Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

trại giáo dưỡng


Nơi vực dậy những mầm xanh lạc lối

Bài 1: Những học trò đặc biệt

Cập nhật lúc 07:25, Thứ Hai, 22/08/2011 (GMT+7)
Tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 70 hécta tại huyện Long Thành, Trường giáo dưỡng số 4 (thuộc Bộ Công an) có gần 800 học viên đến từ nhiều tỉnh thành phía Nam, vốn là những em bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật. Ở đây, thầy cô là những người quản giáo nghiêm khắc, nhưng các em được giáo dục, được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu để sớm tái hòa nhập cộng đồng…

Với nhiệm vụ quản lý, giáo dục thanh thiếu niên có các hành vi vi phạm pháp luật, Trường giáo dưỡng số 4 đã tiếp nhận và cải huấn nhiều học viên vi phạm pháp luật như: cướp giật, mua bán ma túy, trộm cắp… thành những gương sống tốt, phục thiện.
Ngoài giờ học, các học sinh còn tham gia lao động sản xuất tại xưởng làm giấy bạc.            Ảnh: T.MINH
Ngoài giờ học, các học sinh còn tham gia lao động sản xuất tại xưởng làm giấy bạc. Ảnh: T.MINH

Như bao học viên ở đây, T.B.Ng. (18 tuổi, ở huyện Long Thành) đang đếm lùi từng ngày để sớm về lại với mẹ và tìm cho mình một công việc phù hợp để dần quên đi quá khứ không mấy tốt đẹp. Khi nghe nhắc đến gia đình và bạn bè, Ng. lại thấy xao lòng.
 * Phút nông nổi
Là đứa con duy nhất trong một gia đình khá giả nên bao nhiêu tình thương yêu, cha mẹ đều dành trọn cho Ng. Càng lớn, Ng. càng xinh xắn, lanh lợi. Được cưng chiều, Ng. sinh ra ương bướng, thích ăn chơi lêu lổng và tụ tập cùng đám bạn là những kẻ hư hỏng. Học hết lớp 8, Ng. bỏ ngang việc học, mặc cho gia đình hết lời khuyên ngăn, giải thích. Ng. nói giọng ngậm ngùi: “Hồi đó em còn nhỏ quá nên đâu biết hết ý nghĩa của việc học hành và hậu quả của việc ăn chơi, đua đòi như thế nào”.
Đầu năm 2009, khi hết tiền để ăn chơi, bay nhảy cùng bạn bè, Ng. về nhà lấy chiếc xe máy của mẹ đi “cắm” ngoài tiệm cầm đồ. Khi bị gia đình phát hiện la rầy, Ng. bỏ nhà đi bụi và thực hiện nhiều vụ trộm cắp vặt sau đó. Hai năm được giáo dục tại Trường giáo dưỡng số 4, Ng. mới thấm thía được sự nông nổi non dại của mình. Em cho biết: “Ở đây mọi người rất tốt với em. Có gì không đúng thầy cô sẽ chỉ dẫn. Hai năm sống ở đây, em trưởng thành hơn và tự nhủ mình sẽ không phạm sai lầm để làm buồn lòng mọi người nữa”.
P.A.H. (15 tuổi, ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) “nhập học” tại trường đến nay đã hơn một năm. Theo lời H. kể, nhà em có 4 anh em trai, H. là út nên được cha mẹ ưu ái. Ba của H. làm tài xế đường dài, thường vắng nhà với những chuyến hàng xa. Mẹ của H. mải lo việc nhà cùng tiệm may tại gia nên ít có thời gian ngó ngàng tới đứa con út đang tuổi lớn. H. cho hay: “Năm đó em học lớp 8, đang trong giờ học thì đứa bạn thân chạy lại báo tin nó bị đánh. Bực quá, em chạy về nhà lấy dao để đi tính chuyện với người bạn (cùng lớp) đánh bạn thân của em”. Sau khi gặp mặt, nói chuyện phải quấy nhưng không thành công, H. đã dùng dao đâm bạn. Nhớ lại vụ việc đó, H. vẫn còn nỗi bàng hoàng: “Đâm bạn ấy xong, mọi người hô hoán lên rồi bạn ấy gục xuống, máu chảy ướt đẫm áo. Em sợ quá đứng chết trân, run rẩy”. Nhát dao H. đâm quá sâu nên đã cướp đi mạng sống của người bạn. “Giờ mà nghe ai nói đến chết chóc, giết người là em ám ảnh. Những ngày đầu em không thể ngủ yên vì lo sợ” - H. bộc bạch.
Cán bộ (giáo viên) Bùi Thị Minh cho biết: “Phần lớn những em mới vào đây đều ít nói, mặc cảm bản thân. Qua thời gian được cán bộ uốn nắn, các em có nhiều tiến triển và hòa nhập tốt với bạn bè. Nhiều em khi ra trường tìm cho mình một công việc ổn định và quay lại thăm trường, thăm thầy cô đã tỏ ý hối tiếc vì những việc mình làm trong quá khứ”. Theo lời của cán bộ Minh, các em có những hành động sai trái như vậy chủ yếu do sự nông nổi, bộc phát, thiếu quan tâm từ phía gia đình. Nếu được uốn nắn từ đầu, cộng với sự kèm cặp của nhà trường và gia đình thì chắc rằng số trẻ vị thành niên phạm tội sẽ ngày một giảm.
* Cho em ngày mai
Lúc mới vào trường, các học viên sẽ có khoảng 3 tuần để học nội quy, nếp sống quân sự hóa tại đội mới. Tiếp đó, các em sẽ được học văn hóa, học nghề tùy theo sở thích. Sau giờ cơm chiều và những ngày cuối tuần, các em đều có thể lên thư viện đọc sách.
Học viên L.T.T. (18 tuổi, quê ở Tây Ninh) cho biết: “Sau giờ học em và các bạn đều ra sân bóng chơi thể thao hoặc ghé thư viện đọc truyện. Lúc đầu vào đây buồn lắm, nhưng riết rồi cũng quen, vì mọi người sống rất hòa đồng, gần gũi và quan tâm đến nhau”. Cũng theo lời T., nhờ rèn luyện tốt nên em được các thầy cô khen và các bạn trong đội đề xuất làm đội trưởng trong nhóm 40 người. T. cho biết: “Nhà em ở vùng quê nghèo, đông anh em. Em bị địa phương lập biên bản nhiều lần vì có hành vi gây rối trật tự công cộng. Cho đến hôm em đánh người khác bị thương nặng thì bị công an lập hồ sơ đưa vào đây”. Lần đầu tiên rời xa vòng tay cha mẹ để sống trong môi trường xa lạ, nghiêm khắc, T. rất khó hòa nhập và hay tỏ vẻ ương ngạnh với mọi người. “Lúc trước em đi đâu, làm gì cũng chẳng ai nói gì. Vào đây, thầy cô chỉ dạy em biết lễ phép trong giao tiếp, biết nhún nhường và thương yêu mọi người” - T. cho biết.
Ngành may công nghiệp được nhiều học sinh chọn học nghề để tạo dựng công việc ổn định sau khi ra trường.           Ảnh: T.MINH
Ngành may công nghiệp được nhiều học sinh chọn học nghề để tạo dựng công việc ổn định sau khi ra trường. Ảnh: T.MINH

Cũng như bao học viên khác ở Trường giáo dưỡng số 4, T. rất mong ngày về lại gia đình, mong gặp lại mẹ để cảm nhận hơi ấm của tình mẫu tử thiêng liêng. Hiện tại, T. đang theo học nghề làm tóc. Hỏi về bước đường tương lai, em cho hay: “Em nghe nói có tổ chức gì đó hỗ trợ vốn cho học viên ra trường tìm việc ổn định cuộc sống. Em đang cố gắng học nghề và mong sau này, khi nhắc đến tên em, mẹ sẽ không còn xấu hổ với hàng xóm”.
Bước vào xưởng học may công nghiệp nằm trong khuôn viên trường, chúng tôi thấy nhiều học viên đang mải miết với từng đường kim mũi chỉ. Khi nghe cán bộ giới thiệu có khách lạ đến thăm, các em liền đứng dậy khoanh tay chào lễ phép. Cuối góc phòng, cậu bé L.H.N. (17 tuổi, ở tỉnh Ninh Thuận) đang cặm cụi may áo. N. vào đây hơn một năm, do có hành vi trộm cắp tài sản. Nhắc đến gia đình, N. bộc bạch: “Còn hơn năm nữa em mới về lại gia đình. Nhà em ở xa nên cha mẹ ít có điều kiện lên thăm nom. Cuối tuần thấy các bạn có người nhà lên thăm em lại thấy buồn…”. Nói xong, N. lấy tay ngăn dòng nước mắt đang chực trào trên đôi mắt đen láy của mình. Sau ít phút, em lại hăm hở khoe những mũi chỉ vừa may được trên mảnh vải màu xanh da trời. N. thổ lộ: “Ra trường em muốn đi học lại và học nâng cao tay nghề may. Hồi đó không làm gì nên ăn chơi lông bông, quậy phá. Giờ em mới thấm thía những hậu quả từ việc mình làm nên phải cố gắng rèn luyện thật tốt để không phụ lòng gia đình, các thầy cô ở đây”.
Tùng Minh

Bài cuối: Một ngày ở trường giáo dưỡng

Cập nhật lúc 09:20, Thứ Ba, 23/08/2011 (GMT+7)
Nếu ở bên ngoài được tự do sinh hoạt, đi lại, thì bên trong trường giáo dưỡng, các học viên phải tuân thủ giờ giấc, nếp sống kỷ luật. Mục đích giáo dục như vậy nhằm định hướng các em sống có nề nếp, tránh xa lối sống buông thả khi về lại với gia đình, cộng đồng.
Bên trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, từng tốp học viên trở về những dãy nhà sinh hoạt và dùng cơm trưa. Nhìn những gương mặt ngoan hiền, lễ phép như thế này, ít ai nghĩ các em từng có “máu mặt” trong giới thanh thiếu niên tại địa phương.
 * Rèn luyện kỷ luật
Đội trưởng Đội Giáo vụ Nguyễn Hồng Nam cho biết, nhiều thế hệ học viên sau khi ra trường đã ổn định cuộc sống, lập gia đình. Thậm chí, có người còn ăn nên làm ra nhờ sự dìu dắt, dạy nghề của các thầy cô nơi đây. Cán bộ Nam cho hay: “Mỗi lần nhận được tin các em báo đã ổn định cuộc sống, chúng tôi ai cũng phấn khởi. Đời người làm giáo viên như chúng tôi chẳng ai muốn gặp lại học trò của mình trong hoàn cảnh phải vào trường lần 2”. Nói xong, anh dẫn chúng tôi vào tham quan dãy nhà của những học viên. Đang trong giờ lao động, học tập nên trong mỗi dãy nhà chỉ có 1-2 em làm vệ sinh phòng. Những vật dụng, mền, gối được các học viên xếp ngăn nắp không khác gì các anh bộ đội trong quân ngũ. Đây là quy định bắt buộc đối với các học viên, nhằm rèn luyện cho các em tính kỷ luật, ngăn nắp và sự chững chạc khi về lại gia đình.
Ít ai nghĩ, những cậu bé hồn nhiên như thế này lại từng gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng.   Ảnh: T.MINH
Ít ai nghĩ, những cậu bé hồn nhiên như thế này lại từng gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng. Ảnh: T.MINH

Hàng ngày, các em học viên được phân công luân phiên trực vệ sinh quanh khu nhà mình ở. Mỗi buổi tối trước khi ngủ, các em thường quây quần bên nhau xem tivi, đọc sách. Những “cuộc chiến” nội bộ trong từng đội nếu bị thầy cô phát hiện sẽ khiển trách, xử phạt tùy theo mức độ. Bởi vậy, những học viên mới vào thường không mang nặng tâm lý lo sợ “đàn anh” ăn hiếp. Trật tự, kỷ luật ở đây đã xóa tan những mối lo tiềm ẩn đó, để các em yên tâm học tập, lao động, sống tốt. Những học viên làm sai nội quy của trường sẽ bị phạt làm vệ sinh trong đội của mình. Đối với những em có biểu hiện tốt, thân ái giúp đỡ mọi người sẽ được biểu dương trước cờ vào mỗi sáng thứ 2 đầu tuần để các học viên khác noi theo.
Sau giờ cơm trưa, các học viên về lại dãy nhà của từng đội nghỉ ngơi để đến 1 giờ 15 đi lao động, học nghề, học văn hóa. Cuối giờ chiều, các em thường tập trung đến sân bóng đá, bóng chuyền chơi thể thao. Em P.Q.K. (18 tuổi, nhà ở thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Chiều nào em với các bạn cũng chơi đá bóng. Lúc đầu, tụi em chỉ chơi theo từng đội ở cùng phòng. Riết rồi chơi rộng rãi với các học viên khác trong trường thông qua từng trận bóng”. Theo lời của K., dù được thầy cô ở đây quan tâm nhưng nỗi nhớ gia đình mỗi khi tối đến là điều không thể tránh khỏi. “Đêm nào cũng vậy, trước khi chợp mắt em lại nghĩ về cha mẹ. Mỗi lần lên thăm em, mẹ đều khóc và dặn dò em ráng học tập, sống tốt để về lại gia đình. Nghe như vậy em chỉ biết khóc và tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa”.
Trong gian phòng y tế rộng rãi, sắp xếp cẩn thận, có khoảng 10 học viên đang nằm nghỉ ngơi, xem tivi. Cán bộ Đinh Xuân Tuấn giải thích: “Những em này bị bệnh cảm sốt nhẹ nên chúng tôi cho nghỉ ngơi ở phòng y tế để theo dõi bệnh. Khi các em có dấu hiệu khác thường, chúng tôi sẽ chuyển lên tuyến trên cho nhanh, kịp thời”.
* Thi đua làm nhiều việc tốt
Ngoài những hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích, các học viên ở đây đều được tham gia vào các phong trào của trường phát động hàng năm. Cán bộ Tuấn cho biết: “Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thi đua nhằm giúp các em biết rõ giá trị của cuộc sống và phát huy khả năng của mình. Qua nhiều hội thi thể thao, văn nghệ, làm báo tường…, nhiều tài năng đã được phát hiện và khuyến khích phát triển”.
Gần dãy nhà dành cho những học sinh mới, một tốp nam sinh đang tụm quanh một chú khỉ nhỏ. Vốn tính trẻ con, nhiều em chọc giỡn, rồi phá lên cười hồn nhiên. Thấy các cán bộ bước đến, các em cúi đầu chào. P.Q.A. (16 tuổi, nhà ở TX.Long Khánh) cho biết: “Em vô đây gần một năm rồi. Tuần nào cha mẹ cũng ghé thăm, động viên. Hơn năm nữa em mới về lại gia đình. Bởi vậy, em đang cố gắng hòa nhập với mọi người và học nghề gì đó cho ổn định để sau này không tụ tập bạn bè lêu lổng nữa”.
Chỉ vì mải mê các trò game online bạo lực, lúc gây sự với một “kiếm thủ” trong nhóm, A. chạy về nhà lấy dao tính sổ với bạn mình. Lúc tới tiệm game, A. gọi người bạn ra hỏi chuyện, giằng co. Không làm chủ được hành động bản thân, A. rút dao đâm bạn. A. nói giọng ân hận: “Không biết sao lúc ấy em lại làm thế. Nghĩ lại, em thấy ghê sợ chính mình. Em nghe gia đình nói lại là bạn ấy đã mất ngay sau đó do vết thương quá nặng. Tối nào đi ngủ em cũng nghĩ đến việc đã làm và thấy bất an”. Gần một năm sau biến cố xảy ra, giờ đây A. đã thay đổi hẳn. Em tích cực tham gia các hoạt động của trường, của đội để mong quên đi quá khứ ám ảnh. Em xúc động: “Nếu về lại gia đình, em không dám nhìn mặt bạn bè đâu. Em sợ họ nói em là kẻ máu lạnh. Chắc em sang nhà chú ở, rồi học nghề sửa xe máy luôn”.
Sau giờ đến lớp, các em học viên thường vào thư viện để đọc truyện, giải trí lành mạnh.      Ảnh: T.MINH
Sau giờ đến lớp, các em học viên thường vào thư viện để đọc truyện, giải trí lành mạnh. Ảnh: T.MINH

Nghe A. nói, chúng tôi thấy lòng xót xa. Chỉ vì phút bồng bột, nông nỗi đã cướp đi sự hồn nhiên, vô tư của cậu bé tuổi mới lớn, thay vào đó là nỗi ám ảnh, dằn vặt của bản thân. A. đang ngày ngày làm việc, học tập để dần quên đi quá khứ. Những việc làm của em ngày hôm nay sẽ là tiền đề tươi sáng cho tương lai bình yên phía trước.
Kể cho tôi nghe về những học viên tiêu biểu sau khi rời trường, Đội trưởng Nguyễn Văn Đắp không giấu được vẻ tự hào: “Nhiều học sinh của trường trước đây rất ngỗ nghịch, nhưng khi về lại cộng đồng lại rất ngoan và chăm chỉ làm ăn. Có em còn đảm đương nhiều công việc tại các công ty, cơ sở. Khi liên lạc với chúng tôi, các em đều bảo những năm tháng được trui rèn kỷ luật ở trường đã dạy các em biết phấn đấu, học tập, nỗ lực trong cuộc sống. Nghe những lời như vậy tôi rất ấm lòng, xúc động”.
Trời dần buông màu tối, tôi từ giã mọi người ở đây mà lòng mang nhiều nỗi niềm xúc động. Bởi lẽ, bên ngoài bờ rào khuôn viên trường, ai cũng nghĩ những cán bộ trong đây rất nghiêm nghị, khó gần, còn các em học viên là những đối tượng bất trị, cứng đầu. Nhưng bằng những nỗ lực từ chính bản thân các em và sự dìu dắt của các thầy cô cán bộ, những tâm hồn vô cảm đã trở nên ngoan hiền, sống có ích cho xã hội.

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Những cô dâu Việt về quê


Những cô dâu Việt về quê

06/02/2013 
TT - Miền Tây mùa tết. Ruộng thơm mùi rơm rạ, thoang thoảng khói đốt đồng. Trái trĩu cành chờ tay người hái, hoa rực rỡ chờ được đưa tết về nhà.
Gia đình ông Ba Mến sum họp trên chiếc xe về Vĩnh Thuận, Kiên Giang - Ảnh: Chí Quốc
Bánh tét lúc lỉu. Gà vịt được vỗ căng tròn. Và miền Tây mùa này còn chờ những cô gái đi xa trở về...
1. Chiều 4-2, sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) lao xao, đông đúc. Chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines trong mùa tết năm nay từ Đài Bắc sắp hạ cánh lúc 13g55. Đứng ngồi la liệt khắp phòng chờ, mấy bà má chốc chốc lại lục túi áo bà ba tìm ve dầu, mắt chăm chăm cố nhìn xuyên qua mấy lớp cửa kính mong được thấy máy bay hạ cánh.
Cùng cảnh có con lấy chồng Đài Loan, không cần nói gì thêm, bà nào cũng đăm đắm nhìn vào phòng chờ. Chờ mãi mà chưa thấy ai ra, mấy bà lại quay sang tiếp tục câu chuyện: “Tết có tụi nó về, bà có chuẩn bị gì thêm không? Nhà tui cũng chỉ có mấy con gà vịt, rộng vài con cá, làm sẵn hũ mắm. Nói ngay, hồi nó ở nhà thì nghèo quá, ăn gì chả ngon. Giờ chỉ lo đứa cháu ngoại năm nay 6 tuổi, không biết nó ăn được đồ ăn mình không”... Câu chuyện cứ dài mãi theo cái nỗi “con gái như hạt mưa sa”, “may nhờ rủi chịu” cho đến khi các cô gái với những váy áo sặc sỡ, lấp lánh rất đặc trưng của xứ Đài đẩy những xe hành lý ra khỏi phòng chờ. Xôn xao tiếng gọi nhau, rồi từng gia đình một tụ lại, ôm hôn, cười khóc.
Ngóng đến tận cuối buổi chiều, bà Hai Phượng và ông Ba Mến (Lư Văn Mến, Vĩnh Thuận, Long An) mới đón được con cháu khi cả phòng chờ đã vắng tanh. Bù lại vào nỗi chờ đợi, gia đình ông bà được sum họp đủ đầy nhất với bốn cô con gái và một cháu ngoại cùng lấy chồng ở Đài Bắc và cùng nhau về ăn tết đợt này. Nguyễn Thị Tho, cô cháu ngoại mới 24 tuổi mà đã lấy chồng xa xứ được bốn năm, vòng tay ôm bà ngoại rồi chỉ vào đứa bé đang bồng trước bụng: “Con của con nè ngoại, nó mới được 4 tháng, chưa biết gọi bà cố đâu”. Bốn cô gái cùng mấy cô bé bụ bẫm như búp bê cùng ào ra một lượt. Cả nhà tíu tít lên chiếc xe 16 chỗ...
2. Sáng 5-2, sân bay Tân Sơn Nhất, ga đến đông kín người. Vợ chồng ông Tư Thành (Nguyễn Văn Thành, cù lao Thừa Thiên, ấp Kinh Ngây, xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) đứng ngóng con. Gương mặt hai ông bà cũng bồn chồn như hôm qua khi chúng tôi gặp ở nhà, cù lao Thừa Thiên mà bà con hay gọi là “đảo Đài Loan”. Hôm qua, bà vừa dọn rửa bàn thờ, vừa hối cô con gái thứ ba chọn mua cặp vịt xiêm thật ngon, coi lại hũ mắm, tìm mua ba khía. Bữa cơm ngày gặp mặt đã được lên thực đơn trước bởi hai cô con gái ở xa, “con Hai dặn nấu cháo vịt, còn con Út đòi ăn mắm kho, ba khía rang me”. Vợ chồng ông Năm Mến  cùng đứng chờ. Hai gia đình ở cạnh nhau trên “đảo Đài Loan”, hôm nay cùng đi đón con gái, cùng thuê xe, gọi đò từ nửa đêm.
Câu chuyện của mấy ông bố bà mẹ đang rôm rả, chợt lắng đi khi giữa dòng người xuất hiện một người phụ nữ tay đẩy xe hành lý, một đứa bé đeo bồng trước bụng, gương mặt khắc khổ nháo nhác tìm người thân hết bên phải lại bên trái. Đứa bé trước bụng im ngủ thu hút sự chú ý của mọi người. Hỏi, bà mân mê bình sữa bằng nhựa: “Cháu ngoại, nó mới bốn tháng. Con gái sinh con, tui sang bên đó chăm sóc. Ngày tết, nhà chồng không cho con tui về, nó lại sắp đến ngày phải đi làm lại nên tui bồng cháu về nuôi, đành cho nó uống sữa ngoài”.
“Vậy mới biết mình thiệt may mắn, mấy đứa con mình sang bên đó phải mần cực lắm nhưng vẫn được gần con, tết còn được về với cha mẹ”, nét mặt ông Tư Thành từ băn khoăn chuyển sang hớn hở khi bóng cô con gái đầu lòng xuất hiện giữa đám đông. Vừa thấy mặt cha, cô đã bật khóc, nước mắt nhòe cả phấn son. Ông Tư Thành vừa tất bật chuyển đồ cho con lên xe vừa tranh thủ... làm quen cháu ngoại. Những chiếc xe biển số 63, 64, 65, 68 lần lượt theo nhau lên đường, mang cái tết ấm về với những “đảo Đài Loan” ở miền Tây.
3. Nhà bà Bảy Ân (Nguyễn Thị Ân, ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) mọi ngày vắng lặng, chỉ có mình bà và cô con gái không may bị mù, hôm nay bỗng xôn xao. Mấy đứa cháu nội vừa được nghỉ tết, xúng xính quần áo mới chạy ra chạy vào. Cô con dâu từ xã bên sang, lúi húi dưới bếp bào củ cải. Cô gái mù nấu nồi nước, cặm cụi nhổ sạch lông một con vịt. Trên cái võng mắc trước hè, bà Bảy hết ngồi lại nằm không yên. Lát nữa, cô con gái út, đứa con thứ mười một của bà sẽ về.
Bà cạy cục giã đến miếng trầu thứ sáu thì mấy đứa nhỏ hớn hở chạy vào: “Cô Út về, nội ơi”. Trong đám nhỏ xuất hiện thêm một cậu con trai giày thể thao, quần lửng, tay nắm chặt một tàu lá dừa, miệng líu lo những lời là lạ. Mấy anh con trai của bà Bảy khiêng vào nhà hai cái vali, đi cuối cùng là một cô gái. Mấy chị đang thổi lửa bên chái bếp lao xao buông đũa đứng lên.
Da trắng, tóc hoe vàng, váy ngắn, ủng cao, trông cô nổi bật lên giữa các anh, các chị. Tuột đôi ủng để ngoài hè, cô bước vội vào nhà. Bà Bảy buông miếng trầu giã dở, đứng lên nhìn, rưng rưng. Lưng bà còng, chỉ đứng tới ngang vai cô gái. Bà cứ đứng nhìn, rồi bất giác với lên hôn vào má con. Bà lau nước mắt: “Má đau quá, nên mới kêu con về, lâu quá rồi”. Ý Lan chớp chớp mắt rồi vội quay người xuống mở vali: “Má có chích thuốc đều không? Con mang về cho má hộp sữa người già nè. Mà cũng đâu có lâu, mới có hai, ba năm. Con tính để dành thêm ít nữa, có tiền rộng rãi chút mới về”. Bà Bảy lại buông miếng trầu: “Gần sáu năm rồi đó con, từ ngày giỗ ba mày kia mà”.
Hai má con líu ríu một lát thì hai đĩa gỏi vịt, tô cháo đã được dọn lên bộ ván. Một cây nhang được thắp lên bàn thờ, bữa chiều quây quần giữa mấy má con, mấy anh chị em làm ấm cả căn nhà chật hẹp, cũ kỹ. Ý Lan bảo sẽ ở lại ba tuần, bà Bảy cười móm mém: “Nghe vậy tao khỏe hẳn ra...”. Bà còn khỏe ra nữa khi cháu ngoại Châu Tiên Niện năm nay đã 12 tuổi đứng trước mặt bà, bập bẹ gọi theo lời mẹ: “Bà ngoại...”.
Miền Tây. Các cô gái đi xa rồi trở về. Nắng vẫn vàng. Hoa vẫn rực rỡ. Cây trái vẫn ngọt. Lúa vẫn ngát đồng...

Nhìn từ đôi mắt


Nhìn từ đôi mắt

16/04/2013 
AT - Tôi ngồi trong một quán cóc ven đường, ngắm nhìn từng dòng người qua lại. Giữa con đường đông đúc người, tôi bắt gặp những cảm giác quen thuộc quá đỗi và cả những cảm giác lạ lẫm. Trong ánh mắt mỗi người. Rất gần mà cũng rất xa.
MNhấp chút cà phê đắng, tôi chợt nghĩ ngợi nhiều điều. Không phải ngẫu nhiên mà tạo hóa sinh cho con người đôi mắt. Không ai giống ai. Không như các giác quan khác, mắt có lẽ chính là nơi trú ngụ thứ hai của trái tim.
Ngày trước, tôi hay hỏi má: “Mắt để làm gì hở má?”. Trong tiềm thức ngây ngô của một đứa tuổi mới lớn, tôi chỉ nghĩ nó dùng để nhìn. Nhưng đối với một người đã trải qua nhiều sóng gió cuộc đời như má, má lại không nghĩ thế. Theo má, mắt là nơi người ta bộc lộ những thương yêu hay giận hờn rõ nhất, bằng cách này hay cách khác.
Má còn nói: “Chỉ khi con có thể hiểu được thế giới lúc nhìn vào mắt người con thương, lúc ấy con mới có thể trưởng thành”. Tôi không hiểu lắm câu má nói nhưng vẫn luôn ghi nhớ nó. Để rồi khi cuộc sống quá vội vàng, tôi lại hồi tưởng những lời má nói.
Đôi mắt sinh ra là dùng để nhìn. Đúng. Nhưng nó còn dùng để chứa đựng những cảm xúc, những cung bậc tâm hồn của con người. Nếu một đôi mắt chỉ có thể thu sự vật vào trong mà không thể bộc lộ chính bản thân người đó, thì nói gì đi nữa nó cũng chỉ dùng để nhìn.
Tôi còn nhớ một câu nói của Phineas Fletcher: “Ngôn ngữ của tình yêu nằm trong đôi mắt”. Tình yêu xuất phát từ trái tim và con đường để biểu lộ tình yêu chính là đôi mắt.
Tôi không biết bản thân mình có hiểu đúng không khi mà giờ đây, ai ai trước mắt tôi cũng tràn ngập niềm yêu thương, những cảm xúc khó tả, lắng lại trong đáy mắt.
Vài cụ già thong dong đi bộ, phóng tầm mắt ra xa cuối con đường, chốc chốc lại quay nhìn phía sau. Trong mắt họ ánh lên những tình cảm tha thiết cho quãng đường đằng đẵng vừa mới đi qua. Sau cổng trường học, những đứa trẻ tíu tít chơi đùa. Ánh mắt chúng có vô số tia sáng mang tên “cảm mến” với bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Vài bạn trẻ đang tự do đạp xe trên đường. Đôi mắt họ chứa đầy những khát vọng tuổi trẻ, những ước mơ, hoài bão. Đâu đâu cũng tràn ngập yêu thương. Cho dù họ chẳng nói ra nhưng tất cả những ngôn ngữ đó đều được biểu lộ trong mắt họ.
Tôi không dám tự tin khẳng định mình đã trưởng thành hay chưa vì lúc này tôi chỉ mới nhìn được một góc rất nhỏ của cuộc sống bộn bề.
Để lớn lên và trở thành một người trưởng thành, người ta phải biết sống qua đôi mắt trước đã. Nhưng học nhìn cũng thật khó! Tôi chợt nhớ ca khúc Đôi mắt của nhạc sĩ Xuân Hồng: Mẹ cho em đôi mắt tuyệt vời / Để nhìn đời, nhìn rõ đục trong...

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Bản Ballad tháng Tư


Bản Ballad tháng Tư

Không còn nghi ngờ gì nữa. Tháng Tư về rồi, về thật rồi đấy, em. 
Sau những ngày ầm ì, ngột ngạt, nóng nực và bức bối... Cao nguyên trở nên dịu hẳn khi những cơn mưa kèm theo sấm chớp đì đùng từ đại ngàn xa thẳm đã xuất hiện đều đặn trên bầu trời thành phố. Mưa về làm xanh lại những hàng gỗ dầu đang mùa trổ bông – thảng hoặc vài tấm hoa buông mình xoay xoay trong gió mà chợt thấy lòng bình yên lạ lùng. Mưa về làm non hơn những mầm nụ xà cừ khẽ đâm, tách - vươn mình ra từ thớ vỏ xù xì gai góc – một chút gì đó như cheo leo, mỏng mảnh nhưng hàm đựng nhiều hơn cho sự tồn tại – bất luận trong hoàn cảnh khó khăn nào. Mưa về, dù muốn dù không cũng làm bung nở những chùm hoa trắng muốt ngào ngạt nức hương Cà phê trong những buổi mai thơ thẩn trên cung đường đi thể dục...
Thế mới thấy - được mưa về gội rửa, phố núi lại tắn tươi hơn với muôn vạn sắc màu!
Tháng Tư - ta ruổi mình theo dòng suy nghĩ của cuộc mưu sinh vốn có thường nhật. Bất chợt dừng ở ngã tư đèn đỏ ngước gặp một nhành phượng tím, tím đến buốt hồn, lẻ loi và lạ lẫm trên nền trời nắng chói chang – những tưởng, phượng tím chỉ hiện hữu ở Dalat thân yêu thôi. Thế mới biết - ở đâu luôn vốn nhiều tình thương yêu bao bọc... ở đấy sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến bất ngờ với chính bản thân ta...
Tháng Tư đã về qua thành phố - những cơn mưa đầu mùa thường buông mình bất chợt; bỗng thấy hối hả đó đây trên vạn dặm sinh tồn những cánh áo mưa khoác vội; thấp thoáng đôi uyên ương nào ấy nép chặt vào nhau hơn hòng tranh phần chở che trong chiều dông vội vã; lại thấy dậy lên nhiều thương cảm cho những gánh hàng rong lỉnh kỉnh, nghèo buồn loay hoay tìm chỗ ẩn trú - mà hơn một lần ta đã không đủ can đảm để nhìn thật sâu vào đôi mắt chứa đựng nhiều tâm sự khổ hèn đến cay đắng xót xa...
Tháng Tư - khi đang lách cách "ghép vội" những ngổn ngang, vụn vặt nghĩ suy thành con chữ - lòng bỗng dâng trào khi nhận được tin nhắn của em mà rõ nghe từng hơi thở mệt nhọc; từng bước chân hối hả; từng khoảnh khắc vui buồn trong những giờ đứng trên bục giảng - tất tưởi chạy đua mệt nhoài cho những ngày cuối cùng của niên học đang dần khép lại...
Tháng Tư – khi những cơn nóng nực, cáu bẳn qua đi bầu trời lại xanh trong mát dịu bằng những cơn mưa nền nã; Tháng Tư – anh buông mình vào em với tất thảy tình yêu và nỗi nhớ... với tất cả đợi mong hẹn ước đang dần về trong những ngày xa xôi, cách trở... Tháng Tư ta sẽ bù đắp thật nhiều để khỏa lấp đi những muộn phiền, hờn giận cho một tháng Ba nhọc nhằn nhiều khắc khoải vui buồn.
Nhé em...

Những ngày cô độc, đau ốm


Những ngày cô độc, đau ốm của nghệ sĩ Văn Hiệp

'Bố thường lầm lũi một góc nhà, đối diện với nỗi cô đơn trống vắng và buồn tủi chẳng thể san sẻ cùng ai', con trai ông kể.


Anh không cho người viết thấy nỗi buồn trên gương mặt, chỉ có ánh mắt xa xăm và nỗi khắc khoải trong ấy là không giấu nổi, khi kể về cuộc đời trĩu nặng nỗi cô đơn và tủi thân của bố, về những tháng ngày ông đau đớn chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, bằng niềm lạc quan vô bờ bến.
Anh Thắng, con trai nghệ sỹ Văn Hiệp không giấu nổi ánh mắt khắc khoải khi nói về người cha vừa đi xa của mình. Anh từng có những năm tháng nuôi đam mê dưới ánh đèn sân khấu giống bố, nhưng rồi cuộc sống lại đẩy anh rẽ sang một con đường khác, với nhiều nuối tiếc. Anh cao lớn, rắn rỏi và mạnh mẽ, còn có chút gì phong trần, bụi bặm, khác hẳn dáng vẻ nhỏ bé, hiền lành và khắc khổ của cha mình.

"Tôi chẳng nhớ nhiều những kí ức ngày ấu thơ, khi mẹ đi xuất khẩu lao động sang Đức, để lại bố cảnh gà trống nuôi con vò võ. Mẹ đi rồi không về nữa, chẳng phải vì có một bờ vai khác cho mẹ dựa vào, hay cũng chẳng rõ vì sao nữa, nhưng từ ấy, hai anh em cảm nhận rõ một sự nứt vỡ chẳng bao giờ có thể hàn gắn.
Anh kể rằng cha anh mất vì cả cuộc đời gồng gánh quá nặng những nỗi buồn trên đôi vai gầy gò và nhỏ bé của mình. Có bao nhiêu tiếng cười ông mang tặng hết cho đời, chỉ giữ lại những năm tháng dài rộng những nỗi cô đơn và buồn tủi. Cho đến tận lúc trút hơi thở cuối cùng, hình như, ông vẫn là người cô độc.
Mẹ không lấy chồng tây, bố cũng chẳng đi bước nữa, mà tình yêu vẫn chẳng đủ đưa hai người về lại với nhau. Hơn 20 năm, 4 người trong gia đình sống với những chất chứa chẳng thể nói thành lời, chỉ thấy, ai cũng lầm lũi và cô đơn, đưa ánh mắt về phía nhau đấy, thấy ánh mắt bên kia thoảng buồn.
Tôi từng có những năm tháng tuổi trẻ nuôi đam mê nối nghiệp bố, mắt sáng lên khi thấy ánh đèn sân khấu, khi được nghe tiếng máy quay. Cũng đến trường, đến lớp, ngày đêm miệt mài tập luyện ở nhà hát Tuổi Trẻ cùng những Vân Dung, Quốc Quân… Nhưng rồi, cuộc sống đẩy tôi rẽ sang một con đường khác.
Học được một vài năm, tôi vi phạm nội quy khi yêu một chị học cùng lớp, tưởng rằng bản án đuổi học chỉ là dọa suông, ai ngờ tôi bị đuổi học thật. Tuổi trẻ bồng bột, bốc đồng và tính sĩ diện hão khiến tôi cũng buông xuôi, chẳng nhờ vả bố xin cho ở lại, tự ý bỏ ngang chừng, ra khỏi nhà, ăn chơi và phá phách suốt một thời gian dài.
Sau này, những người quen biết vẫn nói về ánh mắt của bố trong những chiều đi trên chiếc xe đạp cũ, dáng người chênh vênh tìm kiếm tôi khắp các con đường, khắp những nơi mà ông nghĩ sẽ tìm được thằng con trai mình. Ánh mắt ấy buồn và hình như, bất lực lắm.
Ngày đó, tiếc nuối nhiều vì không theo được nghề của bố, nhưng cái tôi ngông cuồng và tự phụ của một thằng con trai lì lợm hai mươi tuổi đầu đã lấn át tất cả. Tôi xách ba lô và vài bộ quần áo sang Đức theo mẹ, quẳng lại cho bố thêm một nỗi cô đơn và đứa em gái nhìn tôi mà cố cắn chặt môi cho khỏi bật ra tiếng khóc. Gia đình tôi từ ấy, mỗi người lại để dành thêm một chút nứt vỡ trong mình.
Nhưng sau những năm tháng nhọc nhằn bươn chải kiếm sống nơi xứ người, tôi cũng không còn tiếc nuối quá nhiều nữa. Vẫn tự an ủi mình, thôi thì nghề nào cũng là nghề…

Nhưng rồi, mẹ thì có thể, nhưng tôi thì chẳng sống mãi được nơi xứ người. Ngày về nước, tôi thấy ánh mắt bố ánh lên một chút hy vọng, chứ cũng chẳng hẳn là niềm vui, nhưng có lẽ, chừng ấy cũng là đủ để tôi trở về.
Tôi nhớ khi ở Đức, chỉ biết về Việt Nam qua một kênh truyền hình, thế nên những vai diễn hài sau này của bố, tôi không được biết nhiều. Tôi chỉ hay nhớ về hình ảnh của ông, với vai diễn chú lính bé nhỏ ngồi khóc nhớ mẹ trong Bài ca Điện Biên năm nào, và rồi lại chập chờn trong giấc mơ loáng thoáng những ánh đèn sân khấu.
Tôi không trở thành ông to bà lớn, cuộc sống trắc trở khi đi qua hai lần đò với hai người vợ và những đứa con khác mẹ, mỗi lần, lại mang về nhà thêm một ít nỗi buồn nhờ ông cất giữ.
Con cái lớn cả, tôi đi làm phiên dịch, làm xuất nhập khẩu, em gái thì đi lồng tiếng, mà bố vẫn đi đóng phim, đi diễn hài, đến tận lúc gần cuối đời vẫn miệt mài kiếm tiền đưa cho vợ, cho con. Cuộc sống không đến mức giật gấu vá vai, mà sao vẫn chưa đủ đầy và nhiều lo toan.
Bố tôi biết mình bị bệnh, nhưng gan lì lắm, nhất định không chịu đến bệnh viện, cứ xuê xoa rồi lại kì cạch đi đóng phim. Mãi đến chuyến gánh gồng sau chót vào cuối năm ngoái ấy, bố tôi mới gục ngã hẳn. Ngày 23 Tết đưa bố đến bệnh viện, các bác sĩ nói rằng, đã quá muộn vì căn bệnh bắt đầu di căn.
Rồi bố nằng nặc đòi về nhà, và nhất định không bao giờ bước chân đến bệnh viện thêm một lần nào nữa. Đến tận lúc cận kề cái chết, bố vẫn sợ tốn tiền của các con, sợ chúng tôi mất thời gian trông nom, sợ đếm những ngày tháng cuối đời qua ô cửa sổ ở nơi toàn tiếng lách cách kim tiêm và mùi thuốc men.
Hơn 6 tháng ở nhà, người ngoài nhìn vào vẫn thấy bố cười nói vui vẻ, chỉ có dáng vẻ là gầy đi thấy rõ, và lần nói chuyện nào cũng phải nghỉ giữa chừng vì mệt.
Nhưng chỉ con cái trong gia đình mới biết, mỗi khi có một mình, ông hét lên rồi quằn quại trong đau đớn vì không thể chịu đựng nổi. Nhìn ông mà không ai cầm nổi nước mắt, tiếng hét đến lạc cả giọng ấy đến suốt đời này tôi cũng chẳng thể quên.
Ông thường ngồi lầm lũi một góc nhà, đôi mắt cứ nhìn xa xôi như đợi chờ một điều gì đó. Bố cô độc đối diện với nỗi cô đơn trống vắng và buồn tủi chẳng thể san sẻ cùng ai.
Rồi mẹ cũng về nước, chăm sóc ông được một vài ngày khi ông đau ốm, chẳng biết như thế có bù đắp được phần nào, hay chỉ làm ông thêm đau khổ khi sau đấy, bà lại ra đi.
Chỉ biết, mấy chục năm sống cùng ông, là từng ấy quãng thời gian ông câm lặng khi người khác nhắc đến người đàn bà của cuộc đời mình. Hai anh em tôi là những người cảm nhận rõ nhất, không bao giờ được chạm vào vết thương chưa khi nào lành ấy.
Mẹ - là từ ít khi được chúng tôi nói đến nhất trong cuộc sống của ba cha con.
Ngày mai mẹ sẽ về nước, để chịu tang người chồng mà mấy chục năm không sống cùng nhau, nhưng cũng không ly dị. Không biết ở thế giới bên kia, ánh mắt ông có hấp háy thêm một chút hy vọng.
Khi còn khỏe, dự cảm trước cái chết của mình, ông chỉ nói sau này hãy hỏa thiêu bố, rồi quay sang nhìn tôi hỏi: Mày có dám mang tro về nhà không? Tôi nói: Bố thích thì con mang về nhà thờ, con chẳng sợ gì cả.Nghe thế, ông không nói gì nữa".
Anh dừng câu chuyện khi nghe tiếng điện thoại mẹ gọi về từ Đức, nói sẽ bay chuyến mấy giờ và dặn người ra đón. Hình như, ánh mắt anh cũng ánh lên tia hy vọng.
Anh đứng lên, đi gọi cô em gái xem việc nhà lo liệu đến đâu, vẫn không quên quay lại nói với người viết: "Mọi người thường gọi bố là bác trưởng thôn, lúc nào cũng mang theo cái điếu cày, vậy mà từ khi phát hiện ra bị bệnh tới lúc mất, hơn 6 tháng, bố tôi chỉ hút trộm đúng một điếu thôi đấy. Nhưng lúc mất ông gầy lắm, tôi bế lên mà nhẹ bẫng, đoán chừng bố chỉ còn 32 cân".
Theo VTC

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

viết cho tháng 4

"Hoa xoan rơi rơi và tháng tư về...."

Tôi nhớ những tháng tư qua....

Tháng tư của rất nhiều mùa trước là một thằng nhóc khóc, nằng nặc đòi Nội đi trẩy hội mùa Xuân. Lòng bỗng cồn cào thèm nghe một tiếng nói của Nội, thèm được luyên thuyên đủ thứ chuyện trong lòng Nội. Thời gian mang Nội đi mất, biến những câu truyện mãi mãi là cổ tích.

Tháng tư của tuổi thơ, có một thằng bé nghịch ngợm hì hục xé vở gấp những con thuyền giấy, chất thật nặng những bông gạo rụng rồi xuống bến thi cùng đám bạn xem chiếc thuyền nào chở được thật nặng và trôi thật nhanh dọc bờ sông… Nắng làm những hạt mồ hôi lấm tấm trên những khuôn mặt nhỏ nhưng không làm giảm tiếng hò reo ngưỡng mộ chủ nhân của chiếc thuyền thắng cuộc… Bên sông vẫn là cây gạo của tháng ba, chỉ có tháng tư và kí ức của đám trẻ mùa ấy tựa như những con thuyền giấy chở đầy hoa gạo đỏ năm nào cứ mải miết trôi xa dần, xa dần rồi vụt biến mất.

Tháng tư tuổi thơ yêu sắc tím hoa xoan hơn bao giờ hết. Nếu ai đó hỏi hoa tháng tư của những đứa trẻ lớn lên trên đồng quê là loài hoa nào, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là hoa xoan tím. Không có nét thanh lịch của loài huệ tây nơi thành thị, không kiêu sa đài các như hoàng lan, hoa xoan lấm tấm nép mình bên vòm lá xanh. Những cánh xoan mỏng manh rơi li ti trên con đường quen, và chỉ cần một làn gió nhẹ thôi cũng làm xao động những cánh hoa vương đầy mặt đất ấy. Màu hoa của tuổi thơ nơi xóm nhỏ, là những khi chơi trò “đám cưới” rủ nhau hái những chùm xoan thật to cho lũ con gái bện những vòng hoa tím thành vương miện cho cô dâu trong tiếng cổ vũ hết mình của những khán giả nhí. Những vòng xoan tím ấy đẹp đến lạ để rồi biến những khuôn mặt lấm lem vụt thành những thiên thần, cánh xoan vương đầy trên làn tóc rối cho một miền cổ tích trở thành hiện thực.

Và cứ thế, tuổi thơ đi mãi cùng những mùa xoan nở, đi mãi cùng những cánh tím hăng mùi trong giấc ngủ trưa chập chờn những ngày tháng tư ngóng mẹ về chợ muộn. Đã xa lắm rồi những trưa tháng tư trốn mẹ rồi rủ lũ trẻ hàng xóm ra ngụp lặn trên dòng sông quê, bị mẹ bắt được, đánh đòn rồi lại khóc òa. Tháng tư là nhớ cái nắng không bỏng rát để những cậu nhóc trốn học rủ nhau đi câu cáy trên đồng đến tối muộn. Nhớ những tiếng cười vô tư lự vang lên trong những cơn gió nhẹ của tháng tư trên cánh đồng của một thời xa lắc...

Tháng tư của những tháng năm cuối cấp trong tôi là những đóa li ti mang tên kỉ niệm. Một thứ kỉ niệm nhỏ nhỏ không cháy bỏng như những cánh phượng vĩ mà lại mỏng manh, yếu ớt - những chùm tím xinh xinh dẫu đã dệt thành chùm nhưng vẫn bị những cơn gió đầu hạ cuốn bay.


Em có bao giờ yêu loài hoa tím này không? Có bao giờ bận lòng về những cánh nhỏ lặng im vương trên vai áo? Có chợt nhói lòng khi thấy sắc tím dần nhạt màu rồi biến mất trên những cành xanh?
Tháng tư, tôi hiểu được cái cảm giác nhớ nhung một dáng hình đã quá đỗi thân quen. Biết vui khi thấy ai đó nở một nụ cười, biết mong chờ khi chỗ ngồi kia để trống và tim muốn ngừng đập khi bắt gặp ánh mắt của người ấy. Em vẫn ở đấy, vẫn lặng im ngồi phía sau xe, cả nắng chiều tháng tư đổ đầy trên tà áo trắng sắc tím nhạt của loài hoa bé nhỏ… Và rồi... tháng tư ngày ấy lại cùng em đi xa mãi, mối tình đầu bỗng chốc trở thành những kí ức cất kĩ nơi con tim và mãi mãi là những kỉ niệm đặt chênh vênh giữa những chiều tháng tư vô định…

Tháng tư có cái gì cồn cào và nhớ. Ngồi một mình, nghe một giai điệu quen lại thấy có một chút da diết đâu đó trong tim. Lại một tháng tư sắp qua đi và cuộc đời chẳng rộng hơn là mấy. Ta cũng từng biết nhớ một ai đó, từng tin vào những câu truyện cố tích. Tháng tư này, nắng không bỏng rát mà thật nhẹ nhàng nhuộm sắc nhạt lên bầu trời nhưng sao nắng buồn đến thế, nắng làm ta nhận ra mình chỉ là một cái bóng lẻ không hơn kém. Nắng chơi vơi yếu ớt trong sắc tím nhạt rải đầy trên con đường quen, ta chẳng còn Em nữa, bao mùa cũ gọi nhau đi về nơi xa mãi..., vẫn cứ là nỗi buồn ấy, cứ là mùi hăng nồng của loài hoa mỏng trong buổi chiều muộn... Chẳng biết ta có nên mỉm cười không khi ngoài kia lại một mùa tháng tư nữa sắp đi qua.

Tháng tư... tím màu xoan bên ngõ nhỏ, hoa li ti như mây giữa những đám lá xanh, hoa lưu luyến ai trên con đường quen của gió, như man mác buồn giữa màu nắng của thời gian đang nhạt và…

Tôi viết cho những Tháng tư đã và sẽ qua đi.