Những cô dâu Việt về quê
06/02/2013
TT - Miền Tây mùa tết. Ruộng thơm mùi rơm rạ, thoang thoảng khói đốt đồng. Trái trĩu cành chờ tay người hái, hoa rực rỡ chờ được đưa tết về nhà.
Bánh tét lúc lỉu. Gà vịt được vỗ căng tròn. Và miền Tây mùa này còn chờ những cô gái đi xa trở về...
1. Chiều 4-2, sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) lao xao, đông đúc. Chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines trong mùa tết năm nay từ Đài Bắc sắp hạ cánh lúc 13g55. Đứng ngồi la liệt khắp phòng chờ, mấy bà má chốc chốc lại lục túi áo bà ba tìm ve dầu, mắt chăm chăm cố nhìn xuyên qua mấy lớp cửa kính mong được thấy máy bay hạ cánh.
Cùng cảnh có con lấy chồng Đài Loan, không cần nói gì thêm, bà nào cũng đăm đắm nhìn vào phòng chờ. Chờ mãi mà chưa thấy ai ra, mấy bà lại quay sang tiếp tục câu chuyện: “Tết có tụi nó về, bà có chuẩn bị gì thêm không? Nhà tui cũng chỉ có mấy con gà vịt, rộng vài con cá, làm sẵn hũ mắm. Nói ngay, hồi nó ở nhà thì nghèo quá, ăn gì chả ngon. Giờ chỉ lo đứa cháu ngoại năm nay 6 tuổi, không biết nó ăn được đồ ăn mình không”... Câu chuyện cứ dài mãi theo cái nỗi “con gái như hạt mưa sa”, “may nhờ rủi chịu” cho đến khi các cô gái với những váy áo sặc sỡ, lấp lánh rất đặc trưng của xứ Đài đẩy những xe hành lý ra khỏi phòng chờ. Xôn xao tiếng gọi nhau, rồi từng gia đình một tụ lại, ôm hôn, cười khóc.
Ngóng đến tận cuối buổi chiều, bà Hai Phượng và ông Ba Mến (Lư Văn Mến, Vĩnh Thuận, Long An) mới đón được con cháu khi cả phòng chờ đã vắng tanh. Bù lại vào nỗi chờ đợi, gia đình ông bà được sum họp đủ đầy nhất với bốn cô con gái và một cháu ngoại cùng lấy chồng ở Đài Bắc và cùng nhau về ăn tết đợt này. Nguyễn Thị Tho, cô cháu ngoại mới 24 tuổi mà đã lấy chồng xa xứ được bốn năm, vòng tay ôm bà ngoại rồi chỉ vào đứa bé đang bồng trước bụng: “Con của con nè ngoại, nó mới được 4 tháng, chưa biết gọi bà cố đâu”. Bốn cô gái cùng mấy cô bé bụ bẫm như búp bê cùng ào ra một lượt. Cả nhà tíu tít lên chiếc xe 16 chỗ...
2. Sáng 5-2, sân bay Tân Sơn Nhất, ga đến đông kín người. Vợ chồng ông Tư Thành (Nguyễn Văn Thành, cù lao Thừa Thiên, ấp Kinh Ngây, xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) đứng ngóng con. Gương mặt hai ông bà cũng bồn chồn như hôm qua khi chúng tôi gặp ở nhà, cù lao Thừa Thiên mà bà con hay gọi là “đảo Đài Loan”. Hôm qua, bà vừa dọn rửa bàn thờ, vừa hối cô con gái thứ ba chọn mua cặp vịt xiêm thật ngon, coi lại hũ mắm, tìm mua ba khía. Bữa cơm ngày gặp mặt đã được lên thực đơn trước bởi hai cô con gái ở xa, “con Hai dặn nấu cháo vịt, còn con Út đòi ăn mắm kho, ba khía rang me”. Vợ chồng ông Năm Mến cùng đứng chờ. Hai gia đình ở cạnh nhau trên “đảo Đài Loan”, hôm nay cùng đi đón con gái, cùng thuê xe, gọi đò từ nửa đêm.
Câu chuyện của mấy ông bố bà mẹ đang rôm rả, chợt lắng đi khi giữa dòng người xuất hiện một người phụ nữ tay đẩy xe hành lý, một đứa bé đeo bồng trước bụng, gương mặt khắc khổ nháo nhác tìm người thân hết bên phải lại bên trái. Đứa bé trước bụng im ngủ thu hút sự chú ý của mọi người. Hỏi, bà mân mê bình sữa bằng nhựa: “Cháu ngoại, nó mới bốn tháng. Con gái sinh con, tui sang bên đó chăm sóc. Ngày tết, nhà chồng không cho con tui về, nó lại sắp đến ngày phải đi làm lại nên tui bồng cháu về nuôi, đành cho nó uống sữa ngoài”.
“Vậy mới biết mình thiệt may mắn, mấy đứa con mình sang bên đó phải mần cực lắm nhưng vẫn được gần con, tết còn được về với cha mẹ”, nét mặt ông Tư Thành từ băn khoăn chuyển sang hớn hở khi bóng cô con gái đầu lòng xuất hiện giữa đám đông. Vừa thấy mặt cha, cô đã bật khóc, nước mắt nhòe cả phấn son. Ông Tư Thành vừa tất bật chuyển đồ cho con lên xe vừa tranh thủ... làm quen cháu ngoại. Những chiếc xe biển số 63, 64, 65, 68 lần lượt theo nhau lên đường, mang cái tết ấm về với những “đảo Đài Loan” ở miền Tây.
3. Nhà bà Bảy Ân (Nguyễn Thị Ân, ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) mọi ngày vắng lặng, chỉ có mình bà và cô con gái không may bị mù, hôm nay bỗng xôn xao. Mấy đứa cháu nội vừa được nghỉ tết, xúng xính quần áo mới chạy ra chạy vào. Cô con dâu từ xã bên sang, lúi húi dưới bếp bào củ cải. Cô gái mù nấu nồi nước, cặm cụi nhổ sạch lông một con vịt. Trên cái võng mắc trước hè, bà Bảy hết ngồi lại nằm không yên. Lát nữa, cô con gái út, đứa con thứ mười một của bà sẽ về.
Bà cạy cục giã đến miếng trầu thứ sáu thì mấy đứa nhỏ hớn hở chạy vào: “Cô Út về, nội ơi”. Trong đám nhỏ xuất hiện thêm một cậu con trai giày thể thao, quần lửng, tay nắm chặt một tàu lá dừa, miệng líu lo những lời là lạ. Mấy anh con trai của bà Bảy khiêng vào nhà hai cái vali, đi cuối cùng là một cô gái. Mấy chị đang thổi lửa bên chái bếp lao xao buông đũa đứng lên.
Da trắng, tóc hoe vàng, váy ngắn, ủng cao, trông cô nổi bật lên giữa các anh, các chị. Tuột đôi ủng để ngoài hè, cô bước vội vào nhà. Bà Bảy buông miếng trầu giã dở, đứng lên nhìn, rưng rưng. Lưng bà còng, chỉ đứng tới ngang vai cô gái. Bà cứ đứng nhìn, rồi bất giác với lên hôn vào má con. Bà lau nước mắt: “Má đau quá, nên mới kêu con về, lâu quá rồi”. Ý Lan chớp chớp mắt rồi vội quay người xuống mở vali: “Má có chích thuốc đều không? Con mang về cho má hộp sữa người già nè. Mà cũng đâu có lâu, mới có hai, ba năm. Con tính để dành thêm ít nữa, có tiền rộng rãi chút mới về”. Bà Bảy lại buông miếng trầu: “Gần sáu năm rồi đó con, từ ngày giỗ ba mày kia mà”.
Hai má con líu ríu một lát thì hai đĩa gỏi vịt, tô cháo đã được dọn lên bộ ván. Một cây nhang được thắp lên bàn thờ, bữa chiều quây quần giữa mấy má con, mấy anh chị em làm ấm cả căn nhà chật hẹp, cũ kỹ. Ý Lan bảo sẽ ở lại ba tuần, bà Bảy cười móm mém: “Nghe vậy tao khỏe hẳn ra...”. Bà còn khỏe ra nữa khi cháu ngoại Châu Tiên Niện năm nay đã 12 tuổi đứng trước mặt bà, bập bẹ gọi theo lời mẹ: “Bà ngoại...”.
Miền Tây. Các cô gái đi xa rồi trở về. Nắng vẫn vàng. Hoa vẫn rực rỡ. Cây trái vẫn ngọt. Lúa vẫn ngát đồng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét