Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Hùng Cường - trưởng đơn vị nội soi siêu âm của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - khi đến khám có đến 20% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, đã di căn không thể chữa trị. Số bệnh nhân còn lại bệnh đã phát triển, có thể mổ cắt đoạn ruột bị bệnh nhưng 40% trong số đó bị tái phát. Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là yếu tố tiên quyết để chữa khỏi căn bệnh này.
Có thể phòng ngừa, chữa trị được
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng là: béo phì, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, đường, rượu, thuốc lá, ăn ít chất xơ, lười vận động. Như vậy để phòng ngừa lâu dài ung thư đại trực tràng, cần xây dựng lối sống lành mạnh, năng tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước. Lối sống lành mạnh cần thực hiện trong nhiều năm mới có khả năng phòng được bệnh này. Mặt khác, 80% bệnh ung thư đại trực tràng có diễn tiến từ các pôlyp (các u lành tính), sau một thời gian 8-10 năm dưới tác động của nhiều yếu tố, các pôlyp trong trực tràng phát triển thành ung thư. Như vậy, phát hiện sớm các pôlyp để cắt sẽ loại bỏ được mầm mống ung thư. Bên cạnh đó, bệnh này cũng ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, tuổi tác (trên 50 tuổi).
Ung thư đại trực tràng thường có những triệu chứng cảnh báo như: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng Cường cho biết hầu hết bệnh nhân khi có những triệu chứng này thì bệnh đã muộn, diễn tiến vào giai đoạn nặng. Như vậy, để phát hiện ung thư đại trực tràng thì cách hiệu quả nhất là tầm soát căn bệnh này khi chưa có những dấu hiệu. Vậy những ai cần tầm soát? Đó là những người trên 50 tuổi, những người tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao (nhóm nguy cơ trung bình). Những người có tiền căn bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng, mặc dù được điều trị nhưng vẫn có khả năng phát triển pôlyp thứ hai, người có một người thân trực hệ bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng trước 60 tuổi hoặc có hai người thân trở lên bị mắc bệnh (nhóm nguy cơ cao).
Các phương pháp tầm soát
Bác sĩ Hùng Cường khuyến cáo những người rơi vào nhóm nguy cơ trung bình nên thực hiện các phương pháp tầm soát: tìm máu trong phân một năm/lần, soi đại tràng sigma năm năm/lần hoặc soi toàn bộ đại tràng 10 năm/lần. Trong đó, soi toàn bộ đại tràng là phương pháp tầm soát tốt nhất, có thể khảo sát hết toàn bộ đại tràng. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tầm soát bằng phương pháp soi toàn bộ đại tràng, bắt đầu tầm soát sớm hơn, thời gian tầm soát gần nhau hơn.
Căn cứ tình hình sức khỏe, độ tuổi, các dấu hiệu, mức độ nguy cơ, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp tầm soát phù hợp. Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng được áp dụng hiện nay có ưu và nhược điểm riêng. Cụ thể:
- Tìm máu trong phân: đây là phương pháp tiện lợi khi mẫu xét nghiệm được lấy tại nhà, nhưng chỉ có 2-5% các trường hợp có máu trong phân thật sự là bị ung thư đại trực tràng. Như vậy, khi tìm ra máu ở trong phân bệnh nhân sẽ rất lo lắng và phải làm bước tiếp theo là soi đại tràng.
- Soi đại tràng sigma sẽ phát hiện được khoảng 50% trường hợp ung thư đại trực tràng, phương pháp này không cần chuẩn bị kỹ, không cần tiền mê. Tuy nhiên, phương pháp này không khảo sát hết được toàn bộ khung đại tràng, có nguy cơ thủng ruột 2/10.000 trường hợp.
- Soi đại tràng: Đây là phương pháp tối ưu nhất hiện nay. Phương pháp này khảo sát được toàn bộ khung đại tràng, đánh giá được toàn bộ các nguy cơ nhưng vẫn có những hạn chế như: phải chuẩn bị ruột kỹ trước khi soi, thường phải tiền mê. Các biến chứng thường gặp là chảy máu phải nhập viện điều trị tỉ lệ 1/500 trường hợp, thủng ruột tỉ lệ 1/750 trường hợp và tử vong 1/8.000 trường hợp.
Ngoài những phương pháp trên còn có chụp CT bụng (soi đại tràng ảo) quay video ống tiêu hóa (bệnh nhân sẽ được nuốt viên thuốc có chức năng như một camera)... nhưng những phương pháp này chưa được chính thức xác nhận giá trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét