Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

TẾT THƯƠNG HỒ

TẾT THƯƠNG HỒ
Bấc về. Những ngọn gió lì rì đuổi nhau trong vườn, nhảy nhót trên mái lá khô rồi khẽ se se chạm vào da thịt. Mùa lụt cũng đã vừa tan, bỏ lại con sông trước nhà nội tôi một mảng nước xanh trong vắt. Ngoài đường cái, đi trong màn sương chiều nghe mùi thơm rơm rạ phủ bay kín mũi. Cái cảm giác thư thái và bình yên một cách kỳ lạ ấy như báo hiệu cho bao điều hệ trọng sắp xảy đến. Ấy là khi tôi biết Tết đã gần kề.

Nhà nội có đến chín người con, do mải bôn ba, rày nay mai đó mưu sinh trên sóng nước nên chỉ có mỗi cha tôi và dì Út là được học hành đến nơi đến chốn. Những chuyến lêu bêu ngược xuôi theo con nước lớn ròng có lẽ đã ăn tan vào máu, nên dù nội tôi đã quyết đưa con cháu lên bờ, sắm đất lập nghiệp nhưng các chú, bác tôi vẫn cứ mỗi người một ghe cắm sào ra đi, dầu dãi nắng mưa với cuộc thương hồ.
Những ngày cận Tết thế này, nội luôn ra ngóng vào trông, làm đám cháu nhỏ chúng tôi cũng thắc thỏm không yên. Con sông trước nhà mỗi lần có động là nội liền bảo tôi chạy nhanh ra xem ghe bác Hai, cô Ba, chú Sáu… đã về chưa. Như có hẹn. Chiều 27 nào, mũi đất trước nhà nội tôi bao giờ cũng quây kín ghe, xuồng rộn rịp. Tiếng nói cười, gọi mừng nhau í ới, vang dậy một khúc sông. Bác Hai trai, bác Hai gái tay xách tay mang hết dưa rồi lại nhãn. Vợ chồng cô Ba thì đem về rực rỡ màu hoa Tết, nào hải đường, vạn thọ, cúc trắng, trạng nguyên… Chú Sáu tôi về với thằng con mũi còn chảy nước lòng thòng, chưa thấy mặt người đã nghe thấy tiếng cười khùng khục. Tui mới đi tát đìa phụ người ta hôm bữa, có mấy con khô ủ sương trên mái ghe mùi thiệt là mùi, tía cất trong nhà đặng Tết lai rai chơi!
Ngôi nhà gỗ ba gian thường ngày lạnh lẽo giờ tràn đầy sinh khí mùa xuân. Nội phân công tôi và tụi thằng Kiên, cái Thơm đi theo chú Bảy vặt lá mai trước nhà. Lá mai xanh dìu dặt trong gió sớm, tay đứa nào cũng run run. Run vì gió lạnh. Run vì khi thò tay vào nhánh mai vặt lá phải thật nhẹ nhàng, khéo léo, sợ tước mạnh sẽ làm rớt nụ hoa. Những ngày lấp chấp giao thừa, nhà nội tôi luôn tỏa ấm mùi nhang trầm, bàn thờ gia tiên lúc nào cũng sạch sẽ, tươm tất.
Đêm, con sông trước nhà thở những đường nước xanh bát ngát. Nội được các chú mời ra mui ghe của bác Hai, ai cũng ăn vận chỉnh tề, để làm lễ cúng. Lễ cúng Thủy thần chỉ có một ít gạo, muối và nhang thơm. Quanh năm cưỡi sóng cưỡi gió, coi chuyện bán buôn trên sông nước làm nghiệp mưu sinh, khôn nhờ dại chịu, chỉ mong Thủy thần phù hộ con cháu mỗi năm về họp mặt đông đủ, phận già này cũng nguyện lấy làm vui. Nội vừa lấn rấn khấn thầm, mà con cháu có mặt trên ghe ai nấy đều cay cay sóng mũi.
Suốt đêm những chiếc ghe con thức trắng, ánh đèn phả xuống lòng sông những giọt vàng lung linh. Cả nhà tôi ngồi gom lại trên ba bốn chiếc ghe chấp dính. Nội hít một hơi rượu thiệt mạnh, rồi đảo mắt nhìn quanh một lượt các con. Đâu, thằng Bảy kể tao nghe chuyện mần ăn năm rồi… Đâu, thằng Năm kể tao nghe đầu đuôi cái lần mày đi xuống miệt Cà Mau tìm vợ ra sao… Chưa bao giờ tôi thấy nội vui như thế. Chú Năm tôi hết bị người này đến người kia ới nhau chọc ghẹo. Tướng tá cao to, vai ngực vạm vỡ vậy mà gặp đàn bà, con gái thì chú lại bỗng trở nên vô cùng e dè, nhút nhát. Đi đưa hàng xuống miệt Cà Mau chú tình cờ quen được thím Năm. Bị thím Năm làm khó đủ điều, vậy mà đâm ra thầm thương trộm nhớ. Bữa đòi rước thím về ra mắt mà tay chân cứ luống cuống, ăn nói trỏng không, điệu bộ lại thẹn thùng chẳng khác chi mấy cô con gái lúc về nhà chồng. Nghe thím Năm kể lại ai nấy nhìn chú Năm cười khúc khích.
Hết chuyện trò, tâm sự, nội và các chú tôi lại lôi đàn kìm ra hát vọng cổ thâu đêm. Từ là từ phu tướng… Bảo kiếm sắc phong lên đàng… Vào ra luống trông tin chàng… Năm ơ canh mơ màng… Bài Dạ cổ hoài lang trong đêm xuân như một nỗi bùi ngùi thấm vào da thịt. Tôi chăm chú lắng nghe, trôi miên man với dòng ý nghĩ của riêng mình. Những câu hát xưa, những vẻ đẹp xưa gợi nhắc bao nỗi đời, bao nỗi hoài niệm, tất cả của một thời vàng son như vừa thoảng qua đây…
Vậy rồi mấy ngày Tết cũng qua thật nhanh. Nội và lũ cháu nhỏ chúng tôi lại dắt tay nhau ra đứng trước mũi sông, vẫy tay chào tiễn biệt từng chiếc ghe một rời đi. Ai cũng nhìn nhau tươi cười tràn đầy hạnh phúc mà sao mỗi nhát dầm khuấy vào mặt nước lại dợn lên trong lòng người ở lại bao nỗi thương nhớ khôn nguôi.
Từng con sóng cứ thế đùn nhau, đưa người đi, đưa người về, trên những chuyến hải hành dài bất tận. Tôi cứ lấy làm băn khoăn, không biết quãng sống kiếp thương hồ đã qua của nội có dài mênh mang như nỗi đợi bây giờ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét