Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

trực ngày tết

Buổi sáng đi làm, nghe hơi gió thổi vào da lành lạnh, thế là đã cuối năm rồi. Với những người bác sĩ như tôi, Tết chẳng bao giờ được xem là thời gian vui chơi trọn vẹn. Thế nào cũng phải có một ca trực rơi vào một ngày nào đó trong Tết. May mắn thì mùng 2 mùng 3, coi như bỏ một vài buổi đi chơi, còn không may thì rớt ngay trúng 30 mùng 1, tức là phải đón năm mới trong bệnh viện.

Thì cái nghiệp trăm năm đã thế rồi mà... Có ai hẹn ngày hẹn giờ để mà đi bệnh như đi phỏng vấn xin việc làm hay hẹn lấy hồ sơ công chứng đâu?
Chắc không có một bác sĩ nào trên thế giới này có thể trả lời được câu hỏi: "Anh đã trải qua bao nhiêu ca trực đêm trong suốt một đời nghề của mình?" Có lẽ không trả lời được vì nhiều quá, dày đặc quá, thường xuyên đến mức không nhớ nổi.
Những công việc trong ca trực thì cũng không khác nhau: xách giỏ bỏ vào phòng, vừa thay quần áo vừa cầu nguyện sao cho đêm trực yên ổn một tí, suy nghĩ một chút về những ca bệnh nặng được báo cáo trong buổi giao ban sáng...
Dù thế, những ca trực Tết bao giờ cũng có một không khí khác. Ngày 30 và mùng 1, ở các khoa nội trú thường không khí vắng vẻ hơn, yên ắng hơn và sạch sẽ hơn do bệnh nhân ít hơn. Ngày giáp Tết, bệnh nhân còn nằm trong khoa cũng tha thiết yêu cầu được xuất viện về nhà đón giao thừa. Bác sĩ cũng thông cảm được chuyện đó, nên bệnh nào có thể về nhà uống thuốc tiếp là cho về.
Người nào được về thì vui như tết, nói cười hỉ hả, làm bác sĩ cũng thấy vui lây mặc dù nhiều lần cũng thấy lo ngay ngáy, cứ phải dặn đi dặn lại về chuyện uống thuốc ra sao, theo dõi triệu chứng như thế nào, lúc nào thì trở lại bệnh viện ngay...
Những người còn nặng bị từ chối dứt khoát không cho về thì buồn thiu, tần ngần nhìn người khác chuẩn bị ghói ghém đồ đạc đi về, rồi tặc lưỡi nói với nhau "Thôi bọn mình ở lại chắc ăn hơn, lỡ có biến chuyển gì còn kịp trở tay!"
Ca trực ngày Tết thường nhiều màu sắc và âm thanh hơn, do vài bông hoa giấy đỏ dán trên cửa kính phòng cấp cứu, chậu mai nở vàng trước cổng bệnh viện, khay mứt nho nhỏ trên bàn giấy... Và cả những lời chúng đầu năm may mắn, phát tài, mạnh khỏe của đồng nghiệp, bệnh nhân trong môi trường đầy mùi thuốc sát trùng, bông băng và ống chích.
Chuẩn bị vài cái phong bì hay bánh kẹo cho những đứa trẻ nhỏ phải nằm lại trong khoa nhi ngày Tết, hoặc nhận những lời chúc Tết của người nhà bệnh nhân, tôi thấy con người gần nhau hơn một chút, thương nhau hơn một chút và cuộc sống đẹp hơn một chút.
Thế nhưng, cái không khí đó thật ra không nhiều, và nếu có thì chỉ thấy ở những khoa nội trú mà bệnh nhân có thể được hẹn để mổ, tái khám, làm xét nghiệm... và cũng chỉ trong ngày 30 hay mùng 1 Tết. Chứ ở phòng cấp cứu và các khoa liên quan đến chuyện ăn chơi của thiên hạ như chấn thương, chỉnh hình, tiêu hóa... thì không khí lúc nào cũng ồn ào, lộn xộn, tất bật khẩn trương như chợ Tết.
Không khí ăn chơi Tết nhất bị bỏ lại đâu đó ngoài cửa, không vào được đến nơi này, ngay cả khi những thân nhân đưa người bệnh vào bệnh viện có mặc quần áo đẹp hơn hay trang điểm đậm hơn thì vẫn thế. Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý xoay mòng mòng với những vết thương do ngã xe, đột quỵ, hen suyễn...
Trong mấy ca trực vào ngày Tết, âm thanh mà các nhân viên y tế sợ nhất có lẽ là tiếng còi xe cấp cứu. Ngày Tết người người có tâm lý ăn chơi vui vẻ thỏa thích, có bia, có rượu, đi đây, đi đó vì vậy nguy cơ cũng nhiều hơn hẳn, từ chuyện giao thông đến chuyện viêm tụy cấp sau một bữa ăn nhiều thịt rượu.
Không chỉ là chuyện tai nạn bất kỳ xuất ý, ngay cả những trường hợp bệnh mãn tính phải vào bệnh viện trong những ngày Tết cũng là những trường hợp nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn. Tâm lý kiêng kỵ vào viện trong mấy ngày đầu năm làm cho người ta tránh tối đa chuyện phải vào thăm bác sĩ ngày Tết. Vì vậy, chỉ những trường hợp bắt buộc vào cấp cứu mới chịu đưa vào bệnh viện, nên bệnh nhân nhiều hay ít thì những ca trực ngày Tết bao giờ cũng căng thẳng, áp lực hơn.
Tự nhiên, tôi ước gì mỗi người chú ý một chút đến sức khỏe mấy ngày xuân, để mấy phiên trực đầu năm của bệnh viện đừng quá đông đúc. Chẳng phải vì lười biếng đâu, mà nhìn những người phải nằm trong bệnh viện vào những ngày mà mọi người đang vui vẻ ngoài kia, với những lý do lãng xẹt như là ngộ độc rượu hay đụng xe vì chạy quá tốc độ, thấy xót lòng lắm.
Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Theo Sức khỏe và đời sống



Mùa Xuân và những ca trực Tết...

28-01-2011 16:05
Một mùa xuân ấp áp ngập tràn niềm vui và hạnh phúc đã về. Khắp phố phường trong thành phố, mọi người, mọi nhà đang vui Xuân đón Tết, thì tại Bệnh viện đa khoa Biên Hoà, không khí ngày Tết thật bình yên, những bóng áo trắng đang ngày đêm miệt mài cho công việc cứu người, chăm sóc những bệnh nhân chẳng may phải ăn Tết ở nơi này.
Tại Phòng cấp cứu tổng hợp trong những ngày đầu năm mới, mọi việc diễn ra khá khẩn trương, bệnh nhân đã ra viện về nhà ăn tết gần hết, vì thế trong khoa chỉ còn vài bệnh nhân ở xa hoặc còn nặng chưa thể ra viện được. Gặp gỡ chúng tôi trong ngày đầu năm mới, bác sĩ Đoàn Văn Quốc-Trưởng khoa cấp cứu nội- chuyên khoa 1 về nội thần kinh cho biết “Làm ngành y ngày Tết mặc dù có vất vả nhưng đây là một công việc rất có ý nghĩa vì có thể cứu người”. Quê ở huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam, từ khi theo gia đình vào miền Nam sinh sống, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TPHCM năm 1999, năm 2000 bác sĩ làm việc tại bệnh viện Long Khánh, 7 năm sau, về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Biên Hoà. Gần 10 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Quốc đã không ngừng học tập kinh nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp chữa bệnh hiệu quả, cứ thế mà đã mấy chục cái Tết trôi qua, chưa có lần nào bác sĩ có dịp về quê ăn Tết.
Tâm sự với chúng tôi về những ca trực tết, bác sĩ Quốc cho biết: Tôi đã quen với việc ăn Tết ở bệnh viện này rồi. Vào những ngày Tết, các ngành nghề khác được nghỉ nhưng ngành y thường bận rộn và vất vả hơn nhiều, mỗi tua trực cấp cứu chỉ có 4 người gồm 1 bác sĩ cùng với 2 điều dưỡng và 1 hộ lý trong khi lưu lượng bệnh nhân tăng gấp hai, ba lần ngày thường nên kíp trực phải làm việc luận phiên 24/24 giờ ở bệnh viện.Trong những ngày Tết những năm qua, trung bình bệnh viện tiếp nhận từ 40-50 bệnh nhân mỗi ngày, trong đó tai nạn giao thông tăng gấp đôi ngày thường, hơn 20% tai nạn sinh hoạt, gần 30% ngộ độc thức ăn.. Đối với những bệnh nhân không may phải ăn Tết tại bệnh viện, để động viên họ được vui đón Tết, trong đêm 30 tết và sáng mùng 1, Ban giám đốc bệnh viện tổ chức thăm hỏi và chúc tết bệnh nhân tại từng khoa phòng, buồng bệnh.
Với tuổi đời 38, hơn 10 năm gắn bó ngành y thì cũng chừng ấy bác sĩ Quốc đều có mặt trong những ca trực vào ngày tết.Tâm sự về những chuyện vui buồn trong ca trực Tết của mình, Bác sĩ Quốc cho biết: đó là một ca trực tết vào lúc 2 giờ chiều mùng 1 tết năm ngoái, bệnh nhân nam khoảng 26 tuổi được đưa vào bệnh viện trong trạng thái hôn mê, tím tái toàn thân, thở ngắt quản, sùi bọt mépSau khi khám phát hiện thấy đồng tử co nhỏ, trên mình bệnh nhân nhiều vết chích cộng với những kinh nghiệm trong ngành, xác định đây là trường hợp sử dụng heroin quá liều, ngay lập tức, êkip trực đã quyết định cấp cứu đặt nội khí quản, hút đàm nhớt, chích thuốc giải .
Sau thời gian theo dõi, trong  vòng 4 tiếng đồng hồ, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm. Hoàn thành công việc chuyên môn của mình, cả kíp trực đều cảm thấy phấn khởi vì đã mang lại niềm vui cho bệnh nhân và gia đình họ trong ngày đầu năm mới..”, Bác sĩ Đoàn Văn Quốc- Trưởng khoa cấp cứu nội của bệnh viện Đa khoa Biên Hoà bộc bạch “Khi làm nghề y  thì phải xác định đầu tiên công việc trực gác là nhiệm vụ của mình.Trong mấy ngày  tết ai cũng muốn sum họp gia đình, nhưng mình đã trong nghề rồi thì phải đảm trách ca trực tết và sau khi hoàn thành tốt ca trực của mình, lúc đó mới về sum họp cùng gia đình…”
“Trong căn phòng độ chừng vài chục mét vuông với bánh kẹo mứt Tết  được chuẩn bị đầy đủ, kíp trực của chúng tôi luôn cảm nhận sự ấm áp, vui vẻ của những ngày đầu năm mới”. Đó là lời tâm sự của điều dưỡng viên Trần Thị Anh Trang, quê ở Bà Rịa Vũng Tàu. Mặc dù công việc tại Phòng cấp cứu tổng hợp luôn bận rộn, nhưng với tinh thần yêu nghề, không ngại khó nhọc và luôn được sự thông cảm chia sẽ của chồng, thì mỗi cái Tết đều như nhau, chị cũng chuẩn bị vài thứ khá đơn giản cho gia đình nhưng luôn đảm bảo hương vị Tết. Ánh mắt thân thiện, đôi bàn tay ân cần chăm sóc từng bệnh nhân như san sẽ những lo lắng, nổi nhớ nhà của họ, chị còn giúp đỡ, an ủi những bệnh nhân ở xa, có hòan cảnh khó khăn hoặc không có người thân nương tựa..Tâm sự với chúng tôi về những ca trực tết, chị kể đó là trường hợp ngộ độc thức ăn kèm theo các bệnh lý như tiêu chảy, buồn nôn vào buổi chiều 30 Tết . Bệnh nhân nữ được đưa đến độ chừng 50 tuổi trong tình trạng ngất xỉu, da xanh, vả mồ hôi, huyết áp tuột và do có tiền sử là cao huyết áp nhiều năm nay, cho nên việc khám và điều trị như bù nước, tăng giảm tốc độ truyền dịch… phải được cân nhắc hơn. Sau thời gian cấp cứu và theo dõi, đến khi bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm thì cũng là lúc kim đồng hồ đang điểm sang thời khắc giao thừa.. Sáng mùng Một Tết thì chị mới trở về nhà cùng đón một năm mới với gia đình.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình trực tết, Bác sĩ Võ Tấn Tràng- Giám đốc bệnh viện Đa Khoa Biên Hoà cho biết: để phục vụ cho bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Ban giám đốc bệnh viện đã bố trí cấp cứu, lịch trực Tết khá chặt chẽ, mỗi ca trực từ 7 giờ sáng hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau với dàn ê kíp luân phiên trực từ 30 Tết đến mùng 5 Tết.
          Một mùa xuân đã về, bên cạnh chậu mai vàng rực rỡ khoe sắc đón ánh nắng mùa xuân, xen lẩn tiếng bíp bíp, âm thanh của máy đo điện tim cứ liên tục vang đều, bằng sự nhiệt huyết của mình, những chiếc áo trắng của Bệnh viện đa khoa Biên Hoà vẫn ngày đêm dốc sức với công việc cứu người, để hoàn thành tâm nguyện đóng góp thiết thực cho người dân và cho xã hội, xứng đáng với danh hiệu “lương y như từ mẫu”.
                                         Hồng Mỹ _ Đài BH        



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét