Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013


Vàng phai ngõ phố

Gió luôn hát những bản tình ca ngày ta về ngang phố nhỏ. Góc quán quen thuộc đìu hiu và lòng người xa quê chắc là nhớ phố lắm!

Ngọc Thư
Thành phố nhỏ không có mùa thu. Hay nói đúng hơn, mùa thu ở đây là những dấu hiệu nhàn nhạt, không rõ hình. Sớm mai, những chiếc lá cuối cùng của mùa rơi vàng ngõ phố. Tiếng còi tàu đi qua thành phố vào lúc sáng sớm đã bao lần làm tôi nhớ da diết mỗi độ ra sân ga. Nắng và gió vàng ươm như những lời ước hẹn. Ngày ấy, tôi xa thành phố nhỏ này vào một mùa thu để đón một mùa tựu trường ở một thành phố khác, rộng lớn hơn, náo nhiệt hơn, lộng lẫy hơn... Nhưng những gì khi đã trở thành thân thuộc thì không dễ gì quên được, như thành phố nhỏ, như biển, như chiếc bóng của cha đổ xuống đường tàu và như anh.
Ai đó từng nói: "Vì kỷ niệm là rất ít nên sẽ nhớ thật nhiều". Những đêm thức trắng mở cửa sổ phòng trọ, từ trên cao đưa mắt nhìn ngọn đèn vàng hiu hắt, chợt nhận ra phố đẹp nhất là lúc phố tĩnh lặng. Bản "Xô-nát Ánh trăng" từ căn gác nhà bên vọng lại, nghe đồng cảm, du dương. Đôi lúc, trong cuộc đời, một bản nhạc có thể kéo bạn về cả một vùng ký ức. Về những ngày cùng bạn rong ruổi trên một chiếc xe đạp xoàng xĩnh mà đi khắp các ngõ phố, thời ấy chưa có những chiếc xe đạp đẹp và hiện đại như bây giờ.
Kỷ niệm hằng phai theo từng dấu chân, hoa cỏ may ngoại thành bây giờ cũng không còn nhiều như trước, còn chăng là những vạt hoa nhỏ li ti trong một chiều đạp xe qua phố. Chợt thấy lòng tiếc nuối vẩn vơ. Phố nhỏ vàng phai trong nắng chiều hun hút. Nhớ một người từng tặng mình lọ thủy tinh nhỏ long lanh, bên trong là một mảnh giấy màu tím biếc, người bảo để ghi điều ước và thả xuống biển thì điều ước sẽ trở thành sự thật. Ta ngu ngơ làm theo nhưng điều ước đã không trở thành sự thật và mãi mãi, người cũng không biết được điều ước ta đã viết trong lọ thủy tinh hôm đó là gì. Chỉ có biển mới hiểu và gió vẫn hát vu vơ theo từng nhịp bước chân ai chiều nay về ngang phố.
Phố vẫn nhỏ và nắng vẫn rất trong trong ánh nhìn của ta ngày về với phố. Những ngõ hẻm đầy ắp tiếng cười của ta cùng bạn. Cuộc sống vốn dĩ vô tâm với những gì thuộc về hoài niệm, còn mấy ai nhớ ai quên? Rồi tất cả cũng trôi về phía cũ, phố xào xạc gió, có lần ngồi vu vơ tự hỏi những người đi trong gió đang mang trong mình những cảm xúc gì? Những người bạn đã lâu không gặp nhưng những ký ức về nhau thì như mới hôm qua, vẫn còn vẹn nguyên như màu mực tím năm nào bạn viết trên cánh thiệp.
Đôi khi, trong cuộc sống tất bật ngoài kia, một nụ cười ngang qua nhau, dù phút chốc thôi cũng đủ đầy cho một nỗi nhớ. Như phố, như nắng vàng ươm nơi hẻm vắng, như nụ cười ngày biết tin nhau đậu đại học, lòng xốn xang và bồi hồi… Và như anh, với ánh nhìn xa ngái, với nụ cười hiền ngày ngồi bên nhau nơi góc phố. Ly cafe nhỏ tí tách những giọt long lanh. Bỗng đâm ra giận cột đèn tín hiệu, sau ly cafe, em và anh, mỗi người rẽ mỗi ngả, giá như không có cột đèn tín hiệu biết đâu vẫn được cùng nhau một đoạn đường?
Trầm lặng và yên bình, phố long lanh trong hoài niệm. Gió luôn hát những bản tình ca ngày ta về ngang phố nhỏ. Góc quán quen thuộc đìu hiu và lòng người xa quê chắc là nhớ phố lắm! Đường về còn xa ngái nhưng trong lòng tự biết rằng ta vẫn luôn hướng về nhau dù không một lời hứa hẹn. Phố cũ, chờ một ngày về hoa sữa lại thơm hương...

Nhớ sông

Một chiều ngồi bên bờ sông, thả lòng nhẹ nhàng theo con nước trôi xuôi, thèm được nghe một tiếng gọi đò.

Ngọc Thư
Cứ vào mỗi độ hạ về là nước sông quê tôi lại cạn dòng. Gió chở những mùa hoa đi về nơi xa lắc, nắng đổ xuống dòng sông những vệt vàng óng ánh thấm đẫm cả khúc sông. Lòng sông cạn dần, chỉ còn khoảng một phần ba. Con nước lớn ròng qua bao mùa mưa nắng, chiều hạ về êm ả, nghe hoang hoải, bình yên.
Mỗi lần về quê là tôi lại ra bờ sông, như thể đó là một việc không thể khác, một thói quen khó bỏ. Không biết từ bao giờ, trong tôi hình thành một ý nghĩ, sông hiền hơn biển nhưng sông cũng buồn hơn biển. Một chiều mùa hạ, ngồi bên bờ sông ngắm những giề lục bình tim tím, đưa tay đón một cánh hoa trôi dạt, tự dưng thấy nao nao là buồn. Ngó làng quê sau những tháng ngày xa cách, tôi nhận ra dường như ở đâu cũng vậy, cảnh làng quê bao giờ cũng đẹp, đó là cái đẹp vĩnh cửu!
Vẻ đẹp của những gì giản dị chân chất, toát lên từ đồng bãi ngô khoai. Và phút giây về với sông là thời khắc tôi thấy lòng mình bình lặng nhất. Thèm được nghe một tiếng gọi đò nhưng giờ đã không còn nữa. Người ta đã xây một cây cầu bắt ngang qua sông, hiện đại và thuận tiện hơn rất nhiều. Nhưng sao tôi vẫn cứ đau đáu, vẫn thấy nhớ một tiếng gọi đò, giữa đôi bờ sông trong một chiều mưa xám xịt.
Ảnh: Zda.
Ảnh: Zda.
Ngày đó, bọn chúng tôi vẫn thường ra bờ sông chơi, ba của đứa bạn tôi làm nghề chèo đò. Bên kia bờ sông, người ta đang bàn nhau về một chiếc cầu mới nối đôi dòng, ông nhìn mông lung, ngậm ngùi, tiếc nuối. Khi đó, tôi còn nhỏ, nào biết buồn, vui là gì. Lớn lên một chút, đi học xa nhà, đọc văn của người ta thấy hiện lên những chuyến đò, mặc dù là những chuyến đò ở tận đâu đâu nhưng vẫn gợi thương gợi nhớ đến những chuyến đò và dòng sông mùa lũ quê tôi.
Rồi đến khi chị tôi đi lấy chồng ở tận miền Tây xa lắc, tối về nằm nghe tiếng ếch nhái kêu vang ngoài đồng, tôi nghe má buông một tiếng thở dài khe khẽ. Rồi cái ngày tôi xa anh, tôi lại tìm ra bờ sông với những lục bình tím biếc, tôi thả theo dòng sông những tiếng lòng. Tôi nhớ ngày nhỏ, bà thường nắm tay tôi bảo: "Sông cũng có cảm xúc đấy cháu à!". Có lẽ bà nói đúng, sông cũng có cảm xúc. Ngày bà mất, nước sông dâng trắng bờ, đục ngầu, bên bồi, bên lở.
Một chiều ngồi bên bờ sông, thả lòng nhẹ nhàng theo con nước trôi xuôi, thèm được nghe một tiếng gọi đò, thèm được thấy mưa tuôn xối xả, trắng cả mặt sông và nụ cười tươi rói của lũ bạn. Muốn hỏi ai đó, ông lái đò ngày xưa giờ đâu rồi nhưng biết hỏi ai bây giờ? Điều mình nhớ, chắc gì người ta còn nhớ. Chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng bìm bịp kêu chiều, tiếng chị tôi hát từ ngày xưa vọng lại: "À ơi, rau cải về trời…".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét