Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Giọt nước mắt mùa Trung thu


Giọt nước mắt mùa Trung thu
TT - Tôi có cậu em trai út cất nhà sát bên cạnh. Hai vợ chồng cậu đều đi làm từ sáng đến tối mịt nên từ lúc có đứa con đầu cho đến khi đứa thứ hai hơn 3 tuổi, nhà lúc nào cũng phải có người giúp việc. Em dâu tôi nhà ở Long An nên hầu hết người giúp việc do gia đình kiếm giúp.

Những người giúp việc cho em tôi đều là phụ nữ có tuổi ở miền Tây. Mỗi con người là một số phận. Như dì Ba ở Long An, không chồng không con, đã có tuổi nên lúc nào di chuyển cũng chậm chạp. Làm được hơn ba năm, già yếu nên dì nghỉ về quê. Ở quê dì còn miếng đất, đứa cháu kêu dì bán đi, qua nhà nó ở, lấy tiền dưỡng già. Bán xong, tiền cháu lấy hết, dì ở chung, bữa vui thì nhờ, không vui thì chịu.
Cách đây hai năm, gần đến rằm Trung thu, dì nhắn qua nhà má vợ em tôi: “Hồi ở với hai vợ chồng chú Quang, cứ Tết Trung thu bánh nhiều lắm, nhờ nói vợ chồng chú gửi cho tôi một cái ăn cho đỡ thèm”.
Em tôi nghe nhắn vội nhờ dưới đó đi mua một hộp bánh đem cho dì. Đứa cháu kể dì ăn hết một cái bánh, nói ngon quá rồi quay mặt vô vách ngủ và đi luôn. Hôm đám ma, đứa con lớn của em tôi nghỉ học một ngày về Long An lạy dì để nhớ công dưỡng nuôi của dì. Em trai tôi buồn cả tuần, nhớ má lúc còn sống cũng thích ăn bánh trung thu. Hồi nhỏ nghèo quá, đi học được trường phát cho cái bánh là cất đem về cho má.
Còn dì Tư ở Cai Lậy (Tiền Giang) có hai đời chồng. Ông chồng sau tứ đổ tường thì dính hết hai là gái và rượu. Dì Tư mang nợ vì chồng mà chồng cũng không để yên nên phải dẫn con gái tha phương cầu thực. Dì vừa giúp việc cho em tôi, vừa phải chăm lo cho con gái đi làm công nhân, ở trọ gần đó. Đứa con nhỏ của em tôi từ lúc mới lọt lòng đã được dì Tư chăm sóc.
Gần Trung thu, tôi gửi dì hộp bánh, dì và con gái chỉ ăn một cái, còn lại bao nhiêu đem gửi về quê. Dì bảo: “Tội nghiệp thằng Út dưới đó, từ nhỏ đến lớn có bao giờ được ăn miếng bánh trung thu nào đâu”. Dì Tư về quê, nghe nói bị té sao đó, đi phải chống nạng và về ở cùng đứa con với người chồng trước. Không biết Trung thu này dì và các con đã ăn miếng bánh nào chưa?
Ngoài dì Ba, dì Tư... còn có chị Út ở Nhà Bè (TP.HCM), dì Sáu ở Tân Trụ (Long An) và bây giờ là dì Năm ở Trà Vinh. Nhà dì Năm có mấy đầu xe đò nhưng làm ăn sao đó phải mang công mắc nợ, đành xa nhà làm thuê kiếm tiền gửi về trả nợ. Tối rồi tôi qua thấy hai đứa cháu đang hát bài về trung thu theo chương trình quảng cáo trên truyền hình, dì Năm nằm trên ghế mây trước nhà đang chảy nước mắt vì nhớ chồng nhớ con.
Vì hoàn cảnh, các chị các dì phải bỏ gia đình ở quê mưu sinh nơi đất lạ quê người. Tết Nguyên đán bao giờ cũng được về nhà nhưng cứ mỗi mùa Trung thu đến thì ăn một miếng bánh - với nhiều người có khi là miếng bánh trung thu đầu tiên được ăn trong đời - lẽ ra phải thơm ngon ngọt ngào, lại có vị mằn mặn của nước mắt nhớ nhà, nhớ con, nhớ chồng...
Truyền hình vẫn đêm đêm quảng cáo bánh trung thu bằng những cảnh sum họp gia đình giàu có, đông đủ tam tứ đại đồng đường. Không biết hàng vạn gia đình đang sum họp bên nhau như vậy có cảm nhận được giá trị của hạnh phúc này không và có biết còn hàng ngàn, hàng vạn người xa quê, xa người thân đang cám cảnh bằng những giọt nước mắt tủi phận khi nhìn cảnh quây quần hạnh phúc của gia đình người khác - dù chỉ là trên truyền hình...
Tôi nhủ thầm trong bụng: để tối về nhắc cô em dâu cho dì Năm về nhà ít ngày và gửi biếu hộp bánh để dì đem về cho con cháu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét