Còn có quê để trở về
Tôi không biết khi bà và mẹ mất thì Bắc Giang có còn điều gì khiến tôi mỗi năm lặn lội hơn hai ngàn cây số để trở về không? “Tết này có về quê không?” đã sáu lần cậu tôi hỏi như vậy, mỗi năm một lần vào độ cuối tháng Chạp, lần nào tôi cũng thoái thác bận cái này, bận cái kia… Năm lần trước cậu im lặng một lúc rồi mới nói: “Ừ, thì thôi vậy, chờ đến tết năm sau sắp xếp mà về con ạ…”, lần thứ sáu thì cậu nghiêm giọng: “Mày còn có quê không hở con?...”. Tôi ghẹn đắng, không nói được gì. Cậu cúp máy, tôi vẫn nghe vọng lại tiếng thở dài như những cơn mưa dầm ngày đông tháng giá.
Quê tôi, nơi đẹp đẽ mà xót xa của cả cuộc đời tôi. Tiếng còi tàu phân ly của gia đình tôi trên bến tàu hỏa Nam Bắc mãi mãi ghim vào trái tim tôi những hoảng hốt về sự tan vỡ. Chuyến tàu để cha tôi ở lại phương Nam và đưa bốn mẹ con tôi về phương Bắc xa xôi. Đôi chân trần nứt nẻ mùa Đông chạy nhảy khắp cánh đồng mót lạc, mót khoai mang về độn cơm mà phần cơm trắng chúng tôi ăn, phần khoai độn mẹ dành phần. Cái chăn bông mẹ kết bằng thứ vải vụn thợ may vứt bỏ rực rỡ sắc hoa của bốn mùa còn ấm đến tận bây giờ. Mẹ tôi lạ lắm, không giống bất kì người đàn bà nào mà tôi đã gặp. Càng khổ mẹ càng trở nên quật cường. Ngay cả bị ốm nặng, mẹ cũng không chịu nằm. Mẹ cứ dắt chúng tôi vươn lên từ trăm ngàn khổ ải… cứ vươn lên mãi cho đến khi nào chúng tôi có thể tự đứng vững trong cuộc đời. Ba chị em tôi cứng cỏi hơn cái tuổi của mình, giàu có sức sống hơn bất kì đứa trẻ cùng trang lứa nào trong làng. Mẹ đã dạy chúng tôi bằng một tình yêu kì lạ. Tình yêu ấy không cho phép chị em tôi gục ngã, yếu mềm…
Mẹ tôi nằm thảnh thơi trên đồng Đống Mối, khép lại những khổ đau chất chồng của một kiếp người chưa bao giờ chạm đến hạnh phúc. Cho đến tận ngày khép mắt, mẹ cũng mỉm cười, đặt vào tay tôi tất cả hy vọng. Dạo ấy gần tết, cánh đồng tháng Chạp thơm mùi lúa chín, thơm sữa ngô đang kì tròn hạt, tôi nghe như có cả mùi tóc mẹ ướp hương hoa bưởi… Mẹ tôi đi thật đẹp, vượt ra ngoài mọi sự bi lụy của âm dương cách biệt.
Mấy năm sau bà tôi cũng mất. Bánh khúc cũng theo bà nằm lại trong miền kí ức. Rải rác rau khúc mọc men theo ruộng ngô, luống lạc… Rau khúc muộn phiền bạc phấn tháng năm, già cỗi không ai hái. Bà tôi là người duy nhất của cái làng Dục Quang nhỏ bé ấy làm bánh khúc theo lối cổ truyền. Bánh bà làm nồng mùi hoa khúc, sậm màu lá khúc, dẻo thơm nếp cái hoa vàng và đậu xanh đãi vỏ. Tết, chẳng cần kẹo lạc, chè lam, chị em tôi chỉ cần đôi bánh khúc nụ cười đã tươi như hội ở ngoài đình làng.
Tôi thành kẻ tha hương… Cố quên mình còn có quê để trở về, làm một kẻ phụ rẫy tình quê, cố vùng vẫy trong tình thân mà tôi ngỡ ngày càng ít đi… Mỗi lần về quê là mỗi lần lạ… Những bà, những bác tôi quen biết lần lượt ra đồng Đống Mối. Những anh, những chị, những bạn rời làng đi những đâu đâu làm ăn sinh sống. Đường làng vắng rạ rơm, vườn vắng bưởi, khế, ổi. Cánh đồng phai hương lúa ngô… Ở giữa quê tôi như khách trọ, lắng nghe tiếng chuông chùa vang mới biết mình đang ở quê, thấy vết lõm nơi gốc gạo cổ thụ mới nhớ mẹ từng dựa nơi ấy mỗi khi nghỉ giữa buổi làm đồng ngó về phương Nam xa lắm, đợi cha tôi trở về… Tôi hoang mang với sự xa lạ của mình và đổ vấy cho là tại quê tôi đã khác lạ. Những thứ khiến mình lạ lẫm thì về làm gì…
Nhiều lần tôi ngồi bên bến đò nhìn những chuyến đò qua lại. Tôi thích nhìn sâu vào gương mặt của những người cất bước ra đi, cố hiểu xem họ có lưu luyến gì cái nơi họ để lại phía sau lưng. Sông Cái Đôi không giống bất kì con sông nào trên thế gian này, cũng như trăm ngàn con sông khác chẳng thể trùng nhau dòng nước ấy, dù chúng có thể hòa vào nhau… Con sông Cái Đôi bao lần chở tiếng cười tôi xa vắng, bao lần mang hương khói về tận con sông Thương trong nhung nhớ của tôi.
Cậu tôi bảo gốc gạo đầu làng đã bị triệt hạ, làng cần mở rộng con đường trải nhựa đến tận các ngõ, hàng xoan theo lối quanh co ngõ nhà bà cũng bị đốn nhưng không vì thế mà người đi xa quên đường về được. Mỗi người đều có một con đường chạy thẳng từ kí ức…
Tôi đọc “Cuốn theo chiều gió” năm lên 14 tuổi. Chẳng điều gì khiến tôi ấn tượng, kể cả tình yêu và các cuộc chinh chiến, những hy sinh, chịu đựng và lo toan. Điều tôi nhớ nhất lại là hình ảnh Scarlett ngẩng cao đầu với nắm đất của ấp Tara trong bàn tay bé nhỏ. Tôi thiếu nắm đất ấy trong tay, nắm đất của làng Dục Quang… Tôi hiểu rồi, không phải quê hương lạ lẫm với mình chỉ có lòng mình xa lạ với quê hương….
“Biết còn có quê để mà về thì chưa mất quê hương đâu con ạ…”, thoang thoảng trong hương trầm giữa lưng chừng đêm tiếng nói mẹ tôi hiền dịu thầm thì… Gió trở chướng, hình như sắp tết, vẫn kịp xuôi chuyến tàu về quê…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét