Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

trại giáo dưỡng


Nơi vực dậy những mầm xanh lạc lối

Bài 1: Những học trò đặc biệt

Cập nhật lúc 07:25, Thứ Hai, 22/08/2011 (GMT+7)
Tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 70 hécta tại huyện Long Thành, Trường giáo dưỡng số 4 (thuộc Bộ Công an) có gần 800 học viên đến từ nhiều tỉnh thành phía Nam, vốn là những em bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật. Ở đây, thầy cô là những người quản giáo nghiêm khắc, nhưng các em được giáo dục, được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu để sớm tái hòa nhập cộng đồng…

Với nhiệm vụ quản lý, giáo dục thanh thiếu niên có các hành vi vi phạm pháp luật, Trường giáo dưỡng số 4 đã tiếp nhận và cải huấn nhiều học viên vi phạm pháp luật như: cướp giật, mua bán ma túy, trộm cắp… thành những gương sống tốt, phục thiện.
Ngoài giờ học, các học sinh còn tham gia lao động sản xuất tại xưởng làm giấy bạc.            Ảnh: T.MINH
Ngoài giờ học, các học sinh còn tham gia lao động sản xuất tại xưởng làm giấy bạc. Ảnh: T.MINH

Như bao học viên ở đây, T.B.Ng. (18 tuổi, ở huyện Long Thành) đang đếm lùi từng ngày để sớm về lại với mẹ và tìm cho mình một công việc phù hợp để dần quên đi quá khứ không mấy tốt đẹp. Khi nghe nhắc đến gia đình và bạn bè, Ng. lại thấy xao lòng.
 * Phút nông nổi
Là đứa con duy nhất trong một gia đình khá giả nên bao nhiêu tình thương yêu, cha mẹ đều dành trọn cho Ng. Càng lớn, Ng. càng xinh xắn, lanh lợi. Được cưng chiều, Ng. sinh ra ương bướng, thích ăn chơi lêu lổng và tụ tập cùng đám bạn là những kẻ hư hỏng. Học hết lớp 8, Ng. bỏ ngang việc học, mặc cho gia đình hết lời khuyên ngăn, giải thích. Ng. nói giọng ngậm ngùi: “Hồi đó em còn nhỏ quá nên đâu biết hết ý nghĩa của việc học hành và hậu quả của việc ăn chơi, đua đòi như thế nào”.
Đầu năm 2009, khi hết tiền để ăn chơi, bay nhảy cùng bạn bè, Ng. về nhà lấy chiếc xe máy của mẹ đi “cắm” ngoài tiệm cầm đồ. Khi bị gia đình phát hiện la rầy, Ng. bỏ nhà đi bụi và thực hiện nhiều vụ trộm cắp vặt sau đó. Hai năm được giáo dục tại Trường giáo dưỡng số 4, Ng. mới thấm thía được sự nông nổi non dại của mình. Em cho biết: “Ở đây mọi người rất tốt với em. Có gì không đúng thầy cô sẽ chỉ dẫn. Hai năm sống ở đây, em trưởng thành hơn và tự nhủ mình sẽ không phạm sai lầm để làm buồn lòng mọi người nữa”.
P.A.H. (15 tuổi, ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) “nhập học” tại trường đến nay đã hơn một năm. Theo lời H. kể, nhà em có 4 anh em trai, H. là út nên được cha mẹ ưu ái. Ba của H. làm tài xế đường dài, thường vắng nhà với những chuyến hàng xa. Mẹ của H. mải lo việc nhà cùng tiệm may tại gia nên ít có thời gian ngó ngàng tới đứa con út đang tuổi lớn. H. cho hay: “Năm đó em học lớp 8, đang trong giờ học thì đứa bạn thân chạy lại báo tin nó bị đánh. Bực quá, em chạy về nhà lấy dao để đi tính chuyện với người bạn (cùng lớp) đánh bạn thân của em”. Sau khi gặp mặt, nói chuyện phải quấy nhưng không thành công, H. đã dùng dao đâm bạn. Nhớ lại vụ việc đó, H. vẫn còn nỗi bàng hoàng: “Đâm bạn ấy xong, mọi người hô hoán lên rồi bạn ấy gục xuống, máu chảy ướt đẫm áo. Em sợ quá đứng chết trân, run rẩy”. Nhát dao H. đâm quá sâu nên đã cướp đi mạng sống của người bạn. “Giờ mà nghe ai nói đến chết chóc, giết người là em ám ảnh. Những ngày đầu em không thể ngủ yên vì lo sợ” - H. bộc bạch.
Cán bộ (giáo viên) Bùi Thị Minh cho biết: “Phần lớn những em mới vào đây đều ít nói, mặc cảm bản thân. Qua thời gian được cán bộ uốn nắn, các em có nhiều tiến triển và hòa nhập tốt với bạn bè. Nhiều em khi ra trường tìm cho mình một công việc ổn định và quay lại thăm trường, thăm thầy cô đã tỏ ý hối tiếc vì những việc mình làm trong quá khứ”. Theo lời của cán bộ Minh, các em có những hành động sai trái như vậy chủ yếu do sự nông nổi, bộc phát, thiếu quan tâm từ phía gia đình. Nếu được uốn nắn từ đầu, cộng với sự kèm cặp của nhà trường và gia đình thì chắc rằng số trẻ vị thành niên phạm tội sẽ ngày một giảm.
* Cho em ngày mai
Lúc mới vào trường, các học viên sẽ có khoảng 3 tuần để học nội quy, nếp sống quân sự hóa tại đội mới. Tiếp đó, các em sẽ được học văn hóa, học nghề tùy theo sở thích. Sau giờ cơm chiều và những ngày cuối tuần, các em đều có thể lên thư viện đọc sách.
Học viên L.T.T. (18 tuổi, quê ở Tây Ninh) cho biết: “Sau giờ học em và các bạn đều ra sân bóng chơi thể thao hoặc ghé thư viện đọc truyện. Lúc đầu vào đây buồn lắm, nhưng riết rồi cũng quen, vì mọi người sống rất hòa đồng, gần gũi và quan tâm đến nhau”. Cũng theo lời T., nhờ rèn luyện tốt nên em được các thầy cô khen và các bạn trong đội đề xuất làm đội trưởng trong nhóm 40 người. T. cho biết: “Nhà em ở vùng quê nghèo, đông anh em. Em bị địa phương lập biên bản nhiều lần vì có hành vi gây rối trật tự công cộng. Cho đến hôm em đánh người khác bị thương nặng thì bị công an lập hồ sơ đưa vào đây”. Lần đầu tiên rời xa vòng tay cha mẹ để sống trong môi trường xa lạ, nghiêm khắc, T. rất khó hòa nhập và hay tỏ vẻ ương ngạnh với mọi người. “Lúc trước em đi đâu, làm gì cũng chẳng ai nói gì. Vào đây, thầy cô chỉ dạy em biết lễ phép trong giao tiếp, biết nhún nhường và thương yêu mọi người” - T. cho biết.
Ngành may công nghiệp được nhiều học sinh chọn học nghề để tạo dựng công việc ổn định sau khi ra trường.           Ảnh: T.MINH
Ngành may công nghiệp được nhiều học sinh chọn học nghề để tạo dựng công việc ổn định sau khi ra trường. Ảnh: T.MINH

Cũng như bao học viên khác ở Trường giáo dưỡng số 4, T. rất mong ngày về lại gia đình, mong gặp lại mẹ để cảm nhận hơi ấm của tình mẫu tử thiêng liêng. Hiện tại, T. đang theo học nghề làm tóc. Hỏi về bước đường tương lai, em cho hay: “Em nghe nói có tổ chức gì đó hỗ trợ vốn cho học viên ra trường tìm việc ổn định cuộc sống. Em đang cố gắng học nghề và mong sau này, khi nhắc đến tên em, mẹ sẽ không còn xấu hổ với hàng xóm”.
Bước vào xưởng học may công nghiệp nằm trong khuôn viên trường, chúng tôi thấy nhiều học viên đang mải miết với từng đường kim mũi chỉ. Khi nghe cán bộ giới thiệu có khách lạ đến thăm, các em liền đứng dậy khoanh tay chào lễ phép. Cuối góc phòng, cậu bé L.H.N. (17 tuổi, ở tỉnh Ninh Thuận) đang cặm cụi may áo. N. vào đây hơn một năm, do có hành vi trộm cắp tài sản. Nhắc đến gia đình, N. bộc bạch: “Còn hơn năm nữa em mới về lại gia đình. Nhà em ở xa nên cha mẹ ít có điều kiện lên thăm nom. Cuối tuần thấy các bạn có người nhà lên thăm em lại thấy buồn…”. Nói xong, N. lấy tay ngăn dòng nước mắt đang chực trào trên đôi mắt đen láy của mình. Sau ít phút, em lại hăm hở khoe những mũi chỉ vừa may được trên mảnh vải màu xanh da trời. N. thổ lộ: “Ra trường em muốn đi học lại và học nâng cao tay nghề may. Hồi đó không làm gì nên ăn chơi lông bông, quậy phá. Giờ em mới thấm thía những hậu quả từ việc mình làm nên phải cố gắng rèn luyện thật tốt để không phụ lòng gia đình, các thầy cô ở đây”.
Tùng Minh

Bài cuối: Một ngày ở trường giáo dưỡng

Cập nhật lúc 09:20, Thứ Ba, 23/08/2011 (GMT+7)
Nếu ở bên ngoài được tự do sinh hoạt, đi lại, thì bên trong trường giáo dưỡng, các học viên phải tuân thủ giờ giấc, nếp sống kỷ luật. Mục đích giáo dục như vậy nhằm định hướng các em sống có nề nếp, tránh xa lối sống buông thả khi về lại với gia đình, cộng đồng.
Bên trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, từng tốp học viên trở về những dãy nhà sinh hoạt và dùng cơm trưa. Nhìn những gương mặt ngoan hiền, lễ phép như thế này, ít ai nghĩ các em từng có “máu mặt” trong giới thanh thiếu niên tại địa phương.
 * Rèn luyện kỷ luật
Đội trưởng Đội Giáo vụ Nguyễn Hồng Nam cho biết, nhiều thế hệ học viên sau khi ra trường đã ổn định cuộc sống, lập gia đình. Thậm chí, có người còn ăn nên làm ra nhờ sự dìu dắt, dạy nghề của các thầy cô nơi đây. Cán bộ Nam cho hay: “Mỗi lần nhận được tin các em báo đã ổn định cuộc sống, chúng tôi ai cũng phấn khởi. Đời người làm giáo viên như chúng tôi chẳng ai muốn gặp lại học trò của mình trong hoàn cảnh phải vào trường lần 2”. Nói xong, anh dẫn chúng tôi vào tham quan dãy nhà của những học viên. Đang trong giờ lao động, học tập nên trong mỗi dãy nhà chỉ có 1-2 em làm vệ sinh phòng. Những vật dụng, mền, gối được các học viên xếp ngăn nắp không khác gì các anh bộ đội trong quân ngũ. Đây là quy định bắt buộc đối với các học viên, nhằm rèn luyện cho các em tính kỷ luật, ngăn nắp và sự chững chạc khi về lại gia đình.
Ít ai nghĩ, những cậu bé hồn nhiên như thế này lại từng gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng.   Ảnh: T.MINH
Ít ai nghĩ, những cậu bé hồn nhiên như thế này lại từng gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng. Ảnh: T.MINH

Hàng ngày, các em học viên được phân công luân phiên trực vệ sinh quanh khu nhà mình ở. Mỗi buổi tối trước khi ngủ, các em thường quây quần bên nhau xem tivi, đọc sách. Những “cuộc chiến” nội bộ trong từng đội nếu bị thầy cô phát hiện sẽ khiển trách, xử phạt tùy theo mức độ. Bởi vậy, những học viên mới vào thường không mang nặng tâm lý lo sợ “đàn anh” ăn hiếp. Trật tự, kỷ luật ở đây đã xóa tan những mối lo tiềm ẩn đó, để các em yên tâm học tập, lao động, sống tốt. Những học viên làm sai nội quy của trường sẽ bị phạt làm vệ sinh trong đội của mình. Đối với những em có biểu hiện tốt, thân ái giúp đỡ mọi người sẽ được biểu dương trước cờ vào mỗi sáng thứ 2 đầu tuần để các học viên khác noi theo.
Sau giờ cơm trưa, các học viên về lại dãy nhà của từng đội nghỉ ngơi để đến 1 giờ 15 đi lao động, học nghề, học văn hóa. Cuối giờ chiều, các em thường tập trung đến sân bóng đá, bóng chuyền chơi thể thao. Em P.Q.K. (18 tuổi, nhà ở thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Chiều nào em với các bạn cũng chơi đá bóng. Lúc đầu, tụi em chỉ chơi theo từng đội ở cùng phòng. Riết rồi chơi rộng rãi với các học viên khác trong trường thông qua từng trận bóng”. Theo lời của K., dù được thầy cô ở đây quan tâm nhưng nỗi nhớ gia đình mỗi khi tối đến là điều không thể tránh khỏi. “Đêm nào cũng vậy, trước khi chợp mắt em lại nghĩ về cha mẹ. Mỗi lần lên thăm em, mẹ đều khóc và dặn dò em ráng học tập, sống tốt để về lại gia đình. Nghe như vậy em chỉ biết khóc và tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa”.
Trong gian phòng y tế rộng rãi, sắp xếp cẩn thận, có khoảng 10 học viên đang nằm nghỉ ngơi, xem tivi. Cán bộ Đinh Xuân Tuấn giải thích: “Những em này bị bệnh cảm sốt nhẹ nên chúng tôi cho nghỉ ngơi ở phòng y tế để theo dõi bệnh. Khi các em có dấu hiệu khác thường, chúng tôi sẽ chuyển lên tuyến trên cho nhanh, kịp thời”.
* Thi đua làm nhiều việc tốt
Ngoài những hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích, các học viên ở đây đều được tham gia vào các phong trào của trường phát động hàng năm. Cán bộ Tuấn cho biết: “Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thi đua nhằm giúp các em biết rõ giá trị của cuộc sống và phát huy khả năng của mình. Qua nhiều hội thi thể thao, văn nghệ, làm báo tường…, nhiều tài năng đã được phát hiện và khuyến khích phát triển”.
Gần dãy nhà dành cho những học sinh mới, một tốp nam sinh đang tụm quanh một chú khỉ nhỏ. Vốn tính trẻ con, nhiều em chọc giỡn, rồi phá lên cười hồn nhiên. Thấy các cán bộ bước đến, các em cúi đầu chào. P.Q.A. (16 tuổi, nhà ở TX.Long Khánh) cho biết: “Em vô đây gần một năm rồi. Tuần nào cha mẹ cũng ghé thăm, động viên. Hơn năm nữa em mới về lại gia đình. Bởi vậy, em đang cố gắng hòa nhập với mọi người và học nghề gì đó cho ổn định để sau này không tụ tập bạn bè lêu lổng nữa”.
Chỉ vì mải mê các trò game online bạo lực, lúc gây sự với một “kiếm thủ” trong nhóm, A. chạy về nhà lấy dao tính sổ với bạn mình. Lúc tới tiệm game, A. gọi người bạn ra hỏi chuyện, giằng co. Không làm chủ được hành động bản thân, A. rút dao đâm bạn. A. nói giọng ân hận: “Không biết sao lúc ấy em lại làm thế. Nghĩ lại, em thấy ghê sợ chính mình. Em nghe gia đình nói lại là bạn ấy đã mất ngay sau đó do vết thương quá nặng. Tối nào đi ngủ em cũng nghĩ đến việc đã làm và thấy bất an”. Gần một năm sau biến cố xảy ra, giờ đây A. đã thay đổi hẳn. Em tích cực tham gia các hoạt động của trường, của đội để mong quên đi quá khứ ám ảnh. Em xúc động: “Nếu về lại gia đình, em không dám nhìn mặt bạn bè đâu. Em sợ họ nói em là kẻ máu lạnh. Chắc em sang nhà chú ở, rồi học nghề sửa xe máy luôn”.
Sau giờ đến lớp, các em học viên thường vào thư viện để đọc truyện, giải trí lành mạnh.      Ảnh: T.MINH
Sau giờ đến lớp, các em học viên thường vào thư viện để đọc truyện, giải trí lành mạnh. Ảnh: T.MINH

Nghe A. nói, chúng tôi thấy lòng xót xa. Chỉ vì phút bồng bột, nông nỗi đã cướp đi sự hồn nhiên, vô tư của cậu bé tuổi mới lớn, thay vào đó là nỗi ám ảnh, dằn vặt của bản thân. A. đang ngày ngày làm việc, học tập để dần quên đi quá khứ. Những việc làm của em ngày hôm nay sẽ là tiền đề tươi sáng cho tương lai bình yên phía trước.
Kể cho tôi nghe về những học viên tiêu biểu sau khi rời trường, Đội trưởng Nguyễn Văn Đắp không giấu được vẻ tự hào: “Nhiều học sinh của trường trước đây rất ngỗ nghịch, nhưng khi về lại cộng đồng lại rất ngoan và chăm chỉ làm ăn. Có em còn đảm đương nhiều công việc tại các công ty, cơ sở. Khi liên lạc với chúng tôi, các em đều bảo những năm tháng được trui rèn kỷ luật ở trường đã dạy các em biết phấn đấu, học tập, nỗ lực trong cuộc sống. Nghe những lời như vậy tôi rất ấm lòng, xúc động”.
Trời dần buông màu tối, tôi từ giã mọi người ở đây mà lòng mang nhiều nỗi niềm xúc động. Bởi lẽ, bên ngoài bờ rào khuôn viên trường, ai cũng nghĩ những cán bộ trong đây rất nghiêm nghị, khó gần, còn các em học viên là những đối tượng bất trị, cứng đầu. Nhưng bằng những nỗ lực từ chính bản thân các em và sự dìu dắt của các thầy cô cán bộ, những tâm hồn vô cảm đã trở nên ngoan hiền, sống có ích cho xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét