Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Chợ chiều cuối chạp
TTCT - Nhà lúc ấy chỉ đủ ăn nên mẹ thường đi chợ chạp vào lúc muộn chiều. Vả lại ở quê cũng không cần mua sắm gì nhiều ngày tết. Chỉ cần đầy đặn mâm ngũ quả nơi bàn thờ gia tiên.
Mà người miệt đồng có đâu tiền nhiều mỗi cái mỗi mua. Gà vịt thì dự trù từ trước. Ngay con cá đồng cũng tính bụng sẽ có được từ vài đêm câu cắm. Củ quả thì đổi nhau với láng giềng là tươm tất được món mứt món dưa.

Mẹ đi chợ chạp cốt có được đôi dưa ở bàn thờ. Bến chợ đông cứng xuồng ghe. Loay hoay cũng chui được dưới gầm cầu Cái Sơn. Chợ năm nay bày hàng ở bến sông. Bến sông nay đã có bờ kè, không còn lo đất lở nữa. Lúc trước, chợ chạp dọn ở đường giữa. Nay đường là đường công viên, chỉ bày hàng hoa. Nơi đó rộng đủ chỗ cho làng hoa Sa Đéc.
Bộ mặt chợ muộn buồn làm sao. Người hết hàng sớm lăng xăng gom dọn. Nhưng cũng có người tiu nghỉu, đăm chiêu. Tiêu điều nhất là ở hàng hoa. Hoa thì người trồng tính đủ ngày đủ tháng nên mang về thì nặng, bỏ thì thương. Nhìn họ buồn xo.
Chiều chợ chạp muộn vậy mà còn một người bán mai cắt nhánh. Ông không quá đăm chiêu nhưng mai của ông buồn hay sao mà dợm rũ lá. Chợt nhớ góc vuông vườn nhỏ của ông Tư ở xóm. Lúc đầu ông Tư định trồng để làm rào, rồi bất chợt chúng thành mai cảnh. Mùa mai, góc vườn ông sáng vàng rực. Một năm nọ, ông cũng cắt nhánh hoa bán bớt. Nhưng cảm xúc lạc lõng của người bán mai giữa chợ chiều ba mươi làm ông chạnh lòng. Hoa ông mộc quá, mộc đến nao lòng, thanh cao và không là hoa vương giả, quá lẻ loi trong rừng hoa giữa chợ. Liệu người đàn ông kia có cùng tâm sự với ông không?
Chừng như không ai có được lựa chọn một góc đời theo ý mình. Như những gì còn lại ở chiều chợ chạp này, hẳn không ai muốn có một lỡ dở bán mua. Nên cứ có chút chạnh lòng ở một chợ chiều cuối chạp.
NGUYỄN QUANG HÒA (Đồng Tháp)
Tết của ôsin
Chị và tôi cùng chuyến tàu giáp tết. Tàu chợ, toa cuối, từng thùng hàng cao quá đầu người. Tôi sinh viên đi vé chui, giằng co được cái ghế nhựa ngồi gà gật. Chị nói ra thành phố làm ôsin, xin mãi chủ nhà mới cấp phép ba hôm, như thời chiến.
Chị vạch điện thoại, hai sim hai sóng, nói một sim của bà chủ, một của ông chủ. Bà chủ gọi nhắc cơm nước, giặt giũ, lau nhà, đón con, ngăn cấm người lạ. Ông chủ gọi nhắc về muộn, mở cổng, để ý con xe...
Làm hai tháng, bà chủ phong “một sao”, nghĩa là được cầm tiền tự lo liệu theo kế hoạch. Ba tháng ông chủ phong thẳng “bốn sao một vạch”, được phép làm mồi nhậu tiếp đãi khách quý.
Chị lại xòe tay khoe vòng lắc ngọc bích kể chiến công phát hiện ông chủ tăng ca golf, giảm giờ ở nhà với vợ. Từ đó bà chủ huấn luyện cách phát hiện mùi nước hoa, màu cà vạt, thắt lưng, nhãn hiệu giày... lạ hay quen.
Chị cười ngặt nói ôsin phải làm nhà hòa giải, giữ hạnh phúc cho người ta. Nhưng đời tréo ngoe buồn lắm. Chị về quê mà có nhà đâu. Thằng chả nhà chị cặp bồ rồi rước nó về ở ngon ơ.
NAM PHÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét