Mỗi con đường góp một chút hương xuân
TTCT - Đường phố cuối năm dường như vội vã hơn, những con hẻm chật cứng, vỉa hè như nêm thêm người. Tất cả như đang chạy đua với thời khắc của những ngày cuối năm.
Tôi ở Huế hơn bốn năm, con đường đi qua trường tôi vào cuối năm thường tràn ngập hoa. Những chậu hoa treo lủng lẳng trên chiếc xe ba gác, cứ thế đẩy đi từ đầu đường đến cuối đường, từ con đường này qua con đường nọ như chở một niềm vui mới chờ một khách hàng đến đón nhận. Tôi để ý đến ông già bán hoa cảnh, năm nào cũng thế, đến những ngày giáp tết là thấy ông. Hoa vẫn thế, tươi, thơm như vài năm trước. Riêng ông thì già đi trông thấy.
Ông già chủ xóm trọ về hưu từ hồi nào. Quanh năm quanh đi quẩn lại chỉ chăm sóc mớ cây cảnh và vài ba con chó. Những ngày cuối năm ông quét lại cái hàng rào bằng vôi trắng toát. “Sao không để mấy anh chị, bác quét làm gì?” - tôi hỏi. Ông bảo: “Mỗi năm chỉ quét một lần vào dịp tết. Tôi thích nhất là cắt, tỉa hàng chè tàu và quét vôi tường rào. Nhưng việc cắt tỉa thì làm thường xuyên. Riêng cái vụ quét vôi sơn tường này thì mỗi năm chỉ có một. Không ai thay thế được, quét vôi - làm mới như một ý niệm về mùa xuân - thay mới. Làm việc này có cảm giác như mình mặc cái áo mới vậy chú ạ”.
Thằng bạn ở làng hoa giấy Thanh Tiên. Cứ đến cuối năm nó đạp xe chở hoa giấy lên phố. Dù hoa thật khoe sắc ở mọi nẻo đường nhưng hoa giấy vẫn có chỗ đứng. Nó bảo hoa giấy dành cho người nghèo vì hoa thật đắt tiền. Những buổi sáng sương giăng mờ, con đường từ phố cổ Bao Vinh chợt hiện lên sặc sỡ bởi những chiếc xe chở hoa giấy. Từ con đường này hoa sẽ “len lỏi” vào từng nóc nhà, từng mái ấm rồi được đặt trang trọng lên bàn thờ tổ tiên như góp chút hơi ấm, chút sắc xuân làm nên một cái tết cổ truyền.
Không sao quên những đứa trẻ ở tận vùng cao tụm năm tụm ba ngồi nép bên đường chờ bán những nhành phong lan, những mụt măng non hay những bông bắp chuối đỏ tươi. Hoa thì hái trên rừng, bắp chuối cũng hái trên rừng. Người hỏi thì nhiều mà người mua thì ít. Chúng bảo mua cho cháu để có tiền đi sắm cái áo tết. Nhìn áo quần nhếch nhác lại thấy mủi lòng. Thôi thì mua. Mua để góp một niềm vui vào niềm vui chung của đất trời. Cái bắp chuối màu đỏ thắm thì tặng ông già chủ trọ. Ông bảo đẹp thế này ăn phí lắm, đem đặt vào cái chậu chưng cho đẹp.
Không biết ông già năm nay còn sơn tường rào bằng vôi, hoa giấy có còn thịnh hành, những bông chuối rừng của bọn trẻ giờ còn bán? Hoa vẫn thắm, cỏ vẫn xanh nhưng người thì xa xăm.
YÊN MÃ SƠN (Quảng Trị)
Xuân phương Nam
Chị điện nói tết về muộn vì công ty đắt hàng. Chị là công nhân may, làm ca, 20 tuổi, ở Sài Gòn được dăm tháng, tháng nào cũng gửi tiền về, mẹ dúi sang tôi bảo tiền mồ hôi nước mắt chị mày đấy, cố mà học. Con bé đảm đang nhất nhà, trai làng giẫm nát ngõ đấy! Mà ở quê thì nghèo, rồi cả đàn em lít nhít nữa, nó mới đất khách quê người.
Mẹ tôi luôn nói thế. Cha nhăn mặt nói đẻ con mà để con khổ thì cha mẹ mang tội. Tôi chẳng nói gì, chỉ cồn cào nhớ chị. Cứ nhìn tờ lịch cho đến 30. 30 là muộn còn gì. Nhưng đến chiều 30, cả nhà ngồi chờ cơm mà chị vẫn chưa về. Giao thừa tôi co ro đầu ngõ ngóng tiếng tàu đêm vọng lại từ ga xép, không có chị cầm tay đi một vòng quanh sân trong khoảnh khắc năm mới.
Sáng mồng 1, lúc nắng bắt đầu tinh khôi trút qua kẽ lá, chị balô tay xách nách mang dạ thưa mấy người hàng xóm. Cả nhà túa ra, vui như tết! Chị khoác cho tôi áo mới, chỉ nhãn nói công ty chị này, tôi thấy cả mùa xuân phương Nam xa lắc xa lơ ngàn dặm.
NAM PHÚ
Chợ nhà nghèo
Chợ 30 tết lúc nào cũng đông người, vậy mà má tôi năm nào cũng đi vào buổi chợ ấy, để rồi khi về đến nhà mệt mỏi nằm thở dài, mấy giờ sau mới lo công việc được. Có lần tôi hỏi thì má nói: “Vì đó là “chợ nhà nghèo” mà con!”. Lúc ấy tôi còn nhỏ, nghe má nói vậy thì hay vậy, không hỏi thêm làm gì, miễn sao có quần áo mới để mặc khoe với bạn bè là đủ rồi.
Còn nhớ 29 tết năm ấy má vừa qua cơn bệnh nặng, trong nhà không tiền nên chưa mua sắm thứ gì gọi là để ăn tết, chỉ vỏn vẹn có hai con cá lóc mà ba đã cố gắng tát cái mương bắt được ngày hôm trước, để dành 30 tết làm cơm canh cúng ông bà tổ tiên, và một ít chuối khô lúc má nằm bệnh viện ba đã lụm cụm ép phơi khô rồi gói xín cất vào thùng đan để dành tết.
Xế chiều, má cứ đi ra đi vô mãi, có lẽ trông anh chị tôi về. Rồi má kêu to lên: “Ông ơi! Tụi nó về tới!...”. Ba và tôi chạy ra mừng quýnh. Má thăm hỏi đủ điều... Tôi thì lo nựng mấy đứa cháu. Bất chợt má quay sang bảo tôi: “Đưa cháu nội cho tao, tao nhớ nó lắm!”. Tôi đưa thằng nhỏ cho má. Má vừa hôn vừa nói đả đớt với nó không kịp thở. Ba thì lo dụ đứa cháu ngoại đi uống cà phê. Nó không chịu. Rủ ra bờ sông xem tàu lớn nó cũng nằng nặc không đi. Nó nói: “Ông ngoại già quá, râu không, thấy mà ghê!”.
Không khí trong nhà ấm áp. Anh chị lấy tiền để làm quà xuân cho ba má. Tối đêm đó ba châm bình trà, lấy ra mấy lát chuối khô, ngồi uống nước với mấy đứa cháu. Trong buồng, má soạn tiền đếm, rồi chia ra từng nhóm. Có lẽ má đang tính sáng 30 mua thịt bao nhiêu, mua cá bao nhiêu...
Định vợ, gả chồng cho anh em tôi xong, ba má cũng lần lượt ra đi không bao giờ trở lại. Sau này, cứ mỗi lần tết đến, nghe hàng xóm rủ nhau đi “chợ nhà nghèo”, tôi bùi ngùi nhớ về khung trời kỷ niệm của tuổi thơ. Hỏi mấy người lớn tuổi mới biết đó là chợ 30 tết, buổi chợ cuối cùng của một năm. Ai nghèo thế nào cũng phải vay mượn làm sao cho ra tiền để mua sắm chút đỉnh về, trước cúng ông bà, sau cho con cháu ăn qua loa ba ngày tết. Vì vậy ở quê tôi người ta gọi là “chợ nhà nghèo”.
NGUYỄN HỮU THÀNH (Tiền Giang)
Việc cuối cùng của ngày cuối năm
Đã bảy năm sống ở Sài Gòn, mình vẫn yêu vô cùng chiều cuối năm của nhóm bạn.
Đó là những ngày cuối năm mà cả nhóm nhất quyết phải làm cho xong việc cuối cùng ấy rồi mới ai nấy về quê.
Mình đi chợ bông, lựa mấy chậu vạn thọ vàng chói, kỳ kèo trả giá rôm rả. Bạn đi Chợ Lớn mua lạp xưởng, củ kiệu. Bạn khác đi chợ đầu mối Hóc Môn mua thịt ba rọi hay thịt đùi... Rồi tụi mình còn mua nhang thơm, mua dưa hấu. Mua xong rồi đem về nhà lúi húi chia phần, gói ghém cho thật đẹp mắt, thật ngon lành...
Ngày cuối năm, việc cuối cùng là cả nhóm đi đến các xóm nghèo của Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ để chia những phần quà nhỏ bé cho các cụ già neo đơn, không có con cái gì hết.
Có ông cụ nằm liệt một chỗ, có bà cụ ngồi xe lăn, cũng có ông bà móm mém hàm răng rụng hết cười đón cả đám...
Có những ngày cuối năm chúng mình nhận lại món quà là củ khoai lang luộc, trái bắp nướng của các ông bà cụ, có những ngày cuối năm chúng mình rơi nước mắt tiễn một bà cụ, ông cụ nào đó về với thiên đường...
Đã thành thông lệ, cuối năm, hễ việc đi biếu quà cho người già chưa làm là chẳng đứa nào chịu về… Cũng ước mong đón tết cùng với các cụ già. Nhưng đứa nào cũng có gia đình, vợ bìu con ríu, chồng nhắc nhở, họ hàng đợi nên thôi...
Chỉ có thể làm chút việc lành, việc thiện để dọn mình đón năm mới thanh sạch…
HỒNG HẠNH (Hóc Môn, TP.HCM)