Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013


Nghề phụ hồ của bố

4 năm con gái đi học trên thành phố là từng ấy năm bố phải khuân gạch, xách vữa. Con cứ nghĩ thời gian làm cho bố ngày càng yếu hơn, tóc bố ngày càng bạc đi mà không biết chính lao động vất vả đã vắt kiệt sức của bố.


Bố của con ơi! Khi nhận tiền lương, đứa bạn con mua ngay cho mẹ hộp sữa, mua tặng bố đôi quần sóc. Con gái của bố, khi nhận lương, đầu tiên là sắm vài ba cái váy áo, mua đôi giầy, sau đó là rủ tụi bạn đi ăn uống, chơi bời. Con gái của bố chẳng hề nghĩ đến gia đình, bố mẹ, càng không biết rằng bố khi nhận khoản tiền lương làm thuê ít ỏi hàng tháng đều phải chắt chiu để trả món nợ khổng lồ những năm nuôi con ăn học.
Bạn con đi học đứa nào cũng có laptop ngon, điện thoại xịn, xe máy đẹp bởi vì bố của họ người làm công an, người làm bác sỹ, người làm giám đốc. Con gái bố lên thành phố học với chiếc xe đạp cà tàng mang từ quê lên, cái điện thoại tàu cũ kỹ xin lại và máy tính xách tay còn là một niềm ao ước xa vời.

Con nhiều lúc tự hỏi một câu thật ngốc: Bố của con làm nghề gì vậy"? Đó là câu hỏi mọi người trên thành thị hay hỏi con. Bố có biết con trả lời thế nào không? Con nói rằng: "Bố của con làm trong ngành xây dựng". Ai cũng nghĩ bố là kỹ sư cầu đường hay ông cai thầu công trình. Con im lặng cho mọi người nghĩ vậy, nhẹ lòng khi mọi người không ai biết nghề thực sự của bố.

Con biết rõ một tháng 30 ngày, một năm 12 tháng và từng ấy năm trời, bố làm gì, ở đâu. Bố khuân gạch trộn vữa, vác xi măng, đội đá lệch vai, thậm chí bố còn làm xe kéo chở biết bao nhiêu vôi cát, sắt thép giữa những ngày hè oi ả, những ngày đông lạnh căm căm và giữa công trường xây dựng đầy bụi bặm, tiếng ồn. Từng ấy công việc cũng đủ miêu tả một nghề, vậy mà con từng không dám, không muốn gọi tên cái nghề nặng nhọc mà bố đã làm để nuôi con.

Con học giỏi nên nhiều chữ quá đây mà, không cả biết cái từ “phụ hồ” nghĩa là gì nữa. Con nghĩ nghề ấy tầm thường, thấp bé nên ngại ngùng chẳng bao giờ dám khoe, dám kể với bạn bè. Con đâu biết rằng được như ngày hôm nay là nhờ biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của bố đã đổ xuống công trường kia.

4 năm con gái đi học trên thành phố là từng ấy năm bố phải khuân gạch, xách vữa. Con cứ nghĩ thời gian làm cho bố ngày càng yếu hơn, tóc bố ngày càng bạc đi mà không biết chính lao động vất vả đã vắt kiệt sức của bố. Hàng tháng, tiền học phí, tiền nhà trọ, tiền ăn tiền tiêu vặt của con gái đều rút ra từ đồng tiền lương làm thuê còm cõi của bố chứ đâu. Bữa cơm của con mà không có thịt cá thì con nhăn mặt chẳng chịu ăn. Bữa cơm của bố chỉ có rau muống già, nước mắm và đậu phụ, bố vẫn ăn thật ngon lành.
Để con được sống bằng bạn bằng bè trên thủ đô, bố đã chắt chiu từng đồng, từng xu để gửi, vậy mà bố không chỉ nuôi con, còn nuôi em học hành tử tế. Cái cổng đổ bê tông, sân lát gạch đỏ chót, bờ tường bao quanh nhà, rồi bao nhiêu đồ đạc trong gia đình, tuy chẳng to tát như nhà ai nhưng tất cả đều một tay bố làm nên. Bố làm nghề phu hồ thôi mà sao bây giờ con gái mới nhận ra bố làm được rất nhiều cho gia đình mình. Bố chẳng phải ông nọ bà kia, vậy mà vẫn là trụ cột, là chỗ tựa vững chắc về mọi mặt cho mẹ con chúng con.

Con gái bố bây giờ về quê, nhìn sổ chấm công làm thuê của bố dày đặc dấu tích ngày công. Lẽ ra con phải mừng vui vì tháng này bố làm được nhiều tiền hơn, nhưng lòng con buồn lắm, xót lắm. Tuy con chẳng thấm thía hết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của bố đã trộn với gạch với vữa, nhưng cũng phần nào hiểu được nghề phụ hồ vĩ đại, cao cả thế nào rồi. Chỉ mong sao, thôi thì một tháng có 30 ngày, ông trời sẽ đổ mưa 15 ngày, 15 ngày còn lại, bố được ở nhà nghỉ ngơi, để sổ công của bố không còn dày đặc những dấu tích nữa. “Nghề nghiệp chẳng tạo nên sự cao quý cho con người mà chính con người tạo nên sự cao quý cho nghề nghiệp”. Bố của con ơi, con gái cảm ơn bố nhiều lắm.

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013


Vàng phai ngõ phố

Gió luôn hát những bản tình ca ngày ta về ngang phố nhỏ. Góc quán quen thuộc đìu hiu và lòng người xa quê chắc là nhớ phố lắm!

Ngọc Thư
Thành phố nhỏ không có mùa thu. Hay nói đúng hơn, mùa thu ở đây là những dấu hiệu nhàn nhạt, không rõ hình. Sớm mai, những chiếc lá cuối cùng của mùa rơi vàng ngõ phố. Tiếng còi tàu đi qua thành phố vào lúc sáng sớm đã bao lần làm tôi nhớ da diết mỗi độ ra sân ga. Nắng và gió vàng ươm như những lời ước hẹn. Ngày ấy, tôi xa thành phố nhỏ này vào một mùa thu để đón một mùa tựu trường ở một thành phố khác, rộng lớn hơn, náo nhiệt hơn, lộng lẫy hơn... Nhưng những gì khi đã trở thành thân thuộc thì không dễ gì quên được, như thành phố nhỏ, như biển, như chiếc bóng của cha đổ xuống đường tàu và như anh.
Ai đó từng nói: "Vì kỷ niệm là rất ít nên sẽ nhớ thật nhiều". Những đêm thức trắng mở cửa sổ phòng trọ, từ trên cao đưa mắt nhìn ngọn đèn vàng hiu hắt, chợt nhận ra phố đẹp nhất là lúc phố tĩnh lặng. Bản "Xô-nát Ánh trăng" từ căn gác nhà bên vọng lại, nghe đồng cảm, du dương. Đôi lúc, trong cuộc đời, một bản nhạc có thể kéo bạn về cả một vùng ký ức. Về những ngày cùng bạn rong ruổi trên một chiếc xe đạp xoàng xĩnh mà đi khắp các ngõ phố, thời ấy chưa có những chiếc xe đạp đẹp và hiện đại như bây giờ.
Kỷ niệm hằng phai theo từng dấu chân, hoa cỏ may ngoại thành bây giờ cũng không còn nhiều như trước, còn chăng là những vạt hoa nhỏ li ti trong một chiều đạp xe qua phố. Chợt thấy lòng tiếc nuối vẩn vơ. Phố nhỏ vàng phai trong nắng chiều hun hút. Nhớ một người từng tặng mình lọ thủy tinh nhỏ long lanh, bên trong là một mảnh giấy màu tím biếc, người bảo để ghi điều ước và thả xuống biển thì điều ước sẽ trở thành sự thật. Ta ngu ngơ làm theo nhưng điều ước đã không trở thành sự thật và mãi mãi, người cũng không biết được điều ước ta đã viết trong lọ thủy tinh hôm đó là gì. Chỉ có biển mới hiểu và gió vẫn hát vu vơ theo từng nhịp bước chân ai chiều nay về ngang phố.
Phố vẫn nhỏ và nắng vẫn rất trong trong ánh nhìn của ta ngày về với phố. Những ngõ hẻm đầy ắp tiếng cười của ta cùng bạn. Cuộc sống vốn dĩ vô tâm với những gì thuộc về hoài niệm, còn mấy ai nhớ ai quên? Rồi tất cả cũng trôi về phía cũ, phố xào xạc gió, có lần ngồi vu vơ tự hỏi những người đi trong gió đang mang trong mình những cảm xúc gì? Những người bạn đã lâu không gặp nhưng những ký ức về nhau thì như mới hôm qua, vẫn còn vẹn nguyên như màu mực tím năm nào bạn viết trên cánh thiệp.
Đôi khi, trong cuộc sống tất bật ngoài kia, một nụ cười ngang qua nhau, dù phút chốc thôi cũng đủ đầy cho một nỗi nhớ. Như phố, như nắng vàng ươm nơi hẻm vắng, như nụ cười ngày biết tin nhau đậu đại học, lòng xốn xang và bồi hồi… Và như anh, với ánh nhìn xa ngái, với nụ cười hiền ngày ngồi bên nhau nơi góc phố. Ly cafe nhỏ tí tách những giọt long lanh. Bỗng đâm ra giận cột đèn tín hiệu, sau ly cafe, em và anh, mỗi người rẽ mỗi ngả, giá như không có cột đèn tín hiệu biết đâu vẫn được cùng nhau một đoạn đường?
Trầm lặng và yên bình, phố long lanh trong hoài niệm. Gió luôn hát những bản tình ca ngày ta về ngang phố nhỏ. Góc quán quen thuộc đìu hiu và lòng người xa quê chắc là nhớ phố lắm! Đường về còn xa ngái nhưng trong lòng tự biết rằng ta vẫn luôn hướng về nhau dù không một lời hứa hẹn. Phố cũ, chờ một ngày về hoa sữa lại thơm hương...

Nhớ sông

Một chiều ngồi bên bờ sông, thả lòng nhẹ nhàng theo con nước trôi xuôi, thèm được nghe một tiếng gọi đò.

Ngọc Thư
Cứ vào mỗi độ hạ về là nước sông quê tôi lại cạn dòng. Gió chở những mùa hoa đi về nơi xa lắc, nắng đổ xuống dòng sông những vệt vàng óng ánh thấm đẫm cả khúc sông. Lòng sông cạn dần, chỉ còn khoảng một phần ba. Con nước lớn ròng qua bao mùa mưa nắng, chiều hạ về êm ả, nghe hoang hoải, bình yên.
Mỗi lần về quê là tôi lại ra bờ sông, như thể đó là một việc không thể khác, một thói quen khó bỏ. Không biết từ bao giờ, trong tôi hình thành một ý nghĩ, sông hiền hơn biển nhưng sông cũng buồn hơn biển. Một chiều mùa hạ, ngồi bên bờ sông ngắm những giề lục bình tim tím, đưa tay đón một cánh hoa trôi dạt, tự dưng thấy nao nao là buồn. Ngó làng quê sau những tháng ngày xa cách, tôi nhận ra dường như ở đâu cũng vậy, cảnh làng quê bao giờ cũng đẹp, đó là cái đẹp vĩnh cửu!
Vẻ đẹp của những gì giản dị chân chất, toát lên từ đồng bãi ngô khoai. Và phút giây về với sông là thời khắc tôi thấy lòng mình bình lặng nhất. Thèm được nghe một tiếng gọi đò nhưng giờ đã không còn nữa. Người ta đã xây một cây cầu bắt ngang qua sông, hiện đại và thuận tiện hơn rất nhiều. Nhưng sao tôi vẫn cứ đau đáu, vẫn thấy nhớ một tiếng gọi đò, giữa đôi bờ sông trong một chiều mưa xám xịt.
Ảnh: Zda.
Ảnh: Zda.
Ngày đó, bọn chúng tôi vẫn thường ra bờ sông chơi, ba của đứa bạn tôi làm nghề chèo đò. Bên kia bờ sông, người ta đang bàn nhau về một chiếc cầu mới nối đôi dòng, ông nhìn mông lung, ngậm ngùi, tiếc nuối. Khi đó, tôi còn nhỏ, nào biết buồn, vui là gì. Lớn lên một chút, đi học xa nhà, đọc văn của người ta thấy hiện lên những chuyến đò, mặc dù là những chuyến đò ở tận đâu đâu nhưng vẫn gợi thương gợi nhớ đến những chuyến đò và dòng sông mùa lũ quê tôi.
Rồi đến khi chị tôi đi lấy chồng ở tận miền Tây xa lắc, tối về nằm nghe tiếng ếch nhái kêu vang ngoài đồng, tôi nghe má buông một tiếng thở dài khe khẽ. Rồi cái ngày tôi xa anh, tôi lại tìm ra bờ sông với những lục bình tím biếc, tôi thả theo dòng sông những tiếng lòng. Tôi nhớ ngày nhỏ, bà thường nắm tay tôi bảo: "Sông cũng có cảm xúc đấy cháu à!". Có lẽ bà nói đúng, sông cũng có cảm xúc. Ngày bà mất, nước sông dâng trắng bờ, đục ngầu, bên bồi, bên lở.
Một chiều ngồi bên bờ sông, thả lòng nhẹ nhàng theo con nước trôi xuôi, thèm được nghe một tiếng gọi đò, thèm được thấy mưa tuôn xối xả, trắng cả mặt sông và nụ cười tươi rói của lũ bạn. Muốn hỏi ai đó, ông lái đò ngày xưa giờ đâu rồi nhưng biết hỏi ai bây giờ? Điều mình nhớ, chắc gì người ta còn nhớ. Chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng bìm bịp kêu chiều, tiếng chị tôi hát từ ngày xưa vọng lại: "À ơi, rau cải về trời…".

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Còn có quê để trở về

      Tôi không biết khi bà và mẹ mất thì Bắc Giang có còn điều gì khiến tôi mỗi năm lặn lội hơn hai ngàn cây số để trở về không? “Tết này có về quê không?” đã sáu lần cậu tôi hỏi như vậy, mỗi năm một lần vào độ cuối tháng Chạp, lần nào tôi cũng thoái thác bận cái này, bận cái kia… Năm lần trước cậu im lặng một lúc rồi mới nói: “Ừ, thì thôi vậy, chờ đến tết năm sau sắp xếp mà về con ạ…”, lần thứ sáu thì cậu nghiêm giọng: “Mày còn có quê không hở con?...”. Tôi ghẹn đắng, không nói được gì. Cậu cúp máy, tôi vẫn nghe vọng lại tiếng thở dài như những cơn mưa dầm ngày đông tháng giá.
      Quê tôi, nơi đẹp đẽ mà xót xa của cả cuộc đời tôi. Tiếng còi tàu phân ly của gia đình tôi trên bến tàu hỏa Nam Bắc mãi mãi ghim vào trái tim tôi những hoảng hốt về sự tan vỡ. Chuyến tàu để cha tôi ở lại phương Nam và đưa bốn mẹ con tôi về phương Bắc xa xôi. Đôi chân trần nứt nẻ mùa Đông chạy nhảy khắp cánh đồng mót lạc, mót khoai mang về độn cơm mà phần cơm trắng chúng tôi ăn, phần khoai độn mẹ dành phần. Cái chăn bông mẹ kết bằng thứ vải vụn thợ may vứt bỏ rực rỡ sắc hoa của bốn mùa còn ấm đến tận bây giờ. Mẹ tôi lạ lắm, không giống bất kì người đàn bà nào mà tôi đã gặp. Càng khổ mẹ càng trở nên quật cường. Ngay cả bị ốm nặng, mẹ cũng không chịu nằm. Mẹ cứ dắt chúng tôi vươn lên từ trăm ngàn khổ ải… cứ vươn lên mãi cho đến khi nào chúng tôi có thể tự đứng vững trong cuộc đời. Ba chị em tôi cứng cỏi hơn cái tuổi của mình, giàu có sức sống hơn bất kì đứa trẻ cùng trang lứa nào trong làng. Mẹ đã dạy chúng tôi bằng một tình yêu kì lạ. Tình yêu ấy không cho phép chị em tôi gục ngã, yếu mềm…

       Mẹ tôi nằm thảnh thơi trên đồng Đống Mối, khép lại những khổ đau chất chồng của một kiếp người chưa bao giờ chạm đến hạnh phúc. Cho đến tận ngày khép mắt, mẹ cũng mỉm cười, đặt vào tay tôi tất cả hy vọng. Dạo ấy gần tết, cánh đồng tháng Chạp thơm mùi lúa chín, thơm sữa ngô đang kì tròn hạt, tôi nghe như có cả mùi tóc mẹ ướp hương hoa bưởi… Mẹ tôi đi thật đẹp, vượt ra ngoài mọi sự bi lụy của âm dương cách biệt.
      Mấy năm sau bà tôi cũng mất. Bánh khúc cũng theo bà nằm lại trong miền kí ức. Rải rác rau khúc mọc men theo ruộng ngô, luống lạc… Rau khúc muộn phiền bạc phấn tháng năm, già cỗi không ai hái. Bà tôi là người duy nhất của cái làng Dục Quang nhỏ bé ấy làm bánh khúc theo lối cổ truyền. Bánh bà làm nồng mùi hoa khúc, sậm màu lá khúc, dẻo thơm nếp cái hoa vàng và đậu xanh đãi vỏ. Tết, chẳng cần kẹo lạc, chè lam, chị em tôi chỉ cần đôi bánh khúc nụ cười đã tươi như hội ở ngoài đình làng.
      Tôi thành kẻ tha hương… Cố quên mình còn có quê để trở về, làm một kẻ phụ rẫy tình quê, cố vùng vẫy trong tình thân mà tôi ngỡ ngày càng ít đi… Mỗi lần về quê là mỗi lần lạ… Những bà, những bác tôi quen biết lần lượt ra đồng Đống Mối. Những anh, những chị, những bạn rời làng đi những đâu đâu làm ăn sinh sống. Đường làng vắng rạ rơm, vườn vắng bưởi, khế, ổi. Cánh đồng phai hương lúa ngô… Ở giữa quê tôi như khách trọ, lắng nghe tiếng chuông chùa vang mới biết mình đang ở quê, thấy vết lõm nơi gốc gạo cổ thụ mới nhớ mẹ từng dựa nơi ấy mỗi khi nghỉ giữa buổi làm đồng ngó về phương Nam xa lắm, đợi cha tôi trở về… Tôi hoang mang với sự xa lạ của mình và đổ vấy cho là tại quê tôi đã khác lạ. Những thứ khiến mình lạ lẫm thì về làm gì…
      Nhiều lần tôi ngồi bên bến đò nhìn những chuyến đò qua lại. Tôi thích nhìn sâu vào gương mặt của những người cất bước ra đi, cố hiểu xem họ có lưu luyến gì cái nơi họ để lại phía sau lưng. Sông Cái Đôi không giống bất kì con sông nào trên thế gian này, cũng như trăm ngàn con sông khác chẳng thể trùng nhau dòng nước ấy, dù chúng có thể hòa vào nhau… Con sông Cái Đôi bao lần chở tiếng cười tôi xa vắng, bao lần mang hương khói về tận con sông Thương trong nhung nhớ của tôi.
       Cậu tôi bảo gốc gạo đầu làng đã bị triệt hạ, làng cần mở rộng con đường trải nhựa đến tận các ngõ, hàng xoan theo lối quanh co ngõ nhà bà cũng bị đốn nhưng không vì thế mà người đi xa quên đường về được. Mỗi người đều có một con đường chạy thẳng từ kí ức…
      Tôi đọc “Cuốn theo chiều gió” năm lên 14 tuổi. Chẳng điều gì khiến tôi ấn tượng, kể cả tình yêu và các cuộc chinh chiến, những hy sinh, chịu đựng và lo toan. Điều tôi nhớ nhất lại là hình ảnh Scarlett ngẩng cao đầu với nắm đất của ấp Tara trong bàn tay bé nhỏ. Tôi thiếu nắm đất ấy trong tay, nắm đất của làng Dục Quang… Tôi hiểu rồi, không phải quê hương lạ lẫm với mình chỉ có lòng mình xa lạ với quê hương….
       “Biết còn có quê để mà về thì chưa mất quê hương đâu con ạ…”, thoang thoảng trong hương trầm giữa lưng chừng đêm tiếng nói mẹ tôi hiền dịu thầm thì… Gió trở chướng, hình như sắp tết, vẫn kịp xuôi chuyến tàu về quê…

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Tháng 3 - đi qua thương nhớ


Tháng 3 - đi qua thương nhớ


19

Tháng 3 - đi qua thương nhớ
Ta về với riêng Ta trong khoảng lặng


Có những ngày Nắng, lòng nao nao nhớ, lần giở lại những note từ mùa cũ, những tấm ảnh cũ, tìm lại cả những status của những cảm xúc bâng quơ, vẩn vơ như cái cách mà mình vẫn thường làm.

Đôi lúc, tự dặn mình sống Hời hợt thôi, cho cuộc sống bớt ưu tư sầu nặng. Hời hợt thôi, để nhẹ nhàng như gió. Cứ sâu sắc quá, cứ nhạy cảm quá chỉ tự mình vương vất những suy tư không tên.

Và ước như, mình cứ sống một cuộc sống Giản đơn để đỡ phải bận lòng trước mùa trôi rất nhẹ, trước một ánh mắt vô tình, một đôi lời khó hiểu, một vài hành động vu vơ, để bây giờ, đỡ phải Chông chênh thế này!
tháng 3
Tháng 3, bên Người đấy, ngọt ngào đấy, tình cảm đấy…nhưng vẫn có những điều không thật. Có phải chăng vì Tình chưa trọn, vì Duyên chẳng phải…nên Ta vẫn cứ hững hờ.

Tháng 3, có những tâm trạng mang hình hài của gió, lúc mênh mang, lúc dịu dàng, lúc lại xào xạc bão mưa, để như, cứ theo gió cuốn đi thì hay biết mấy…

Tháng 3, sáng đi làmđã thấy hoa sưa nở trắng. Có những lúc, thèm lắm cái cảm giác nắm tay Người đi dưới những mùa hoa. Như mùa thu trước, hái trộm một chùm hoa sữa mang về phòng vẫn thoang thoảng hương đưa.

Tháng 3, mong ước nhiều quá, bận lòng nhiều quá. Muốn viết, viết thật nhiều…nhưng đặt bút rồi lại chẳng thể viết được. Thôi thì, để cho những dòng cảm xúc chảy trôi, để mùa về nơi gió thổi…