứ hai cùng tên. Đây vẫn là tập hợp những entry mới từ trang blog riêng của ông, vốn được nhiều người đón đọc, vẫn là món khẩu văn rặt giọng “bọ” tưng tửng ngày nào mà ai trót vào xem thì khó dứt ra. Trang văn của bọ Lập khiến độc giả thấy hứng thú có lẽ là nhờ sự kết hợp của ba loại hương vị vừa quen, vừa lạ, vừa độc tạo nên món “đặc sản” khẩu văn.
Bìa sách "Ký ức vụn".
Bìa sách "Ký ức vụn".
Hương vị thứ nhất: châm biếm the cay. The cay thôi, chứ chẳng phải là cay nồng độc địa. Óc quan sát, khả năng tung hứng ngôn ngữ của ông khiến độc giả phải thán phục. Chỉ bằng một vài câu nhẹ tênh, viết mà như nói (cho nên mới gọi là khẩu văn), nhân vật của ông xông xênh hiện ra, sống động và chân thực.
Hãy xem bọ Lập tả chân dung một ông sếp tổng công ty Nhà nước mù công nghệ nhưng cứ thích tỏ vẻ ta đây sành điệu bờ lốc bờ leo như ai. “Nghe chúng nó bảo mày có cái blog hay lắm à, gửi cho anh đọc đi. Mình nói anh vào Guk gồ gõ...là ra ngay thôi. Anh nói Guk gồ guk gheo làm gì cho phức tạp, dạo này anh bận lắm. Mày chịu khó ra bưu điện gửi cho anh.” (Chuyện mạng méo thời nay).
Hay một chị gái quê nhờ bán than mà lột xác thành quý bà sang trọng, mấy chục năm sau gặp lại: “Chị cười to, nói thằng ni khinh chị rứa bay. Tau bây chừ quan hệ tuyền ông to bà nậy, phải đổi giọng bọ ra giọng Bắc cho nó sang, thỉnh thoảng nhả ra mấy tiếng Ing Liền cho người ta nể”.
Chân dung anh cu Đom đểu giả bạc tình chỉ tả câu này là ra hết: “Anh Đom nói chui vô hang Dơi chớ mô, ăn hết đồ ăn mang theo thì về chớ răng. Anh khoa chân múa tay, nói chưa khi mô tau được ăn no như rứa, cơm no bò cưỡi ngày sáu phát sướng cực. Anh lại ngửa cổ cười he he.”
Những gương mặt, câu chuyện ấy ta vẫn gặp hàng ngày. Nhưng hình như trong ký ức của ta chẳng được sống động đến thế, mà bảo ta kể lại, ta cũng chịu thua, không cách nào kể lại ra được cái vị đậm đà, the cay như bọ kể.
Hương vị thứ hai là: rưng rưng ngọt đắng. Chuyện bọ Lập không chỉ có châm biếm mà còn có thấm đẫm nghĩa tình, nghĩa tình thật sâu. Hình ảnh con bé cố hết hơi ù mọi để lấy được phần thưởng cái bánh Trung thu về cho em, đang sung sướng ôm cái bánh chạy về nhà thì trên đường Mỹ thả bom, sợ quá em đứng tim mà chết, khi chết vẫn ôm khư khư cái bánh Trung thu trước bụng (Con ù mọi) khiến ta ám ảnh mãi.
Hình ảnh người cha (Nhớ ba), người thầy (Thầy trò một thuở), quê hương Ba Đồn (Nhớ cái đình làng, Nhớ đồng)… đầy ắp nỗi niềm da diết. Vị rưng rưng vừa ngọt ngào vừa đắng lòng sau những câu chuyện tếu táo, bông lơn càng khiến độc giả không thể nào bỏ được văn bọ.
Và cuối cùng, đã là khẩu văn Nguyễn Quang Lập thì không thể thiếu vị mằn mặn phồn thực mà một số người vẫn nhăn mặt chê là “tục”. Thật ra văn bọ “tục mà không tục”. Cái tục trong sáng, khỏe khoắn, gần gũi, nhiều lúc thật hồn nhiên. Thiếu đi hương vị mằm mặn phồn thực ấy, có lẽ Ký ức vụn không ra được dáng hình, hồn cốt của nó, có lẽ chiếu văn của ông đã bớt đậm đà và độc giả đã kém thích thú đi.
Thật may là món khẩu văn của bọ Lập trong Ký ức vụn đủ cả ba hương vị ấy vẫn đậm đà duyên dáng. Nếu đọc kỹ một chút, bạn còn có thể phát hiện thêm nhiều hương vị khác, sau mỗi dáng hình, câu chuyện, lời văn.
"Ký ức vụn" phần hai gồm bốn phần: Phần một - Những người bạn khó quên với những ký ức khó quên như: Con bò của thằng Thọt, Thằng cu Bợp, Đèn ông sao… Phần hai gồm những buồn vui một thuở gom nhặt từ bộn bề cuộc sống: Có bệnh thì vái tứ phương, Cái mặc thời bao cấp và mối tình nửa nắng, Chuyện mạng méo thời nay, Hão! Hão… Phần ba viết về những người tác giả từng gặp với những chân dung biếm họa, như:: Anh Hờ Hờ, anh Cu Bịp, Mụ Cà… Phần bốn là khoảnh khắc thương nhớ, là dư âm da diết của: Nhớ đồng, yêu cái đình làng, Nhớ ba, Nhớ những người thầy, Vẩn vơ phố cổ…
Hoài Thương