Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

NHỮNG ĐỊNH NGHĨA THÚ VỊ VỀ CUỘC SỐNG

NHỮNG ĐỊNH NGHĨA THÚ VỊ VỀ CUỘC SỐNG 

CUỘC SỐNG là niềm hạnh phúc, sự yêu thương. Hạnh phúc được sinh ra trên đời. Hạnh phúc được có mẹ, có cha. Khi mỗi sớm mai thức dậy xung quanh mình đều là những người thân yêu. Mỗi ngày ta nhận được biết bao những lời hỏi thăm, quan tâm từ mọi người hay bất ngờ nhận được món quà của người bạn từ phương xa. Được yêu thương và chia sẻ yêu thương với mọi người là niềm vui mà cuộc sống mang lại cho chính bạn.

CUỘC SỐNG là những cái đẹp. Cái se lạnh của ngày đông hay cơn mưa rào bất chợt mùa hạ, chiếc lá vàng khô ép trong trang vở… Một người bạn tốt luôn bên ta khi ta buồn vui, cùng chia sẻ cảm xúc… Một người tốt không quen tình cờ ta thấy trên đường rất đẹp trong chính hành động của mình.

CUỘC SỐNG là những lời hứa, hứa với mọi người, hứa với chính mình. Mỗi ngày ta đều tự nhủ nên thế này, không nên thế kia và nói với mọi người về những những dự định, kế hoạch. Ta hứa, hứa… Có những điều ta giữ lời, nhưng cũng có những điều ta không làm được… Tuy nhiên, bản thân ta đều cố gắng để giữ chữ tín.

CUỘC SỐNG còn là một cuộc chạy đua. Thi chạy cùng lũ bạn xem ai leo lên tầng đầu tiên. Bố chạy vòng vòng tránh tắc đường, mẹ thì tranh thủ đi chợ thật sớm, khéo léo trả giá để mua được những thực phẩm ngon, bổ, rẻ phục vụ cả nhà. Rồi ai ai cũng đang chạy đua với quỹ thời gian của mình để không lỡ nhịp, không lãng phí.

CUỘC SỐNG chính là những bài học mà ta học hoài, học mãi không thấy hết. Là những bài cụ thể trong sách hoặc những kinh nghiệm mà tự ta phải ngẫm ra. Đôi khi chính những cô lao công, những em bé ăn xin lại là thầy ta trong cuộc sống. Vì vậy mỗi ngày ta đều phải học để đổ đầy túi kiến thức.

CUỘC SỐNG còn là những cơ hội. Cơ hội được thử sức với những khó khăn mới, khám phá những địa danh, văn hoá tại những nơi mà ta chưa biết đến. Cơ hội được làm quen với một cô bé xinh gái, một anh chàng điển trai. Hay để nói lời yêu thương với bố mẹ, lời xin lỗi với nhỏ em… Chia tay những kí ức buồn và đón nhận niềm vui mới, có thêm công việc để giúp đỡ gia đình… Cuộc sống trao ta những cơ hội và ta là người phải nắm bắt.

CUỘC SỐNG thật gần và thật quen, đơn giản là những điều xung quanh bạn. Hãy trân trọng những giá trị tạo nên cuộc sống của bạn và đừng để mỗi ngày trôi qua vô nghĩa bạn nhé!

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Em à! Hãy tựa vào vai anh

Em à! Hãy tựa vào vai anh

Hãy tựa vào vai anh đi em à nếu em mỏi mệt. Dù anh biết, em mạnh mẽ, kiên cường, em là người con gái đầy ý chí, nghị lực nhưng âu điều gì cũng có gì hạn, và sức người cũng thế mà em, đừng gắng gồng một mình khi đôi chân em như muốn ngã quỵ với bao nỗi muộn phiền. Tựa vào vai anh để bình lặng và đừng nghĩ ngợi gì quá nhiều, hãy để lòng thanh thản, hãy xua đi nhọc nhằn, rồi nhoẻn một nụ cười tươi xinh nha em!
Hãy tựa vào vai anh đi em à nếu em muốn im lặng đôi chút. Anh hứa, anh sẽ không nói gì, hỏi chi, sẽ lặng thật lặng để nghe em nói với ánh mắt sẻ chia, với con tim đồng cảm. Anh biết mình vẫn chưa thể hiểu hết về em, nên anh sẽ không suy đoán lung tung, không nghĩ ngợi mơ hồ mà chỉ nhìn thật sâu vào mắt em để em biết rằng những lúc em như thế lòng anh rất khó chịu, và đa mang.
Hãy tựa vào vai anh đi em nếu em cảm thấy mình đã yếu đuối lắm rồi. Anh biết, để được như ngày hôm nay, nụ cười, nước mắt trong em đã chan hòa không biết bao nhiêu lần, trông em mạnh mẽ thế đó, nhưng cũng mong manh, dễ vỡ biết nhường nào. Dẫu anh chẳng là người đàn ông tài giỏi, nhưng anh tin yêu thương nơi mình đủ để có thể chở che, xoa dịu lòng em, vì trong anh, em là tất cả, là của để dành mà anh luôn yêu quý, tưng tiu từng chút một.
Hãy tựa vào vai anh đi em nếu em nhói đau, và muốn khóc. Hãy để nỗi đau phơi bày, để nó giẫy giụa mà đừng cố kìm nén lại em à, vì nó sẽ làm em ngạt thở mất. Hãy để giọt nước mắt chảy tràn, để nó làm bờ môi em ướt hay thậm chí mặn đắng mà đừng cố ngưng tự, vì nó sẽ làm em thêm khó thở. Anh biết quang gánh mưu sinh lúc nào cũng oằn trên đôi vai bé nhỏ của em, biết yêu thương em được nhận chẳng vẹn nguyên, đủ đầy như bao người, nhưng chưa bao giờ em khóc than vì điều đó, mà môi em luôn cố mỉm cười để giấu nhẹm sự cô đơn, nỗi tự ti tận sâu lòng mình, khiến anh xót xa vô cùng.
Hãy tựa vào vai anh đi em à nếu em muốn dừng chân, muốn có người cùng sẻ chia, lo lắng. Có thể, anh chẳng cho em một cuộc sống xa hoa gấm lụa như phim, như ảnh, nhưng anh sẽ yêu thương em bằng trọn con tim, bằng tất cả lòng chân thành để bên anh, em luôn cảm nhận rằng em là người phụ nữ kiêu sa, hạnh phúc nhất trần đời. Và anh hứa, anh sẽ là bến đỗ cuối cùng để em bình yên, là người tình cuối luôn yêu thương em với một tình yêu cháy bỗng, thiết tha.
Em…
Tựa vào anh nhé!
Anh luôn sẵn sàng, luôn chờ đợi.
Đừng bao giờ lặng câm với nỗi đau, đừng bao giờ ôm ghì khốn khó cho riêng mình mà hãy để anh được cùng em xớt chia em à! Vì yêu em, người đàn ông trong anh đã mạnh mẽ biết bao nhiêu, niềm tin nơi anh đã thêm một lần vụt cháy và yêu thương nơi anh lại trở về thuở nồng nàn, tinh khôi nhất nhất nên anh chẳng thể đứng bên lề cuộc sống của em đâu em…
Thế nhé! Bất cứ lúc nào, bất cứ điều gì xảy ra, bờ vai anh sẽ luôn dành cho em…

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Phẫu thuật cho bướu Wilms

Phẫu thuật cho bướu Wilms

Bướu Wilms, điều trị bao gồm phẫu thuật (cắt thận toàn phần hay bán phần) là ung thư đứng hàng thứ 5 ở trẻ em và là ung thư thận hàng đầu ở trẻ em. Điều trị bướu Wilms là một điển hình thành công do áp dụng kết hợp đa mô thức dựa theo National Wilms' Tumor Study Group (NWTSG) và Societe Internationale d'Oncologie Pediatrique (SIOP).

Trong 50 năm qua, chỉ với phẫu thuật thì tỷ lệ sống còn sau 2 năm sau cắt thận chỉ là 20%. Sau này kết hợp xạ trị hỗ trợ thì tỷ lệ sống còn tăng lên 50%. Nhờ vào sự kết hợp của các nhà ung thư học, phẫu thuật, giải phẫu bệnh và với những thuốc mới vincristine, dactinomycin (actinomycin D), và doxorubicin, thì tỷ lệ sống còn trong thế kỷ 20 lên 90%.

Gross nephrectomy specimen shows a Wilms tumor pus
Bướu đẩy mô thận bình thường sang 1 bên
Giải phẫu

Bướu Wilms có nguồn gốc từ mô thận nguyên thủy của phôi. Đại thể là một bướu đặc hoặc nang, có thể đẩy lệch hệ thống bài tiết trong thận. Bướu xâm lấn tĩnh mạch thận chiếm 40%. Trong những trường hợp hiếm bướu lan xuống tới niệu quản và bàng quang có thể gây tiểu máu. Bướu 2 bên chiếm 6%. Bướu xâm lấn tại chỗ cũng hiếm bướu thường di căn theo đường máu và bạch huyết.

Chống chỉ định 

Khi bướu có cả hai bên và bướu đã di căn. Bướu lớn quá vượt khỏi đường giữa, xâm lấn mạch máu nưng cả hai điều trên chỉ là chống chỉ định tương đối. Vì vài phẫu thuật viên có tể cắt hết bướu đặc nhưng tăng nguy cơ phẫu thuật cho bệnh nhân. 

Cắt thận toàn phần 

Theo phát đồ của NWTSG, bướu đầu tiên trong điều trị là phẫu thuật cắt thận tận gốc nếu có thể được. Thám sát vùng bụng qua đường rạch bụng ngang. Thận được thám sát bắng cách bóc tách đại tràng cùng bên à mở cân Gerota. Thám sát thận đối bên không được khuyến cáo vì đã có những phương tiện chuẩn đoán hình ảnh học tốt. Nếu có bị bệnh cả 2 bên thì không cắt thận nhưng cũng có thể sinh thiết. Phát đồ điều trị bướu 2 bên đang được nghiên cứu và phát triển. Nếu bệnh chỉ có 1 bên thì cắt thận và nạo hạch vùng là cần thiết.

Cắt thận bán phần 

Vai trò cắt thận bán phần vẫn còn đang bàn cãi . Mặc dù suy thận giai đoạn cuối sau cắt tận một bên là hiếm (0,25% trong thủ nghiệm của NWTSG), bảo tồn mô thận lành có thể ngừa biến chứng này, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh nội khoa ( hội chứng  WAGR, và Denys-Drash). Cắt thận bán phần khả thi chỉ trong 10-15% bệnh nhân, vì phần lớn bướu là quá lớn khi phát hiện. Và lo lắng nữa là cắt thận bán phần làm cho bướu tái phát tại chỗ. Theo nghiên cứu NWTS-4 thấy 8% tái phát tại chỗ sau cắt bán phần thận vì bướu 2 bên.[3] Trong trường hợp bướu 2 bên, thận độc nhất, suy thận, thì nên xem xét cắt thận bán phần.

Chuẩn bị trước phẫu thuật 

Nếu bướu không cắt được thì nên sinh thiết sau đó hóa trị cắt thận trì hoãn, trong hầu hết các trường hợp làm bướu nhỏ lại. Sự dính vào cơ quan lân cận thường bị đánh giá quá mức. Biến chứng toàn bộ của phẫu thuật là 20%. Nếu bướu có chồi trong tĩnh mạch thì hóa trị trước phẫu thuật giảm được nguy cơ mở tĩnh mạch lấy chồi 50%

Bướu Wilms 2 bên (6%), mỗ thám sát, sinh thiết 2 bên, đánh giá chính xác giai đoạn (bao gồm sinh thiết hạch hai bên) là nên thực hiện, 6 tuần hóa trị sau đó. Sau đó đánh giá lại bằng chẩn đoán hình ảnh trước khi quyết định điều trị triệt để (1) cắt thận 1 bên và bán phần bên kia (2) cắt thận bán phần 2 bên (3) ch3 cắt thận toàn phần 1 bên, nếu đáp ứng là toàn diện bên đối diện, hướng này làm giảm nguy cơ suy thận. Sống còn 2 năm là cao theo hướng này hơn 80%, tỷ lệ cắt thận giảm 50% ở bệnh nhân có bướu cả hai bên. Cắt thận bán phần 2 bên sau hóa trị hoặc 1 bên đáp ứng tốt hóa trị thì không cần cắt thận.

Hóa trị

Điều trị đa mô thức (phẫu, xạ, hóa) là chìa khóa thành công trong điều trị. [4] Theo khuyến cáo NWTSG hóa trị trước phẫu thuật (sau mở bụng thám sát và sinh thiết) trong những tình huống sau[5, 6, 7] :
  • Bướu xâm lấn vào tĩnh mạch - 5%  và 40% biến cứng phẫu thuật. Ngay cả ở trong tay người ptv giỏi. Vì vậy hóa trị trước phẫu thuật làm nhỏ đi kích thước của chồi tĩnh mạch chiếm 25% biến chứng phẫu thuật.
  • Ở những bướu lớn không thể phẫu thuật được thì hóa trị làm giảm kích thước bướu 50%
  • Bướu  Wilms 2 bên
SIOP cũng khuyến cáo háo trị mà không cần mở bụng thám sát và sinh thiết. NWTSG nói là điều này có thể gặp 1%-5% bướu lành.[8] 

Hóa trị kèm mà không đánh giá giai đoạn phẫu thuật thích hợp (chỉ đánh giá bằng hình ảnh học) có thể thay đổi giai đoạn thật sự ban đầu của bướu lúc phẫu thuật và cuối cùng thay đổi quyết định liên quan tới hóa trị hỗ trợ hay xạ trị, mà điều này dựa trên đánh giá giai đoạn bằng phẫu thuật.

Trong lúc mổ

Rạch da đường mỗ ngang bụng, vào cân Gerota (cân quanh thận) để thám sát thận. Trong trường hợp bướu thận 1 bên tiến hành cắt thận toàn phần nếu bên kia là còn bình thường. Đánh giá gan, hạch, tìm di căn trong phúc mạc. Tĩnh mạch thận và tĩnh mạch chủ dưới nên sớ nắn xem có chồi (6%). Trong trường hợp bướu 2 bên sinh thiết bướu nghi ngờ, sau đó có thể cắt lại sau khi hóa trị để bảo tồn nhu mô thận. Xác định 2 bên có hạch không, đánh dấu bằng clip sắt để sau này có thể xạ trị.

Lấy mẫu phải gọn ràng không rơi vãi mô ung thư ( tăng 6 lần di căn trong ổ bụng).
Hóa trị sau phẫu thuật và xạ trị dựa trên giai đoạn đánh giá bằng phẫu thuật theo hướng dẫn của NWTSG.

Bướu giai đoạn 1, giai đoạn mô học thuận lợi và không thuận lợi hay giai đoạn 2 thì nên : 
  • Cắt thận
  • Sau đó vincristine and actinomycin D (18 tuần)
Giai đoạn II (stage II) anaplasia hoặc giai đoạn III mô hoạc thuận lợi (favorable histology) và focal anaplasia thì:
  • Cắt thận
  • Xạ trị vùng bụng  (1000 cGy)
  • Vincristine, actinomycin D, và doxorubicin (24 tuần)
Giai đoạn IV với mô học thuận lợi hoặc focal anaplasia:
  • Cắt thận
  • Xạ trị vùng bụng phụ thuộc vào giai đoạn tại chỗ
  • Tia xạ phổi 2 bên (1200 cGy) kèm sulfamethoxazole và trimethoprim (Bactrim) phòng ngừa nhiễm Pneumocystis carinii
  • Hóa trị vincristine, actinomycin D, và doxorubicin
Gai đoạn II và IV anaplasia lan tỏa:
  • Cắt thận
  • Xạ trị vùng bụng
  • Xạ trị toàn phổi giai đoạn IV
  • Hóa trị 24 tháng vincristine, actinomycin D, doxorubicin, etoposide, và cyclophosphamide
Bướu 2 bên, có mô học không thuận lợi thường có tiên lượng rất xấu dù điều trị đa mô thức.

Theo dõi

Theo dõi sau điều trị kéo dài (nếu có thể suốt đời), bởi vì bệnh có thể tái phát sau vài năm. Theo dõi bao gồm x-quang ngực, siêu âm bụng, CT hoặc MRI mỗi 3 tháng trong 2 năm đầu, mỗi 6 tháng trong 2 năm tiếp theo, và mỗi 2 năm sau đó.

Tiên lượng

Chất đánh dấu ung thư, mô học, và giai đoạn là những yếu tố tiên lượng quang trọng trong trượng hợp bướu 1 bên. 

Khi áp dụng điều trị đa mô thức thì tiên lượng của bướu Wilm là rất tốt, tỷ lệ sống còn 90%. những trường hợp có anaplasia lan tỏa (diffuse) giai đoạn II hoặc IV có thể có tái phát mặc dù điều trị tối đa có tiên lượng xấu. Tuy nhiên sau khi áp dụng những thuốc mới như cyclophosphamide, ifosfamide, cisplatin, carboplatin, và etoposide, và đặc biệt kết hợp ICE (ifosfamide, carboplatin, etoposide), đã góp phần giảm tái phát đáng kể, tăng tỷ lệ sống còn 50%-60%.[9, 10, 11]

Biến chứng phẫu thuật
  • Tắc ruột đại tràng (7%)
  • Xuất huyết (6%)
  • Nhiễm trùng vết mỗ, thoát vị (4%)
  • Biến chứng mạch máu (2%)
  • Tổn thương ruột và tạng (1.5%)
 Theo Emedicine Medscape Urology
 ---------------------------------------------------------------------------------------------------
  1. Ehrlich PF, Ritchey ML, Hamilton TE, Haase GM, Ou S, Breslow N, et al. Quality assessment for Wilms' tumor: a report from the National Wilms' Tumor Study-5. J Pediatr Surg. Jan 2005;40(1):208-12; discussion 212-3.
  2. Kubiak R, Gundeti M, Duffy PG, Ransley PG, Wilcox DT. Renal function and outcome following salvage surgery for bilateral Wilms' tumor. J Pediatr Surg. Nov 2004;39(11):1667-72.
  3. Haecker FM, von Schweinitz D, Harms D, Buerger D, Graf N. Partial nephrectomy for unilateral Wilms tumor: results of study SIOP 93-01/GPOH. J Urol. Sep 2003;170(3):939-42; discussion 943-4.
  4. Metzger ML, Dome JS. Current therapy for Wilms' tumor. Oncologist. Nov-Dec 2005;10(10):815-26.
  5. Ritchey ML. The role of preoperative chemotherapy for Wilms' tumor: the NWTSG perspective. National Wilms' Tumor Study Group. Semin Urol Oncol. Feb 1999;17(1):21-7.
  6. Bogaert GA, Heremans B, Renard M, Bruninx L, De Wever L, Van Poppel H. Does preoperative chemotherapy ease the surgical procedure for Wilms tumor?. J Urol. Oct 2009;182(4 Suppl):1869-74.
  7. Kalapurakal JA, Peterson S, Peabody EM, Thomas PR, Green DM, D'angio GJ, et al. Pregnancy outcomes after abdominal irradiation that included or excluded the pelvis in childhood Wilms tumor survivors: a report from the National Wilms Tumor Study. Int J Radiat Oncol Biol Phys. Apr 1 2004;58(5):1364-8.
  8. de Kraker J, Graf N, van Tinteren H, Pein F, Sandstedt B, Godzinski J, et al. Reduction of postoperative chemotherapy in children with stage I intermediate-risk and anaplastic Wilms' tumour (SIOP 93-01 trial): a randomised controlled trial. Lancet. Oct 2-8 2004;364(9441):1229-35.
  9. Dome JS, Green DM, Cotton CA, et al. Treatment of anaplastic Wilms tumor: A report from the National Wilms Tumor Study Group. Am Soc Clin Oncol. 2005;23(16S):802S.
  10. Fuchs J, Kienecker K, Furtwängler R, Warmann SW, Bürger D, Thürhoff JW, et al. Surgical aspects in the treatment of patients with unilateral wilms tumor: a report from the SIOP 93-01/German Society of Pediatric Oncology and Hematology. Ann Surg. Apr 2009;249(4):666-71.
  11. Kalapurakal JA, Nan B, Norkool P, Coppes M, Perlman E, Beckwith B, et al. Treatment outcomes in adults with favorable histologic type Wilms tumor-an update from the National Wilms Tumor Study Group. Int J Radiat Oncol Biol Phys. Dec 1 2004;60(5):1379-8

Tê mê cá linh non

Tê mê cá linh non

04/08/2013 11:14 (GMT + 7)
 
TT - Khoảng đầu tháng 7 âm lịch, nước ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đỏ quạch một màu, gọi là “nước đổ”. Lúc này cá linh non lại về.
Theo Nguyễn Văn Hầu, người ta gọi nước đổ là vì “nước chỉ từ nguồn (Biển Hồ) đổ xuống biển, không chảy lên”, “mỗi năm, khi nước bắt đầu đổ thì trứng cá linh nở thành con. Chúng bị làn nước “giang hồ phiêu bạt”, lênh đênh vượt biên thùy. Ven đồng Tháp Mười về phía Tiền Giang cũng như các vùng đồng bằng Cỏ Lau, Bắc Đai, Láng Linh, miền Hậu Giang, là những nơi trú ẩn tốt cho chúng” (Nửa tháng trong miền Thất Sơn). Đó là mùa cá linh non.
“Phía trong miền Hồng Ngự (Đồng Tháp) nó (cá linh - NV) lội đầy rạch, chỉ việc lấy thùng thiếc mà xúc. Hồi lúa rẻ, mỗi thùng chỉ bán có một cắc. Ăn không hết làm nước mắm và mắm cũng không hết, có khi người ta phải đổ đi, hoặc dùng làm phân bón thuốc (thuốc lá)” (Nguyễn Hiến Lê, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười). Để bắt cá linh non, ngày nay người ta dùng vó, đăng, lọp... nhiều nhất là đáy, nhưng thu hoạch chẳng là bao so với ngày xưa. Tất nhiên giá cá linh non bây giờ cao ngất trời, là đặc sản cao cấp ngay tại rún cá, ngự trong thực đơn các nhà hàng hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Nhưng muốn thưởng thức cá linh non đúng điệu phải chịu khó lên Khánh An, Long Bình (An Phú, An Giang) hay Thanh Bình, Tam Nông (Đồng Tháp). Món cá linh non ở miệt cận biên này giúp ta thỏa thuê bụng dạ vì chúng mới đánh bắt, còn tươi xanh.
Món ngon cá linh non là chiên bột ăn kèm rau sống chấm nước mắm chua ngọt. “Linh diệu” nhất là kho lạt. Cá linh non tươi, ăn sương, ăn bọt nước đất trời, chỉ cần rửa sạch là xong. Bắc nồi nước và me non tươi nấu sôi, nêm nếm gia vị vừa khẩu vị, liền tay sớt đĩa cá linh non vào. Nước sôi vài dạo, nêm gia vị, cho bông điên điển trộn bông súng ngắt khúc cùng rau om vào, múc ra tô, cả nhà cùng ăn.
Thưởng thức cá linh non kho lạt cao cấp phải dùng đến cái lẩu. Lẩu nước và me non tươi sôi vài dạo, nêm nếm gia vị vừa ăn thì thả cá linh non vào. Vậy là người ta bốc từng nhúm bông điên điển đầu mùa mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cùng lúc cá linh non về, vào lẩu. Cùng với bông điên điển vàng tươi màu nắng là những cọng bông súng tước bỏ vỏ, ngắt khúc, bóp vắt nước thả vào. Rau nhúng lẩu nhanh tích tắc, gắp ra, có lẫn cá linh vừa chín tới, chấm muối ớt, cho vô miệng, nhai, nghe “hương đồng cỏ nội, sông sâu nước cuốn” lan tỏa khấu cái, không phải món nào, ở đâu cũng có được. Vị chua của me, vị ngọt béo của cá, vị làn lạt, giòn giòn hoang dã của bông điên điển, của bông súng hòa tan mặt lưỡi, lan thấm vòm hầu. Riêng chất nước ngọt của cá chảy thấm tận đáy dạ dày. Bao vị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác và cả thị giác đều tê mê trong món ngon này.
Người vùng cận biên An Giang còn kho lạt cá linh non với trái bứa. Những con cá nhỏ hơn mút đũa thấm đẫm vị chua hoang dã của trái bứa. Rồi vị măn mẳn của muối, nước mắm cá linh hòa trong vị ngọt thịt cá quyến luyến chân răng. Lẫn trong vị giác không gì hơn những búp bông điên điển đầu mùa, bông súng đồng ngắt khúc, nhúng nước cá, vừa hơi héo, đủ nổ giòn chân răng. Món ăn cay nồng vị ớt. Ai ăn không ghiền, không thèm vì mùa cá linh non mỗi năm chỉ có một lần, chưa đầy một tháng!
PHÙ SA LỘC
Ngon và gợi nhớ
Nước không chưn sao kêu nước đứng 
Cá không thờ sao gọi cá linh
Đối với cư dân sống trong lưu vực đồng bằng sông Cửu Long, khi nhắc đến cá linh luôn tạo một cảm xúc trào dâng khó tả. Cá linh có thể chế biến thành hàng trăm món, nhưng ngon hơn hết vẫn là món lẩu cá linh non và cá linh non kho lạt. Cá linh ăn ngon không phải vì cá còn non, béo, ngọt thịt, hầu như không có xương, mà ngon còn vì được ăn kèm với bông súng đồng, bông điên điển và hoa lục bình... là những đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cùng với cá linh, được xem như “thực phẩm chức năng” trong mùa nước lũ. Những anh nông dân mới hôm nào, nay biến thành ngư dân ngồi bên nồi lẩu ngào ngạt hương đồng gió nội, nhâm nhi với ly rượu gạo. Khi đã ngà ngà say, trong cảnh sông nước mênh mông, những ngư dân này phút chốc bỗng trở thành tài tử ngân lên sáu câu vọng cổ làm bạn tê tái tâm hồn.
Vậy đó, ăn cá linh không phải chỉ hưởng giá trị dinh dưỡng dồi dào từ chúng, mà còn gợi nhớ đến vùng quê có một mùa gọi là mùa nước lên.
BS CKI NGUYỄN THANH HẢI
(Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương)

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Chiếc máy cassette cũ

Chiếc máy cassette cũ

Đã lâu lắm đêm nay mình mới có đủ thời gian nghe trọn vẹn bài hát ru được phát ra từ một chiếc máy cassette đã cũ đã hơn 30 tuổi. Đó là món đồ quý giá nhất mà mẹ được cha tặng, người đã giữ gìn bên mình mang theo từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc và Nam. Trong quãng đời truân chuyên mấy mươi năm, mẹ vẫn giữ chiếc máy như một minh chứng cho sự thủy chung dù cha có phụ rẫy mẹ đến thế nào đi chăng nữa.
Khi mẹ mất, chiếc cassette bị bỏ quên trong một chiếc thùng sắt lẫn lộn với những món đồ cũ khác không dùng, mình gặp nó khi dọn dẹp để bỏ đi một món đồ không cần thiết. Trong chiếc máy nguyên một cuộn băng, mình bỏ pin vào máy. Đó là một cuốn băng hát ru. Rưng rưng lần theo kí ức, mình gặp lại quãng đời thơ ấu bên mẹ.
“Con tôi buồn ngủ buồn nghê / Buồn ăn cơm nếp cháo kê, thịt gà…“. Mẹ hát ru chị em mình suốt những năm tuổi nhỏ. Cả khi mình đã thành thiếu nữ. Những đêm Đông khó ngủ vì thiếu chăn, thiếu đệm, lời ru của mẹ phủ ấm quanh mình. Mình vùi đầu vào ngực mẹ uống lấy lời ru rồi mơ có đôi cánh thần tiên bay qua cánh đồng, vút lên bầu trời cao rộng, qua núi cao và biển sâu. Câu hát ấy 20 năm sau mẹ lại hát ru đứa cháu ngoại đầu tiên, con gái của mình.
Giọng mẹ hay lắm. Nồng nàn, tha thiết và thắm đượm tình yêu. Lời ru ấy không chỉ có âm thanh mà còn gợi lên hình ảnh, màu sắc và cả hương thơm nữa. Lời ru của mẹ êm đềm như dòng sông Thương quê mình. Có hương thơm của bờ xôi ruộng mật; của góc bếp lam lũ sợi khói tung lên trời mang hương cơm lúa mới; của chiếc khăn thâm kim nồng mùi mồ hôi của mẹ trên những nẻo đường xa ngược gió. Có màu đen lóng lánh của hàm răng hạt na của bà; có màu nắng mới giữa mùa Đông ảm đạm; có màu áo hoa của các con ngày tết… Lời ru của mẹ có câu chuyện kể ngày xửa, ngày xưa, có khát vọng trưởng thành cho “ba hạt đậu xanh của mẹ”. Mình thuộc rất nhiều bài hát ru, mẹ đi vắng, mình lại ngân nga ru hai em tròn giấc ngủ. Mẹ bắt gặp, mỉm cười, giang tay đón ba con, ngực mẹ còn đẫm cơn gió mùa Đông Bắc nhưng trái tim mẹ lại ấm như chiếc lò sưởi xua cơn giá rét ấy đi. Chúng mình đã rất hạnh phúc…
Những ngày cuối cùng của mẹ, mình hát ru những cơn đau của mẹ, mẹ bé nhỏ lỏng một vòng tay mình bế, người nắm lấy tay mình đặt tay các em vào đó rồi người khép mắt. Mùa Đông năm ấy cái rét kéo dài lê thê, mưa nhỏ nhưng sắc, cắm phập vào thịt da, gò đống Mối ảm đạm… Mình ngồi đó trong đầu vẳng lại câu hát ru của mẹ những đêm khó ngủ. Lời ru xa vắng quyện vào nỗi day dứt mình không thể cầm tay mẹ vững chãi băng qua đường, chở mẹ đến những nơi mẹ muốn, nói những lời yêu thương với mẹ… Kí ức là điều đã qua nhưng sẽ không bao giờ cũ kĩ bởi còn nỗi nhớ lúc nào cũng tươi ròng cảm xúc.
Mình luôn xem mình là đứa hạnh phúc nhất trên cõi đời, dù cho biến cố ở đâu đó luôn sẵn sàng đổ xuống, có lúc đã muốn tước đi của mình tất cả… Nhưng bất hạnh đó chẳng thể lớn bằng hạnh phúc thực sự rằng mình đã có một người mẹ vĩ đại. Người mẹ ấy biết con mình thiếu gì, cần gì, khi nào vấp ngã để nâng con dậy cả khi người đã về nơi chín suối.
Chừng ấy năm mẹ ngừng tiếng hát. Mình ôm con ru hời câu ca cũ. Giọng mình không trong, không ngan ngát hương lúa chín, không thoang thoảng mùi ngô nếp nướng, mùi rơm rạ ngày mùa, không màu của đường làng ngõ quê. Giọng mình có màu của năm tháng thăng trầm, có nỗi buồn dồn lại như từ muôn kiếp trước nhưng cũng đủ thanh bình để ru con ngủ, đủ ngọt để con say nồng giấc ngủ. Con của mình đã quen những lời ru, nếu đêm nào các con không được mẹ ru và xoa lưng sẽ trằn trọc. Vì thế dù bận đến như thế nào vào thời khắc đó mình cũng gác mọi thứ lại, ôm con vào lòng và hời ru. Mình không muốn các con ngủ trong chới với của tiếng ồn cơ giới và ì xèo buôn bán ở bên ngoài cánh cửa.
Băng cũ, máy cũ, tiếng hát ru của người nghệ sĩ trở nên rè, nặng nhọc như bước chân của người già đã đội lên đời mình cái tuổi “cổ lai hy”. Mình men theo tiếng hát gãy khúc để tìm về hình bóng mẹ: mái tóc quà quá gót, đôi mắt thăm thẳm, khóe môi dịu dàng. Mình như được dựa vào mẹ lúc này, lúc buồn tủi, cô đơn để thấy rằng tình yêu thương có thể khiến con người ta bao dung hơn, vững vàng hơn, bớt oán than đi để mỗi ngày mỗi sống đẹp hơn. Mình đã thiếp đi trong lời ru được phát ra từ chiếc mát cassette cũ… Như thời thơ bé mình nhảy chân sáo trên cánh đồng tháng Chạp tìm rau muối về mẹ nấu canh tôm, khi ấy mùa Đông có lạnh thế nào mình cũng không sợ nữa...
Sau này chiếc casette phải sửa mấy lần, nhiều đến mức người thợ điện tử khuyên không nên dùng nữa khi tiền sửa góp lại đủ mua một cái máy nghe nhạc loại xịn. Mình chỉ cười, có những điều dù có giải thích đến thế nào không chắc người khác đã hiểu được, như chiếc máy casstte này chẳng hạn, nó đâu phải chỉ là một cổ máy già nua khắc khổ mỗi lần chạy lại run lên bần bật mà còn là hơi ấm của mẹ để lại…

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Mùa thu

Mùa thu ngọt trên chùm hoa sữa tinh khiết đầu mùa. Hoa sữa nhẹ nhàng, khắc khoải, dịu ngọt, đậm đà.

Huyền Phạm
Mùa thu vàng trong bức tranh thêu chữ thập hình hoa cúc ở cửa hàng giảm giá một chiều em ghé lại. Màu vàng hoa cúc không rực rỡ, không chói lóa, chỉ thêu còn xù xì, bố cục bức tranh vô lý nhưng chiều đó, có một cô bé tỉ mẩn thêu thùa để tặng ai đó mà cô thương yêu nhất. Màu vàng trong đáy mắt cô bé ấy là mùa thu rực rỡ thiên đường nhất.
Mua thu vàng dập dìu như màu áo dài của cô gái đi ngang phố. Mùa thu rạng rỡ như nụ cười tuổi 21 vụng dại, ngờ nghệch. Mùa thu đơn sơ như lời tỏ tình năm nào. Mùa thu nhẹ lắm, ngỡ chỉ thở nhẹ có thể thổi bay được. Mùa thu cũng dịu hiền lắm! Mùa thu vàng trong vệt nắng góc phố. Mùa thu buông mành nhẹ, chẳng nhen nhóm một lời hẹn trước, giống như một lời chia tay. Ngưu Lang - Chức Nữ còn có ngày hẹn gặp, lời chia tay có hẹn ai trước bao giờ? Dù trong lòng đã đa đoan nhưng chia tay là chia tay thôi, buồn như nắng tắt mỗi chiều chênh chao, buồn u, lặng lẽ.
Ảnh: Envis
Ảnh: Envis.
Mùa thu ngọt trên chùm hoa sữa tinh khiết đầu mùa. Hoa sữa nhẹ nhàng, khắc khoải, dịu ngọt, đậm đà. Hoa sữa cựa mình nồng nàn như đang bị bó hẹp trong cái bình mùa thu, giờ được dịp đổ mình vào không gian thu thăm thẳm, xa gần. Hoa sữa nở bung đầy ám ảnh. Hoa sữa nâng bước tình nhân mỗi chiều hò hẹn. Hoa sữa trắng, lạnh câm se sắt phố phường, thong thoải mình níu giữ chân người. Níu sao được khi lòng người đã dứt. Mây của trời thì để gió cuốn đi.
Mùa thu tháng tám trời mưa rả rích. Thời gian chậm lại, thở dài rền rã trong không gian đặc quánh và mây đen chạng vạng. Gió lạnh ồn ã ùa về nhẹ run trên đôi tay người. Tháng tám mỏng manh như nỗi buồn giăng kín mùa hè. Những cơn mưa đầu mùa thu kéo dài như nàng thiếu nữ đỏng đảnh, ngoan cố. Ta chợt thèm muốn, khao khát một vòng tay đã cũ. Khi nỗi cô độc bám riết, ta muốn là bản năng dù bản năng ấy làm ta đớn đau và rỉ máu. Làm sao để ta bước qua một mối tình nhẹ tênh như định mệnh, nhẹ như hè qua thu tới? Làm sao khỏa lấp được khoảng trống hoác sau nhiều ngày tháng vẫn hẫng hụt như vừa mới hôm qua?
Và cô bé năm nào giờ tư lự một mình giữa mùa thu. Bức tranh thêu hình hoa cúc hoen ố màu thời gian. Mùa thu chợt nhoẻn cười, nụ cười vừa thoáng khích lệ dịu dàng, vừa thoáng thăm thẳm xót xa. Cô bé chớp mắt, hai hàng mi rơi xuống lăn dài gò má như mùa thu đã đến tự thuở nào và chẳng bao giờ hẹn trước, như lời chia tay chẳng hò hẹn trước bao giờ...

Xúc cảm mùa thu

Thu ơi! Xin mãi điểm tô cho đời luôn sắc biếc, xin mãi là những giai điệu nồng nàn, thấm đẫm...

Cô gái đến từ hôm qua 89
Một mùa thu nữa lại đang về, bánh xe thời gian cứ quay đều giữa dòng đời bất tận. Kể từ khi có sự hiện hữu của trái đất trong vũ trụ bao la, mùa thu đã ra đi và trở lại biết bao lần... Mùa thu - mùa của lá vàng rơi xào xạc. Mùa của những cô gái e ấp nép vào một bờ vai vững chãi. Mùa của những đôi bàn tay tìm đến nhau, siết chặt và truyền cho nhau tất cả hơi ấm, tình yêu thương. Mùa của những nỗi nhớ, những hoài niệm khi xa cách...
thu-600920-1368300192_500x0.jpg
Thu về cũng là mùa tựu trường, thấp thoáng những tà áo trắng tung bay trên khắp nẻo đường. Là hình ảnh của chúng ta ngày xưa đó! Sắc thu mang đến cho con người sự rung cảm đáng yêu, đã khơi nhẹ vào hồn ta nhớ về một thuở xa xưa để rồi nghe lòng man mác những hoài niệm. Đời người có lúc nào đẹp bằng khoảng đời cắp sách và có tình nào đẹp bằng tình ngây thơ, trong sáng của cái thời "chớm lớn". Hãy cất giấu vào góc khuất trái tim đi nhé cho dù có một chút bùi ngùi, tiếc nhớ, chỉ một chút thôi cũng đủ ấm lòng.
Theo nhịp chảy của thời gian, chúng ta đã trải qua một chặng đường chông chênh trong cuộc sống và bây giờ không gian quá xa cách nhau nhưng kỷ niệm thì cứ mãi gần, cứ mãi đong đầy vì nó ở ngay trong hồn ai đó. Và giờ đây, có lẽ tâm hồn ta như già thêm một chút, cỗi cằn hơn một chút bởi bụi thời gian đã phủ lớp rêu mờ. Chỉ một chút se lạnh của gió heo may, một chiếc lá vàng rơi nhẹ cũng đủ cho lòng chúng ta chùng xuống, se sắt đón thu sang... Vậy mà khi phút giao mùa đã đến, vẫn bâng khuâng trong khoảng lặng cõi hồn ta.
Thu ơi! Xin cứ mãi điểm tô cho đời luôn sắc biếc, xin cứ mãi là những giai điệu nồng nàn, thấm đẫm cho thế gian này được nối dài thêm niềm vui và hạnh phúc để ta cứ ngỡ thu bây giờ là thu của những ngày xa xưa ấy...

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

MÙA NƯỚC LÊN

Mùa nước lên

Lại mùa nước lên, góc khắc khoải hoài niệm bến nước hồn sông. Tiếng bìm bịp, đâu như ở rặng trâm bầu, nghe sao dễ mềm lòng quá chừng, dù đó vẫn là tiếng kêu vẳng lại ở năm nào. Gợi nhớ mùa nước lên năm ấy, tự dưng nước đổ về nhiều quá, nước sũng đồng khi lúa mới trổ đòng đòng. Bất ngờ, đâu ai kịp xoay xở, mất lúa, thành đói ăn, nhớ mà sợ.
Giờ thì người miệt quê quen rồi, lũ về thì sống cùng lũ. Tâm tình con người đôi lúc cũng lưng chừng, giờ thì năm nào nước lên muộn hay nước thượng nguồn đổ về không nhiều, tự dưng người miệt quê nghe như hụt hẫng. Kỳ thiệt.
Nước lên, ngoài phù sa đem lại màu mỡ cho đất, con cá theo nguồn cũng quay về như từ quay quắt nỗi nhớ bến nước hồn sông. Người miệt đồng coi vậy mà giỏi thiệt, đâu chỉ có duy nhất con cá đồng làm họ lu bu. Ngoài con cá đồng bung đồng, cũng là mùa sinh sản của lươn. Chừng như người miệt quê bén nhạy với món ăn, nên cũng nhanh nhạy trong việc tìm bắt.
Lối bắt lươn bằng trúm không nhớ có tự khi nào, như từ cái nhanh ý, biết tập tính lươn là đói mồi. Tre vườn lại sẵn, làm trúm cũng dễ, sao không thử. Và khi nước dợm bung đồng, những ống trúm một thời ám khói ở góc bếp giờ như được đánh thức… đã hết thời ngủ Đông. Trúm của mùa cũ như thẫm đen thêm sau một thời ám khói. Trúm thường làm từ những đoản tre, dài quá thước một chút, nhưng không dài quá mà khó tìm nơi dìm trúm. Có được tre xiêm thì tốt, xài được nhiều mùa, ngặt nỗi ở quê tre xiêm lại dụng nhiều công, đặng giá bán. Chỉ những ai có trồng ở vườn nhà. Xài tre mở cũng được, ngặt nỗi không dao lóng. Chọn tre được rồi thì thông mắc. Hom cũng làm từ tre. Coi vậy mà cái hom tuy vụn vằn vậy đó lại là một góc trải nghiệm của người theo nghề lâu năm. Khéo hom thì khéo được lươn. Cái nết lươn như bao giờ cũng ưa chỗ um tùm. Người đặt trúm lâu năm thì biết tỏng. Chọn bờ ven rậm cỏ. Mương vườn nào có súng hoặc sen thì nhất rồi. Lung bàu lễnh loãng, bất đắc dĩ lắm người đặt trúm mới đặt.
Ảnh minh họa
Ngộ, mà ngẫm ra cũng không ngộ, vì đâu có gì có được từ cái rỗng không đâu. Như lẽ thường đời thường, có bánh ít đi thì có bánh quy lại. Trúm đặt phải có mồi. Mồi cũng giản đơn. Cơm nguội quết trộn cua giả thêm cám và ít ngủ vị, rồi vò cục. Đặt trúm phải biết cách, không biết thì hỏi. Không ai đặt ngập trúm, cấm cọc cho nghiêng trúm, đầu trúm để nổi một chút, vì ngập trúm lươn sẽ ngợp.
Như lẽ đời thường, cái gì cũng có cái giá của nó, dụ lươn, có gì bằng trộn mồi với bả “A ngùy”, cái thứ quỉ gì mùi hăng hăng, thum thủm khó chịu thấy mồ mà lươn lại ưa. Ngặt nỗi lươn ưa, rắn độc cũng ưa, ngẫm ra mọi lẽ đều có cái đoản của nó.
Ngoài trúm, người bắt lươn còn có nhiều cách để bắt nữa. Như câu lươn, câu cũng cần quen nghề, phải biết cách tìm hang, phải biết cách chọn lưỡi. Thụt hang thì khi có khi không. Dồn mô cũng được, gom cỏ rồi thả lều bều cập mé, ngặt lươn mô thường nhỏ, đôi lúc là lịch, họ nhà lươn nhưng tí tẹo hình vóc.
Con lươn với người miệt đồng coi quê mộc vậy nhưng đôi lúc lại là một góc nghĩa tình. Cầm trên tay con lươn tròn mẩy, thẫm vàng, đứa con biết nghĩa, chợt nhớ còn đó cha đang luống tuổi, lươn thịt mềm lại nhiều nạt, thôi thì um sả cho ổng, thêm cho ổng cốc rượu nếp than, chắc ổng sẽ vui. 
Ở quê lắm cỏ dại, lắm lúc bực mình vì quá um tùm, chỉ tại nhiều việc cái vụn vặt đôi khi bị bỏ lơ. Vậy mà cũng có loài dây hữu dụng, như dây lạc tiên, dân gian gọi dây nhãn lồng. Chắc gọi theo con nít, con nít thấy ngộ ở cái bọc bao như lưới trăng trắng ôm bọc ngoài trái, tụi nhỏ hay lặt ăn khi trái ngả vàng, cũng ngọt ngọt. Lạc tiên cuộn dây đem phơi khô rồi hãm như hãm trà, hoặc bỏ nồi nấu, dể cho giấc ngủ ở người già. Cũng loại dây dại đáng ghét, như dây giác, quên lửng cắt, dây mặc sức bò lan, nhất là lúc sa mưa. Ngặt nỗi, trái giác khi ngả màu thẫm tím lại có vị chua thanh. Lươn mà nấu chua với trái giác ngon kỳ cục. À mà, nhớ có lần mẹ cũng với trái giác mẹ kho ơ cá rô mề, tự dưng  bữa cơm chiều sớm lưng nồi. Không tin, thử ăn đi một lần để nhớ.
Người miệt quê, tuy quen với mộc mạc chân quê, nhưng bất ngờ gặp cái trớ trêu cũng chạnh lòng. Nhớ lần theo cậu về thành phố. Cậu dẫn đi ăn. Ngẫu nhiên, ngồi cạnh bàn khách, chắc gia đình người của thành phố, chưng hửng khi nghe gọi món “lươn dồi”. Tò mò một phần, thôi thúc một phần, buộc nhìn ngoái sang, thấy khúc lươn vàng ngậy nằm trịnh trọng ở lòng dĩa men trắng. Tự dưng ngậm ngùi.
Thắt lòng, thoáng thôi, lại thoáng vui khi món ăn miệt đồng không còn hẩm hiu thân phận với miệt đồng mà đã là món ngon với người thành phố. Chỉ có chút chạnh lòng, món ngon miệt đồng mà người miệt đồng lại chưa hề dám nghĩ làm món “dồi lươn” để ăn.
Thoáng buồn, lại thoáng vui, buồn là buồn cái éo le với người miệt đồng, vốn chắt chiu nên món ngon ở đồng người đồng không nghĩ làm ra để ăn. Vui là món ăn vốn quê mùa, giờ là đặc sản với người kẻ chợ.
Người miệt quê vốn hiền từ, vốn quen gần gũi hương đồng gió nội, chỉ một thoáng quê thôi cũng đủ để người miệt đồng khắc khoải với nỗi nhớ đồng. Như chỉ cần ngần ấy cũng đủ để người đồng không nỡ xa đồng, khi còn đó nỗi vương vấn bến nước hồn sông.
Nguyễn Quang Hòa

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

PHÁT HIỆN SỚM UNG THƯ ĐẠI TRÀNG

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Hùng Cường - trưởng đơn vị nội soi siêu âm của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - khi đến khám có đến 20% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, đã di căn không thể chữa trị. Số bệnh nhân còn lại bệnh đã phát triển, có thể mổ cắt đoạn ruột bị bệnh nhưng 40% trong số đó bị tái phát. Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là yếu tố tiên quyết để chữa khỏi căn bệnh này.
Có thể phòng ngừa, chữa trị được
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng là: béo phì, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, đường, rượu, thuốc lá, ăn ít chất xơ, lười vận động. Như vậy để phòng ngừa lâu dài ung thư đại trực tràng, cần xây dựng lối sống lành mạnh, năng tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước. Lối sống lành mạnh cần thực hiện trong nhiều năm mới có khả năng phòng được bệnh này. Mặt khác, 80% bệnh ung thư đại trực tràng có diễn tiến từ các pôlyp (các u lành tính), sau một thời gian 8-10 năm dưới tác động của nhiều yếu tố, các pôlyp trong trực tràng phát triển thành ung thư. Như vậy, phát hiện sớm các pôlyp để cắt sẽ loại bỏ được mầm mống ung thư. Bên cạnh đó, bệnh này cũng ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, tuổi tác (trên 50 tuổi).
Ung thư đại trực tràng thường có những triệu chứng cảnh báo như: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng Cường cho biết hầu hết bệnh nhân khi có những triệu chứng này thì bệnh đã muộn, diễn tiến vào giai đoạn nặng. Như vậy, để phát hiện ung thư đại trực tràng thì cách hiệu quả nhất là tầm soát căn bệnh này khi chưa có những dấu hiệu. Vậy những ai cần tầm soát? Đó là những người trên 50 tuổi, những người tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao (nhóm nguy cơ trung bình). Những người có tiền căn bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng, mặc dù được điều trị nhưng vẫn có khả năng phát triển pôlyp thứ hai, người có một người thân trực hệ bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng trước 60 tuổi hoặc có hai người thân trở lên bị mắc bệnh (nhóm nguy cơ cao).
Các phương pháp tầm soát
Bác sĩ Hùng Cường khuyến cáo những người rơi vào nhóm nguy cơ trung bình nên thực hiện các phương pháp tầm soát: tìm máu trong phân một năm/lần, soi đại tràng sigma năm năm/lần hoặc soi toàn bộ đại tràng 10 năm/lần. Trong đó, soi toàn bộ đại tràng là phương pháp tầm soát tốt nhất, có thể khảo sát hết toàn bộ đại tràng. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tầm soát bằng phương pháp soi toàn bộ đại tràng, bắt đầu tầm soát sớm hơn, thời gian tầm soát gần nhau hơn.
Căn cứ tình hình sức khỏe, độ tuổi, các dấu hiệu, mức độ nguy cơ, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp tầm soát phù hợp. Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng được áp dụng hiện nay có ưu và nhược điểm riêng. Cụ thể:
- Tìm máu trong phân: đây là phương pháp tiện lợi khi mẫu xét nghiệm được lấy tại nhà, nhưng chỉ có 2-5% các trường hợp có máu trong phân thật sự là bị ung thư đại trực tràng. Như vậy, khi tìm ra máu ở trong phân bệnh nhân sẽ rất lo lắng và phải làm bước tiếp theo là soi đại tràng.
- Soi đại tràng sigma sẽ phát hiện được khoảng 50% trường hợp ung thư đại trực tràng, phương pháp này không cần chuẩn bị kỹ, không cần tiền mê. Tuy nhiên, phương pháp này không khảo sát hết được toàn bộ khung đại tràng, có nguy cơ thủng ruột 2/10.000 trường hợp.
- Soi đại tràng: Đây là phương pháp tối ưu nhất hiện nay. Phương pháp này khảo sát được toàn bộ khung đại tràng, đánh giá được toàn bộ các nguy cơ nhưng vẫn có những hạn chế như: phải chuẩn bị ruột kỹ trước khi soi, thường phải tiền mê. Các biến chứng thường gặp là chảy máu phải nhập viện điều trị tỉ lệ 1/500 trường hợp, thủng ruột tỉ lệ 1/750 trường hợp và tử vong 1/8.000 trường hợp.
Ngoài những phương pháp trên còn có chụp CT bụng (soi đại tràng ảo) quay video ống tiêu hóa (bệnh nhân sẽ được nuốt viên thuốc có chức năng như một camera)... nhưng những phương pháp này chưa được chính thức xác nhận giá trị.

PHÁT HIỆN SỚM UNG THƯ ĐẠI TRÀNG

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Hùng Cường - trưởng đơn vị nội soi siêu âm của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - khi đến khám có đến 20% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, đã di căn không thể chữa trị. Số bệnh nhân còn lại bệnh đã phát triển, có thể mổ cắt đoạn ruột bị bệnh nhưng 40% trong số đó bị tái phát. Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là yếu tố tiên quyết để chữa khỏi căn bệnh này.
Có thể phòng ngừa, chữa trị được
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng là: béo phì, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, đường, rượu, thuốc lá, ăn ít chất xơ, lười vận động. Như vậy để phòng ngừa lâu dài ung thư đại trực tràng, cần xây dựng lối sống lành mạnh, năng tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước. Lối sống lành mạnh cần thực hiện trong nhiều năm mới có khả năng phòng được bệnh này. Mặt khác, 80% bệnh ung thư đại trực tràng có diễn tiến từ các pôlyp (các u lành tính), sau một thời gian 8-10 năm dưới tác động của nhiều yếu tố, các pôlyp trong trực tràng phát triển thành ung thư. Như vậy, phát hiện sớm các pôlyp để cắt sẽ loại bỏ được mầm mống ung thư. Bên cạnh đó, bệnh này cũng ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, tuổi tác (trên 50 tuổi).
Ung thư đại trực tràng thường có những triệu chứng cảnh báo như: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng Cường cho biết hầu hết bệnh nhân khi có những triệu chứng này thì bệnh đã muộn, diễn tiến vào giai đoạn nặng. Như vậy, để phát hiện ung thư đại trực tràng thì cách hiệu quả nhất là tầm soát căn bệnh này khi chưa có những dấu hiệu. Vậy những ai cần tầm soát? Đó là những người trên 50 tuổi, những người tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao (nhóm nguy cơ trung bình). Những người có tiền căn bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng, mặc dù được điều trị nhưng vẫn có khả năng phát triển pôlyp thứ hai, người có một người thân trực hệ bị pôlyp hoặc ung thư đại trực tràng trước 60 tuổi hoặc có hai người thân trở lên bị mắc bệnh (nhóm nguy cơ cao).
Các phương pháp tầm soát
Bác sĩ Hùng Cường khuyến cáo những người rơi vào nhóm nguy cơ trung bình nên thực hiện các phương pháp tầm soát: tìm máu trong phân một năm/lần, soi đại tràng sigma năm năm/lần hoặc soi toàn bộ đại tràng 10 năm/lần. Trong đó, soi toàn bộ đại tràng là phương pháp tầm soát tốt nhất, có thể khảo sát hết toàn bộ đại tràng. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tầm soát bằng phương pháp soi toàn bộ đại tràng, bắt đầu tầm soát sớm hơn, thời gian tầm soát gần nhau hơn.
Căn cứ tình hình sức khỏe, độ tuổi, các dấu hiệu, mức độ nguy cơ, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp tầm soát phù hợp. Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng được áp dụng hiện nay có ưu và nhược điểm riêng. Cụ thể:
- Tìm máu trong phân: đây là phương pháp tiện lợi khi mẫu xét nghiệm được lấy tại nhà, nhưng chỉ có 2-5% các trường hợp có máu trong phân thật sự là bị ung thư đại trực tràng. Như vậy, khi tìm ra máu ở trong phân bệnh nhân sẽ rất lo lắng và phải làm bước tiếp theo là soi đại tràng.
- Soi đại tràng sigma sẽ phát hiện được khoảng 50% trường hợp ung thư đại trực tràng, phương pháp này không cần chuẩn bị kỹ, không cần tiền mê. Tuy nhiên, phương pháp này không khảo sát hết được toàn bộ khung đại tràng, có nguy cơ thủng ruột 2/10.000 trường hợp.
- Soi đại tràng: Đây là phương pháp tối ưu nhất hiện nay. Phương pháp này khảo sát được toàn bộ khung đại tràng, đánh giá được toàn bộ các nguy cơ nhưng vẫn có những hạn chế như: phải chuẩn bị ruột kỹ trước khi soi, thường phải tiền mê. Các biến chứng thường gặp là chảy máu phải nhập viện điều trị tỉ lệ 1/500 trường hợp, thủng ruột tỉ lệ 1/750 trường hợp và tử vong 1/8.000 trường hợp.
Ngoài những phương pháp trên còn có chụp CT bụng (soi đại tràng ảo) quay video ống tiêu hóa (bệnh nhân sẽ được nuốt viên thuốc có chức năng như một camera)... nhưng những phương pháp này chưa được chính thức xác nhận giá trị.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Hà Nội mùa Thu - Hà Nội nhớ...

Hà Nội mùa Thu - Hà Nội nhớ...

Về Hà Nội mà nhặt lá vàng rơi trên con phố xưa, về ngắm những bóng giai nhân một thời trong tà áo màu thiên thanh dịu dàng trinh bạch. Về cùng tôi ngơ ngẩn bên hàng cây Lộc vừng mùa gió thắm, Hà Nội hồ gươm lao xao tiếng mưa thu, lao xao những kỷ niệm nồng nàn xưa cũ...
Hà Nội mùa Thu.
Tôi nhớ tiếng dương cầm nơi ô cửa sổ nhà ai đó, tôi nhớ những chiều ngơ ngẩn bên thảm cỏ quảng trường nhìn những cánh hoa rơi rơi đầy trên chiếc xe đạp cũ. Tôi nhớ những tháng ngày còn là cô sinh viên vô tư hồn nhiên chưa biết khóc vì những nỗi đau tình cờ.
Cố nhân xưa giờ đã nhạt bóng phương trời, nhạt lạnh môi cười. Những con đường vẫn tấp nập người đi mà lòng lại chênh chao hơn cả ngày bão tố. Mùa Thu! Ai góp nhặt cho khung trời một nỗi nhớ. Cái dịu dàng nồng đượm chất thơ, cái dịu dàng làm tôi không chịu nổi của mùa Thu...
Khi đi xa lòng vẫn hướng về Hà Nội, hướng về mùa Thu và những con đường có mùi hương hoa sữa nôn nao. Ai về Hà Nội nếm vị cốm làng Vòng dẻo dai đầy quyến nhớ, ai về Hà Nội lạc chân vào vườn hoa Ngọc Hà mà xôn xao bởi màu vàng của loài hoa chỉ hướng về mặt trời. Ai về Hà Nội cùng tôi đạp xe một vòng quanh Hồ Tây lộng gió, ngơ ngẩn ngắm lá vàng rơi...
Sáng mùa Thu. Có chút heo may se lạnh. Bờ vai gầy run nỗi nhớ lang thang. Bên góc quán nhỏ tôi ngồi nghe một bản nhạc tiếng Nga rất say nồng. Ly cafe tỏa màu khói. Chút đăng đắng ở bên ngoài, ngòn ngọt tận bên trong. Cái dư vị nhớ một thời không quên nổi.
Hà Nội mùa Thu...
Kỷ niệm cứ vắt vẻo trên từng vòm lá, trên từng phiến màu nâu trầm ô cửa. Những khuôn mặt người đi qua nhau, có chàng trai nào đó mang nụ cười an nhiên kỳ lạ, có cô gái nào đó mang đôi mắt trong veo nhìn thấy đáy. Vẫn còn đây những dư âm cổ kính trong tâm hồn, vẫn còn đây cái hồn thơ một đời tôi gìn giữ. Trong veo, trong veo như hơi Thu...
Thu dịu dàng, nồng nàn như tình yêu. Những rực rỡ yêu kiều của thuở hiến dâng cho trời đất màu vàng hoa nắng. Đi trong chiều Hà Nội, nghe lòng mình xôn xao những tháng năm nào xa lắm, có lẽ là từ khi tóc còn cài một nhánh linh lan... 
Ai góp gió cho ngày hiu quạnh nhớ. Những sự gắn kết nào mong manh thì sẽ dễ dàng đứt vỡ. Những nỗi nhớ là mong manh thì sẽ dễ dàng phai lửa. Còn ta, ta nhớ đến nao lòng. 

Về cùng tôi chạm tay vào chiều Thu Hà Nội, lang thang trên con đường Hoàng Diệu, nghe giọt mưa về trên lá cây. Cầm chiếc ô tròn xoe đi dạo phố, có một cô nhỏ học trò thường hay lang thang qua đó, nụ cười tinh nghịch như trăng sao. Hàng cây mùa này gió hát lao xao, những thanh âm như múa trên cây vĩ cầm thu. Điều diệu kỳ của tâm hồn là thơ, là nhạc, là những xúc cảm không tên. 
Yêu mùa Thu như yêu hình ảnh thiếu nữ Hà Nội xưa. Nét người còn tinh khôi lắm. Tà áo dài màu trắng đi trong nắng thu vàng làm xôn xao lòng thi nhân. Tôi đi trong lòng Hà Nội, tìm một mùi hương còn phảng phất đâu đây. Những năm dài tuổi trẻ khát khao và mơ ước. Những kỷ niệm đã đong đầy trong từng ngăn tim. Rặng liễu mềm phủ xuống bờ vai em ngà ngọc. Tôi nghe lòng mình rưng rưng một tình yêu cho nét đẹp phố phường...
Bạn, em và ai đó. Mùa Thu này về Hà Nội cùng tôi. Mùa Thu đã chín đỏ những yêu đương đơm nụ rồi kết trái vàng ươm. Sóng đã vỗ mặt hồ, đàn sâm cầm đã bay về đậu an yên trên nền nước xanh. Có đôi ba gánh hàng rong bán cốm đầu mùa. Có đôi ba người mang túi ra bờ hồ lượm sấu chín vàng rơi. Có đôi ba người yêu nhau nhìn nhau say đắm hồn người...
Những chiếc lá rơi để mai ngày tái sinh trên từng vòm xanh thắm. Một nỗi nhớ trao đi để mai này còn lại mãi trong nhau. Một tình yêu đi xa để hằn in từng kỷ niệm trắng trong vào đời nhau mãi mãi. Cho tôi nắm tay bạn dắt vào Thu.
Bởi vì mùa Thu tôi ở lại.

Khẽ chạm bước mùa Thu

Có những ngày nghe hơi lạnh rùng mình trên da thịt thoáng sần lên một chút gai ốc - "đổi trời ". Nửa đêm choàng thức dậy nghe mưa rơi lác đác trên mái ngói, gió thổi từng đợt nhỏ xao xác ngoài hàng hiên rồi lá hổn hển rơi rụng đầy hè phố. Xác lá chợt vàng lên trong những khoảng tối chập choạng, run rẩy hoài một thứ ánh sáng của lân tinh. Trong bóng tối đầy liêu trai lá ngả màu huyền hoặc, nghe thẹn thùng bước chân ai khẽ khàng trên những cọng lá khô. Trong tiếng gió ru, biết là mùa Thu đã về...
Tưởng chừng như từ đây mưa Thu sẽ ray rức không ngừng trên mái ngói, bỗng nhiên cơn nóng ở đâu về bất chợt như một nỗi nhớ nhung mùa Hè, nồng nàn hâm hấp những giọt mồ hôi thấm bết tóc ai! Ngỡ ngàng, lưỡng lự là những ngày đầu Thu của Huế, như một nỗi bấp bênh. Đang mưa bỗng nắng, đang buồn bỗng vui! Có chắc chắn chi một cơn gió heo may, để cứ đinh ninh mùa thu mãi hoài chìm trong màu tím. Có bền bỉ chi những cơn mưa đuổi nhau trên đầu sóng, để cứ mãi tin từ đây bốn bề hiu hắt lòng rộng không che!
       
Không biết từ bao giờ con người ta đã quy ước với nhau rằng sắc vàng là dành riêng cho mùa Thu. Mùa Thu là mùa lá vàng rơi nên màu vàng của lá đã trở thành màu của mùa Thu chăng?
Chỉ với hình ảnh những chiếc lá me vàng bay nhẹ trong gió để rải một thảm vàng trên từng con phố nhỏ cũng đã thấy mình đang ở giữa mùa Thu, đang chìm ngập trong sắc Thu. Cả thành phố như chìm trong màu vàng hoang đường. Có cảm giác màu vàng ấy thấm vào từng centimet không gian trên phố, đến những sắc rêu xanh non lơ thơ trên những bức tường thành cổ cũng vàng rười rượi. Cứ hình dung những hàng cây trên phố sau một đêm thức dậy bỗng tuyền một màu vàng, đã thấy lòng nao nao như thể là đang nhớ hoài màu áo của ai. Như thể sắc vàng ấy là cả một khung trời kỷ niệm, như những ngọn lửa nhỏ ấp iu không bao giờ chịu tắt trong lòng...
Mùa Thu. Khi con người ta khôn lớn, bỗng thấy cuộc đời này là một thảm cỏ non tơ tưởng như mình sinh ra là để hưởng thụ nó. Nhìn những chiếc lá vàng rơi tôi cảm giác tất cả đang bắt đầu với những xúc cảm mãnh liệt nhất trước cuộc sống. Một sự bắt đầu chăng? Tôi tự hỏi chính mình nếu như một ngày kia mình chính là chiếc lá, thì đến bao giờ mới về tận cội...?
 
... Rằng từ trong quỹ đạo rơi của từng chiếc lá có một niềm hoan hỉ của sự sinh thành. Bốn mùa gió dại tự do thổi qua ngàn cây lá, gió thổi miệt mài như một người làm việc cần mẫn nhặt từng chiếc lá rơi để nuối tiếc từng ngày đã qua. Gần như một chiếc lá sinh ra thường sống đến hai lần cuộc đời: Một lần khi lá ở trên cây hân hoan cùng mưa nắng, màu xanh non nõn dường như một chiếc áo dài. Và một lần sống nữa khi lá đã lìa cành, tự buông mình xuống thảm cỏ nhẹ như một hơi thở nồng nàn hương cỏ may. Màu lá lúc này đã thôi xanh, những đường gân vàng vọt chợt xòe ra như một bàn tay người đã chịu đựng bao gió bụi phong trần. Lá mất đi để bảo tồn cho cây dòng nhựa sống và rơi như một sứ mệnh đã hoàn thành. Nhưng, có lẽ điều cốt yếu là lá đã tự lìa cành để cho cây một mùa lá khác. Một sự tri túc mà chỉ có bà mẹ thiên nhiên giàu lòng vị tha mới có thể lý giải được.
Bao mùa Thu đã đi qua trên thành phố có ngàn nỗi nhớ này? Với tôi, đó là một câu hỏi chát chao nhất khi nghĩ về thời gian và sự tuần hoàn của cuộc sống. Mùa này thành phố vừa nắng lại vừa mưa. Nắng cũng chỉ thi thoảng ghé thăm rồi nhường không gian cho mây và gió. Buổi giao mùa cứ thế giăng mắc những mảng trời vô định, vần vũ những đám mây lang thang như một thứ thiên la địa võng bao phủ lấy tâm hồn, nhấn chìm con tim xuống một vùng vực thẳm mơ hồ nào đó mất hút nẻo đi về. Và lũ giác quan như những kẻ mù, sờ soạng trong không gian vô bờ của gió, của nắng, của mưa, của mây... Bỗng trở thành nhạy cảm đến mức tinh vi trong sự lắng nghe âm vang của tiếng mùa nơi từng rung động của lá, nơi từng giọt mưa thu ngã nhẹ vào nhau xếp thành nỗi nhớ, tí tách, xào xạc... nơi từng bước chuyển trong muôn ngàn nẻo vô thường của tiết trời đầu thu. Và cứ thế những ngày qua đi, không vội mà như có tiếng giục giã của thời gian đang nhuốm lần sắc nhớ...

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Ba hương vị khó quên trong 'Ký ức vụn'

Ba hương vị khó quên trong 'Ký ức vụn'

The cay, ngọt đắng hay mằn mặn là những 'gia vị cảm xúc' mà Nguyễn Quang Lập đưa vào trang viết.
Tên sách: Ký ức vụn
Tác giả: Nguyễn Quang Lập
NXB Văn học và công ty sách Phương Nam ấn hành
Nối tiếp thành công của Ký ức vụn tập một, Nguyễn Quang Lập tiếp tục "khuấy đảo giang hồ" với cuốn sách thứ hai cùng tên. Đây vẫn là tập hợp những entry mới từ trang blog riêng của ông, vốn được nhiều người đón đọc, vẫn là món khẩu văn rặt giọng “bọ” tưng tửng ngày nào mà ai trót vào xem thì khó dứt ra. Trang văn của bọ Lập khiến độc giả thấy hứng thú có lẽ là nhờ sự kết hợp của ba loại hương vị vừa quen, vừa lạ, vừa độc tạo nên món “đặc sản” khẩu văn.
Bìa sách "Ký ức vụn".
Bìa sách "Ký ức vụn".
Hương vị thứ nhất: châm biếm the cay. The cay thôi, chứ chẳng phải là cay nồng độc địa. Óc quan sát, khả năng tung hứng ngôn ngữ của ông khiến độc giả phải thán phục. Chỉ bằng một vài câu nhẹ tênh, viết mà như nói (cho nên mới gọi là khẩu văn), nhân vật của ông xông xênh hiện ra, sống động và chân thực.
Hãy xem bọ Lập tả chân dung một ông sếp tổng công ty Nhà nước mù công nghệ nhưng cứ thích tỏ vẻ ta đây sành điệu bờ lốc bờ leo như ai. “Nghe chúng nó bảo mày có cái blog hay lắm à, gửi cho anh đọc đi. Mình nói anh vào Guk gồ gõ...là ra ngay thôi. Anh nói Guk gồ guk gheo làm gì cho phức tạp, dạo này anh bận lắm. Mày chịu khó ra bưu điện gửi cho anh.” (Chuyện mạng méo thời nay).
Hay một chị gái quê nhờ bán than mà lột xác thành quý bà sang trọng, mấy chục năm sau gặp lại: “Chị cười to, nói thằng ni khinh chị rứa bay. Tau bây chừ quan hệ tuyền ông to bà nậy, phải đổi giọng bọ ra giọng Bắc cho nó sang, thỉnh thoảng nhả ra mấy tiếng Ing Liền cho người ta nể”.
Chân dung anh cu Đom đểu giả bạc tình chỉ tả câu này là ra hết: “Anh Đom nói chui vô hang Dơi chớ mô, ăn hết đồ ăn mang theo thì về chớ răng. Anh khoa chân múa tay, nói chưa khi mô tau được ăn no như rứa, cơm no bò cưỡi ngày sáu phát sướng cực. Anh lại ngửa cổ cười he he.”
Những gương mặt, câu chuyện ấy ta vẫn gặp hàng ngày. Nhưng hình như trong ký ức của ta chẳng được sống động đến thế, mà bảo ta kể lại, ta cũng chịu thua, không cách nào kể lại ra được cái vị đậm đà, the cay như bọ kể.
Hương vị thứ hai là: rưng rưng ngọt đắng. Chuyện bọ Lập không chỉ có châm biếm mà còn có thấm đẫm nghĩa tình, nghĩa tình thật sâu. Hình ảnh con bé cố hết hơi ù mọi để lấy được phần thưởng cái bánh Trung thu về cho em, đang sung sướng ôm cái bánh chạy về nhà thì trên đường Mỹ thả bom, sợ quá em đứng tim mà chết, khi chết vẫn ôm khư khư cái bánh Trung thu trước bụng (Con ù mọi) khiến ta ám ảnh mãi.
Hình ảnh người cha (Nhớ ba), người thầy (Thầy trò một thuở), quê hương Ba Đồn (Nhớ cái đình làng, Nhớ đồng)… đầy ắp nỗi niềm da diết. Vị rưng rưng vừa ngọt ngào vừa đắng lòng sau những câu chuyện tếu táo, bông lơn càng khiến độc giả không thể nào bỏ được văn bọ.
Và cuối cùng, đã là khẩu văn Nguyễn Quang Lập thì không thể thiếu vị mằn mặn phồn thực mà một số người vẫn nhăn mặt chê là “tục”. Thật ra văn bọ “tục mà không tục”. Cái tục trong sáng, khỏe khoắn, gần gũi, nhiều lúc thật hồn nhiên. Thiếu đi hương vị mằm mặn phồn thực ấy, có lẽ Ký ức vụn không ra được dáng hình, hồn cốt của nó, có lẽ chiếu văn của ông đã bớt đậm đà và độc giả đã kém thích thú đi.
Thật may là món khẩu văn của bọ Lập trong Ký ức vụn đủ cả ba hương vị ấy vẫn đậm đà duyên dáng. Nếu đọc kỹ một chút, bạn còn có thể phát hiện thêm nhiều hương vị khác, sau mỗi dáng hình, câu chuyện, lời văn.
"Ký ức vụn" phần hai gồm bốn phần: Phần một - Những người bạn khó quên với những ký ức khó quên như: Con bò của thằng Thọt, Thằng cu Bợp, Đèn ông sao… Phần hai gồm những buồn vui một thuở gom nhặt từ bộn bề cuộc sống: Có bệnh thì vái tứ phương, Cái mặc thời bao cấp và mối tình nửa nắng, Chuyện mạng méo thời nay, Hão! Hão… Phần ba viết về những người tác giả từng gặp với những chân dung biếm họa, như:: Anh Hờ Hờ, anh Cu Bịp, Mụ Cà… Phần bốn là khoảnh khắc thương nhớ, là dư âm da diết của: Nhớ đồng, yêu cái đình làng, Nhớ ba, Nhớ những người thầy, Vẩn vơ phố cổ…
Hoài Thương

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Mùa lúa đắng

23/06/2013 09:32 (GMT + 7)
 
TT - Một vụ lúa trúng mùa lẽ ra phải thơm và ngọt chứ sao lại đắng? Chính những cơn mưa trái khoáy khiến lúa lên mộng, cộng với thương lái quay lưng đã khiến hạt lúa trở nên đắng ngắt với người nông dân. Không ít người đã than thở: “Với tình hình giá lúa thấp như thế này, làm một hai vụ nữa chắc bán đất!”.
Hiện nay, nông dân ở hai huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và Thới Lai (TP Cần Thơ) đang điêu đứng vì giá lúa xuống thấp. Lúa trúng mùa hơn mọi năm (năng suất đạt 6-7 tấn/ha, lúa tươi) nhưng việc bán lúa gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 95% nông dân nhận tiền cọc bán lúa tươi tại ruộng cho các thương lái với giá 3.800-4.200 đồng/kg (lúa thường).

Đến ngày thu hoạch, lúa bị đổ rạp do mưa kéo dài cả tuần vừa qua khiến nhiều người phải thuê nhân công cắt bằng tay với giá 500.000-700.000 đồng/công (1.000m2).
Cánh đồng lúa lớn nhất nhì khu vực ấp Thạnh Thới, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng là của ông Huỳnh Văn Bùi (81 tuổi). Ông cho biết: “Công sức bỏ ra ba tháng nay coi như mất trắng, từ huề vốn đến lỗ chứ không có đường lời. Vụ lúa nào tôi cũng hi vọng khá hơn, nhưng khá không nổi”.
Cám cảnh không kém hộ của ông Bùi là cánh đồng lúa của ông Nguyễn Quang Vinh (ấp Thạnh Thới), với 6ha lúa đến ngày thu hoạch nhưng đổ rạp hết do những ngày mưa vừa qua. Ông Vinh than thở: “Mấy ngày nay trời mưa liên tục nên không gặt được lúa, nhiều chỗ lúa ngã sớm đã mọc hết mầm xanh. Tìm nhân công gặt tay nhưng không có, đành đứng nhìn những hạt lúa lên mộng mà đau lòng”. Ông Vinh cho biết thêm nào là tiền thuê đất, tiền vật tư nông nghiệp, lãi vay ngân hàng... nhưng với tình hình giá lúa thấp như thế này, làm một hai vụ nữa chắc bán đất!”.

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Thì trong lúc tình còn ấm, xin giữ chặt tay nhau

Tay trong tay là tình còn ấm
Tay buông tay rồi tình lạnh thiên thu


Người ta thường khó mà học được cách nói lời tạm biệt với tình yêu, khó mà chấp nhận để tình yêu trở thành kỷ niệm, và người đã yêu trở thành dĩ vãng. Hay nói đúng hơn là không đành lòng.

Làm sao mà hai người đã từng nhớ nhung, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau, một sớm mai kia bỗng dưng buông tay và nhìn nhau như người lạ trên phố? Làm sao mà bỏ lại sau lưng bao nỗi ngậm ngùi, những tháng ngày chung đôi, làm sao mà dễ dàng quên đi một ánh mắt khiến lòng mình reo vui, nụ cười khiến tim mình loạn nhịp, và bóng hình bấy lâu vẫn thân thiết gắn bó?

Ngay cả khi người ta biết bóng hình đó đã không còn thuộc về mình nữa. Ngay cả khi từ trong sâu thẳm trái tim, người ta biết rất rõ cái mình đang níu giữ là cái không có thực, nó chỉ là cái bóng của tình yêu đã từng có, là chút hương thơm đọng lại của đóa hoa đã phai tàn mà thôi …

Tôi vẫn nghĩ người ta yêu, rồi chia tay nhau hẳn là buồn lắm. Buồn đến nỗi ra phố cũng nhớ dáng người kia bước đi thế nào, uống một ly cafe cũng nhớ cách người ấy vẫn cầm chiếc cốc ra sao, ngước lên trời thấy mây trắng bay cũng nhớ màu áo cũ, đưa mắt nhìn xuống tay cũng thấy trống vắng những ngón đan cài.

Lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu, thì khi hết yêu cũng buồn đến bấy nhiêu. Cũng bởi vì Tình yêu đẹp quá. Nào ai muốn để cho những điều đẹp đẽ trở thành hoài niệm bao giờ. Lại càng chẳng ai muốn mất tình. Cho dẫu người tình đã đi xa cả một đoạn đường dài không sao chạm vào nhau được nữa. Chỉ còn lại đây, một trời lá bay chia lìa, một hạnh phúc tưởng chừng đến tay rồi chợt vỡ, một tình yêu vẹn tròn rồi chia xa, và những hẹn hò từ từ khép lại…

Thực ra, điều đáng buồn và tiếc nhất, đôi khi không phải Người yêu, mà chính là Tình yêu. Ta có thể yêu rồi không yêu ai đó nữa. Một người yêu có thể là người quan trọng nhất, và rồi ngày nào đó, là người bạn cũng không. Nhưng Tình yêu thì còn lại. Nó có thể ngủ yên vĩnh viễn, mà cũng có thể tỉnh thức một lúc nào đó. Tình yêu mãi mãi vẫn là Tình yêu đó, là Tình yêu mà ta đã tha thiết, say đắm, và cả đớn đau. Không thể nói là không gì cả cho một Tình yêu, dù đã xa xôi và mờ ảo vô cùng đi nữa. Chính vì thế mà người ta dẫu không còn yêu nhưng vẫn cứ giữ mãi một lòng nhớ nhung. Giữ mãi một Tình yêu đã không còn có thực.

Đâu đó trong cuộc đời, người ta vẫn gặp nhau, yêu nhau, chia tay nhau, lãng quên và nhung nhớ. Để trải dài suốt là dư âm của sự lỡ làng. Ta có thể đợi nhau, nhưng cuộc đời không đợi ta. Vì thế mà đã có rất nhiều Tình yêu đẹp trong cuộc đời, nhưng chẳng biết có bao nhiêu trong số đó, đi trọn vẹn được đến cuối đường.

Thì trong lúc tình còn ấm, xin giữ chặt tay nhau …
__________________